Kiến nghị thành lập tổ công tác hỗ trợ giải quyết vướng mắc về bồi thường, giải phóng mặt bằng tại huyện Nhơn Trạch

Sáng 9-10, đoàn công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến Dự án Đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Đồng Nai do Phó bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nhơn Trạch, Tổ trưởng tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Nhơn Trạch Dương Thị Mỹ Châu làm trưởng đoàn đã có buổi việc với UBND huyện Nhơn Trạch.

Phó bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nhơn Trạch, Tổ trưởng tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Nhơn Trạch Dương Thị Mỹ Châu phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Kim Liễu

Phó bí thư thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nhơn Trạch, Tổ trưởng tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Nhơn Trạch Dương Thị Mỹ Châu phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Kim Liễu

Dự án Đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Đồng Nai gồm 2 dự án thành phần: Dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch - 1A thuộc đường Vành đai 3 đoạn qua xã Long Tân và xã Phú Thạnh (đã chi trả tiền bồi thường được 426/468 hộ, còn lại 42 hộ/5.615,2m2, trong đó có 40 hộ đã bàn giao mặt bằng, còn lại 2 hộ chưa bàn giao mặt bằng). Dự án thành phần 4 tổng diện tích thu hồi khoảng 65 hécta (đã chi trả tiền được 510/798 hộ, còn lại 288 hộ UBND huyện giao Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện tiếp tục thực hiện chi trả tiền bồi thường).

Tổng số đơn tiếp nhận liên quan đến dự án là 370 đơn (đã phân loại xử lý giải quyết 159/ 186 đơn khiếu nại, đạt tỷ lệ hơn 84% và 114/184 đơn phản ảnh, kiến nghị đạt tỷ lệ gần 62%). Nội dung liên quan về giá bồi thường, vị trí đất, hỗ trợ đào tạo nghề, chi di dời…

Theo đánh giá của đoàn công tác, lượng đơn thư tại huyện Nhơn Trạch tăng đột biến, nguyên nhân phát sinh đơn là do các quy định của pháp luật hiện hành về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn nhiều bất cập, chưa sát hợp thực tiễn; bị ảnh hưởng bởi “tâm lý đám đông”, tính chất “lây lan”, “sợ thiệt thòi”; quy trình thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện tại dự án còn nhiều sai sót, thiếu sót.

Việc nhận thức, áp dụng pháp luật của một số thành viên Hội đồng bồi thường, đặc biệt là Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện và một số xã chưa cao, còn áp dụng sai, mang tính cảm tính, không có căn cứ pháp luật.

Việc vận động, giải thích, giải quyết các kiến nghị của người bị thu hồi đất trước khi ban hành quyết định bồi thường, hỗ trợ còn chưa được quan tâm đúng mức, chưa thực hiện giải thích đầy đủ, thỏa đáng từng nội dung kiến nghị, phản ánh theo quy định, yêu cầu dẫn đến tâm lý bức xúc, phát sinh khiếu nại.

Công tác tiếp công dân, gặp gỡ đối thoại, giải thích vận động chưa kịp thời và hiệu quả. Các sai sót liên quan việc lập hồ sơ bồi thường;…

Trưởng đoàn giám sát Dương Thị Mỹ Châu lưu ý, thời gian tới, trên địa bàn huyện sẽ có nhiều dự án lớn được triển khai, UBND huyện cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân nắm rõ thông tin về dự án, các quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để tạo sự đồng thuận cao; quan tâm hơn đến công tác tiếp công dân ở cấp cơ sở; bố trí thời gian hợp lý để lãnh đạo tiếp giải quyết kiến nghị của công dân; phân công cán bộ thụ lý, phối hợp ngành chuyên môn, đảm bảo tiến trình, trình tự thủ tục thời gian theo quy định…

Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh, các sở, ngành phản hồi sớm các kiến nghị, vướng mắc cơ sở nhất là đối với văn bản quy định pháp luật mới; sớm thành lập tổ công tác của tỉnh hỗ trợ địa phương giải quyết kịp thời các vướng mắc liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng…

Kim Liễu

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/tin-moi/202410/kien-nghi-thanh-lap-to-cong-tac-ho-tro-giai-quyet-vuong-mac-ve-boi-thuong-giai-phong-mat-bang-tai-huyen-nhon-trach-ec431e2/