Cần kiểm soát quyền lực khi phân quyền đầu tư công cho chủ tịch UBND các cấp

Ngày 9-10, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 38, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Phân quyền cho chủ tịch UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư

Trình bày tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo Luật gồm 7 chương, 116 điều (sửa đổi 53 điều, bổ sung 22 điều, bãi bỏ 7 điều so với Luật Đầu tư công năm 2019), với các nội dung chủ yếu để cụ thể hóa 5 nhóm chính sách lớn.

Nhóm chính sách thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng, trong đó cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả nhóm dự án (bao gồm cả dự án nhóm B, C).

Với nhóm chính sách về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng Chính phủ.

Phân cấp thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng chung vốn ngân sách trung ương, vốn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương, các khoản vốn ngân sách trung ương chưa phân bổ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, từ Quốc hội cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đáng chú ý, dự thảo Luật quy định phân cấp thẩm quyền cho chủ tịch UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A có quy mô vốn dưới 10.000 tỷ đồng, nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh báo cáo thẩm tra về dự án Luật. Ảnh: media.quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh báo cáo thẩm tra về dự án Luật. Ảnh: media.quochoi.vn

Báo cáo thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, về cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, đa số ý kiến thống nhất với đề xuất này của Chính phủ. Tuy nhiên, cần quy định bảo đảm việc giải phóng mặt bằng gắn với đầu tư hoàn thành dự án, không để hoang phí đất đai và tổng thời gian bố trí vốn thực hiện 2 dự án độc lập để hoàn thành các chương trình, dự án không được vượt quá thời hạn quy định tại Luật hiện hành.

Về phân cấp thẩm quyền cho Chủ tịch UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc phân cấp như dự thảo Luật là thay đổi lớn, cần nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng, toàn diện, đặt trong tổng thể các chính sách khác liên quan đến vấn đề trách nhiệm tập thể và trách nhiệm cá nhân.

“Việc quyết định chủ trương đầu tư các dự án là vấn đề quan trọng của địa phương, do vậy Luật Đầu tư công hiện hành quy định HĐND quyết định chủ trương đầu tư dự án, chủ tịch UBND cùng cấp quyết định đầu tư dự án là một biện pháp để kiểm soát quyền lực. Nếu quy định chủ tịch UBND các cấp vừa là người quyết định chủ trương đầu tư dự án, vừa là người quyết định đầu tư dự án là chưa bảo đảm tính khách quan”, ông Lê Quang Mạnh nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Bảo đảm minh bạch, khách quan trong phân quyền

Thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công đã cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện 5 nhóm chính sách lớn, thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát; bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không để đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế “xin-cho”…

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo Luật quy định “Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong trường hợp không thay đổi tổng mức vốn trung hạn và hằng năm đã được Quốc hội quyết định, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp gần nhất”.

Ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, liên quan đến việc quyết định dự toán ngân sách nhà nước đã được thực hiện ổn định nhiều năm (đối với cả chi thường xuyên và chi đầu tư), không có vướng mắc phát sinh, do vậy đề nghị giữ như quy định hiện hành để bảo đảm quy định của Hiến pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, quy định phân cấp, phân quyền cần rõ trách nhiệm thực thi của cơ quan cấp dưới và trách nhiệm kiểm tra giám sát của cơ quan cấp trên.

Ông Hoàng Thanh Tùng cho rằng, quy định phân cấp thẩm quyền cho chủ tịch UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án là “chuyển từ quyết định của tập thể, cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương sang cho một cá nhân quyết định”, do đó đây là vấn đề lớn cần đánh giá kỹ và cần có ý kiến của địa phương.

“Dồn hết thẩm quyền quyết định cho chủ tịch UBND các cấp thì đầu tư công sẽ nhanh nhưng chúng tôi rất băn khoăn về việc kiểm soát quyền lực, bảo đảm minh bạch, khách quan trong triển khai thực hiện”, ông Hoàng Thanh Tùng nói và cho rằng, Luật hiện hành đã có quy định cho phép HĐND trong trường hợp cần thiết giao UBND cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư, do đó cần báo cáo việc thực hiện chính sách này thời gian qua.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trường hợp dự án Luật được chuẩn bị có chất lượng tốt, quá trình thảo luận tại Quốc hội cho thấy các nội dung đã rõ, đạt sự đồng thuận cao thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ tám theo quy trình tại một kỳ họp trên tinh thần sửa đổi một số quy định cần thiết, cấp bách hoặc ban hành nghị quyết thí điểm đối với một số chính sách.

Tiến Thành

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/can-kiem-soat-quyen-luc-khi-phan-quyen-dau-tu-cong-cho-chu-tich-ubnd-cac-cap-680866.html