Kiến nghị tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng
Đánh giá cao hiệu quả của chính sách giảm 2% thuế VAT, đại biểu đề nghị Quốc hội cân nhắc xem xét cho phép tiếp tục thực hiện chính sách trong thời gian phù hợp.
Sáng 25-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy, Quốc hội thảo luận ở hội trường về báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11-1-2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.
Nghị quyết kịp thời, hợp lòng dân
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, đưa nước ta mở cửa trở lại nền kinh tế, các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường…
Điểm sáng trong thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 là nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ đã đến được với người dân, doanh nghiệp, tập trung được nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Đặng Thị Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình) cho rằng, việc ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 hết sức kịp thời, hợp lòng dân. Các chính sách đưa ra trong Nghị quyết có tính chiến lược, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, bổ sung nguồn lực lớn từ ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn huy động khác để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, vực dậy cả cung và cầu của nền kinh tế.
“Việc Quốc hội lựa chọn chuyên đề giám sát tối cao ngay trong quá trình triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 và các Nghị quyết của Quốc hội về các dự án quan trọng quốc gia có ý nghĩa rất quan trọng. Quốc hội tăng cường trách nhiệm giám sát các Nghị quyết đã ban hành và đồng hành với Chính phủ đánh giá, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội để bảo đảm thực hiện thành công các mục tiêu đề ra và tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực góp phần vào sự phát triển chung của đất nước”, đại biểu nói.
Bên cạnh đó, đánh giá cao kết quả giám sát chuyên đề đã thẳng thắn chỉ ra các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) nêu tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ là nguyên nhân chủ quan dẫn đến kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 chưa đạt như kỳ vọng.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn cụ thể thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 vẫn còn chậm. “Trong số 21 văn bản được thống kê trong phụ lục, chỉ có duy nhất 1 văn bản được ban hành đúng thời hạn, còn lại 20 văn bản đều chậm và muộn. Trong số 20 văn bản chậm đó, tuy có 4 văn bản không có quy định thời hạn cụ thể nhưng cũng đều ban hành rất muộn. Nghị quyết số 43/2022/QH15 có thời hạn 2 năm thì mất đúng 1 năm cho công tác ban hành văn bản, nhiều văn bản chậm từ 2 tháng đến 7 tháng”, đại biểu nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhận định, việc chậm, muộn ban hành văn bản quy phạm pháp luật này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp, một số chính sách chưa đạt được mục tiêu đề ra, ảnh hưởng đến kết quả chung.
Cần tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế
Để Nghị quyết số 43/2022/QH15 được triển khai đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) kiến nghị, đề xuất đến Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo 3 nội dung: Nhanh chóng nghiên cứu đề ra giải pháp khắc phục hiệu quả các nội dung tồn tại, hạn chế nêu trong báo cáo của Đoàn giám sát; ngay sau kỳ họp này, Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tập trung nghiên cứu xem xét hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, bộ, ngành theo các kiến nghị được Đoàn giám sát tổng hợp; chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông chính sách đến từng doanh nghiệp đủ điều kiện biết để tham gia.
Kiến nghị giải pháp thời gian tới, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn Quảng Trị) cho rằng, bài học rút ra sau khi thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 là tập trung vào tính khả thi và chọn thời điểm. Chính sách kinh tế vĩ mô có đặc điểm quan trọng là phải chọn đúng thời điểm. “Do đó, nếu trong tương lai chúng ta lại có các chương trình, gói hỗ trợ kinh tế vĩ mô thì phải cân nhắc rất kỹ về yếu tố thời điểm để đưa chính sách vào cuộc sống”, đại biểu nói.
Theo đại biểu Đoàn Quảng Trị, nếu gặp tình huống cần chính sách hỗ trợ, việc đầu tiên cần nghĩ đến là giảm thuế, thậm chí có thể cân nhắc việc giảm thuế mức lớn hơn và cần tập trung vào một số ngành cụ thể.
Còn đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng, chính sách tài khóa cần các giải pháp điều chỉnh tổng cầu của nền kinh tế, cần tiếp tục các chính sách nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa, xem xét tiếp tục giảm một số thuế, phí, hỗ trợ doanh nghiệp để kích cầu.
“Trên thực tế, dù giảm thuế và phí 2 năm qua nhưng tổng thu ngân sách hầu như không ảnh hưởng”, đại biểu nói. Đánh giá rất cao Quốc hội xem xét cho ý kiến Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) tại kỳ họp thứ bảy, đại biểu kiến nghị xem xét chính sách thuế về thu nhập cá nhân để kích thích thị trường tiêu dùng, xem xét mức giảm trừ gia cảnh.
Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, có giải pháp giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực hiện các dự án đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Đánh giá cao hiệu quả của chính sách giảm 2% thuế VAT, đại biểu đề nghị Quốc hội cân nhắc xem xét cho phép tiếp tục thực hiện chính sách trong thời gian phù hợp.
Cho rằng Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn giảm thuế được kỳ vọng là chính sách hỗ trợ thiết thực cho cả doanh nghiệp và người dân, