Kiến nghị thúc đẩy mô hình hợp tác công-tư để mở rộng không gian trường đại học

Việc làm này sẽ tạo môi trường học tập, làm việc tốt, chất lượng cao cho cả sinh viên và giảng viên mỗi cơ sở giáo dục đại học.

Theo ý kiến từ lãnh đạo, đại diện một số cơ sở giáo dục đại học, chiến lược đến năm 2030 “Mở rộng không gian phát triển và nâng cao năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học, bảo đảm 100% cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn” tại Quyết định số 1705/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là rất quan trọng và cần thiết đối với mỗi nhà trường.

Cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh, hình ảnh thương hiệu cho mỗi cơ sở giáo dục đại học

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Quách Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ, việc mở rộng không gian phát triển là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay bởi nó tạo điều kiện thuận lợi về mặt không gian, cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cũng như nhiều yếu tố liên quan để đảm bảo cho cơ sở giáo dục đại học phát triển toàn diện, bền vững. Việc làm này sẽ tạo môi trường học tập, làm việc tốt, chất lượng cao cho cả sinh viên và giảng viên nhà trường.

Để thực hiện việc mở rộng không gian phát triển, mỗi cơ sở giáo dục đại học cần có kế hoạch mở rộng diện tích đất đai cũng như có dự án xây dựng cơ sở vật chất trên diện tích đất của mình sao cho có các phòng thí nghiệm, thư viện, … được nâng cao chất lượng. Đặc biệt, phải xây dựng được chiến lược phát triển dài hạn. Cải cách thủ tục hành chính sao cho đơn giản, số hóa hơn.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Website Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Website Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, rất cần có sự quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm để nguồn đầu tư của nhà nước tiết kiệm hơn. Từ đó, giúp sự phát triển của giáo dục đại học mang tính bền vững, ổn định hơn.

Ngoài ra, cần có các hành lang pháp lý nhằm tạo thuận lợi trong việc trao đổi hoặc mời giảng viên, chuyên gia người nước ngoài để phát triển các ngành học mới, ngành học quan trọng. Giải pháp này sẽ giúp tiết kiệm được nguồn kinh phí của nhà nước trong việc đầu tư vào nâng cao chất lượng đội ngũ, chương trình đào tạo.

Hơn nữa, cần cập nhật các công cụ học tập hiện đại, thay đổi phương pháp giảng dạy sao cho thời gian đào tạo rút ngắn lại nhưng chất lượng đào tạo được gia tăng.

Không những vậy, cần tăng cường hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp để gia tăng cơ hội tiếp cận với máy móc hiện đại trong quá trình thực hành, thực tập của sinh viên. Hiện Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đang phối hợp với một số tập đoàn lớn để đưa sinh viên vào thực tập với các máy móc thiết bị hiện đại mà nhà trường khó có đủ kinh phí để đầu tư.

Cần có chính sách miễn giảm thuế cho phần đầu tư vào giáo dục đại học của các doanh nghiệp để họ tích cực tham gia vào đầu tư, hợp tác với các trường đại học hơn.

Trong khi đó, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ, để một trường đại học mở rộng không gian phát triển và nâng cao năng lực, trước tiên cần đảm bảo hạ tầng và cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng yêu cầu học tập, nghiên cứu và sinh hoạt của sinh viên cũng như giảng viên. Các phòng thí nghiệm, thư viện, trung tâm nghiên cứu cần được đầu tư theo tiêu chuẩn quốc tế để hỗ trợ tối ưu cho quá trình đào tạo.

Ngoài ra, ứng dụng công nghệ thông tin và triển khai chuyển đổi số trong quản lý, giảng dạy, cùng với việc xây dựng các nền tảng học tập trực tuyến, cũng đóng vai trò thiết yếu.

Hơn nữa, cần có cơ chế linh hoạt và sự hỗ trợ từ nhà nước, bao gồm chính sách tài chính, quyền tự chủ và pháp lý rõ ràng. Đây là yếu tố quan trọng để các trường đại học phát triển bền vững.

Còn theo Tiến sĩ Phạm Quốc Luyến – nguyên Giám đốc điều hành Trường Đại học Tân Tạo (Long An), việc mở rộng không gian phát triển và nâng cao năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học là một mục tiêu quan trọng trong Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, các cơ sở giáo dục đại học cần phải nâng cao năng lực để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và biến đổi không ngừng của xã hội và thị trường lao động.

Và việc mở rộng không gian phát triển giúp các trường đại học có thể cung cấp môi trường học tập và nghiên cứu tốt hơn, thu hút và giữ chân đội ngũ giảng viên, nhà nghiên cứu có trình độ cao, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên phát triển toàn diện. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để nâng cao năng lực cạnh tranh và hình ảnh thương hiệu của mỗi cơ sở giáo dục đại học.

Ngoài ra, việc mở rộng không gian phát triển còn giúp các trường đại học tăng cường khả năng hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực tài chính từ các tổ chức, doanh nghiệp và nhà nước, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục và nghiên cứu. Việc mở rộng không gian phát triển cũng đồng nghĩa với việc mở rộng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho mỗi trường đại học.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan và sự cam kết mạnh mẽ từ phía nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp chứ riêng bản thân các cơ sở giáo dục đại học không thôi thì chưa đủ.

Một điều kiện cũng rất quan trọng trong việc mở rộng không gian phát triển là năng lực nhận thức, quản lý, điều hành của đội ngũ quản lý, điều hành cấp cao của nhà trường theo các triết lý quản lý giáo dục đại học tiên tiến, hiện đại trên thế giới.

Còn nhiều hạn chế trong chính sách tự chủ đại học và hợp tác quốc tế

Cũng theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay, các trường đại học đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc mở rộng không gian phát triển. Một trong những thách thức lớn chính là quỹ đất hạn chế và chi phí cao, đặc biệt ở các thành phố lớn. Bên cạnh đó, nguồn lực tài chính cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực còn hạn chế, khiến nhiều trường gặp khó khăn trong việc nâng cấp và mở rộng.

Sự chênh lệch vùng miền cũng là một vấn đề đáng chú ý, khi các trường ở vùng sâu, vùng xa thường khó thu hút được giảng viên và sinh viên giỏi, làm gia tăng khoảng cách về chất lượng giữa các cơ sở giáo dục.

Không những vậy, áp lực cạnh tranh từ các trường quốc tế và yêu cầu ngày càng cao; áp lực từ thị trường lao động cũng đặt ra thách thức lớn đối với các trường đại học trong nước.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Website Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Website Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh.

Thầy Tuấn cho rằng, để hướng tới mục tiêu 100% cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn, cần có một chiến lược phát triển lâu dài và đồng bộ, trong đó ưu tiên quy hoạch các khuôn viên và khu chức năng phục vụ đào tạo, nghiên cứu.

Bên cạnh đó, mô hình hợp tác công - tư (PPP) nên được thúc đẩy, kêu gọi sự tham gia của doanh nghiệp trong việc đầu tư phát triển hạ tầng và các chương trình đào tạo.

Công nghệ số cũng cần được chú trọng, với việc triển khai các công cụ học tập trực tuyến, thư viện số và mô hình đào tạo linh hoạt để tối ưu hóa không gian sử dụng.

Hơn nữa, việc giám sát và đánh giá chất lượng giáo dục cần được thực hiện thường xuyên, minh bạch, nhằm liên tục cải tiến và đảm bảo tất cả các cơ sở giáo dục đại học đều đạt chuẩn theo yêu cầu.

Còn thầy Luyến cho rằng, việc thu hút và giữ chân đội ngũ giảng viên, nhà nghiên cứu có trình độ cao cũng là một vấn đề nan giải để các cơ sở giáo dục đại học mở rộng không gian phát triển.

Thực tế hiện nay, các trường đại học còn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các cơ sở giáo dục khác cả trong và ngoài nước. Khó khăn này cũng xuất phát từ việc nguồn lực tài chính còn nhiều hạn chế, nhiều cơ sở giáo dục đại học không có khả năng thu hút được những nhà quản trị đại học có tư duy và năng lực quản trị hiện đại.

Cũng theo thầy Luyến, để hướng tới mục tiêu 100% cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn qua việc mở rộng không gian phát triển, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan và sự cam kết mạnh mẽ từ phía nhà nước và các tổ chức, doanh nghiệp để đạt được mục tiêu 100% cơ sở giáo dục đại học đạt chuẩn.

Còn theo thầy Hải, việc mở rộng không gian phát triển của các trường đại học đang gặp một số khó khăn do việc sử dụng hệ thống hạ tầng, công nghệ thông tin dùng chung giữa các cơ sở đang còn rất hạn chế. Các trường rất khó trao đổi, liên kết thông tin và nâng cao chất lượng đào tạo lẫn nhau.

Chính vì vậy, cần xây dựng những hệ thống như phòng thí nghiệm dùng chung ở khu vực phía Bắc, khu vực miền Trung và khu vực phía Nam cho các cơ sở giáo dục đại học.

Tường San

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/kien-nghi-thuc-day-mo-hinh-hop-tac-cong-tu-de-mo-rong-khong-gian-truong-dai-hoc-post248819.gd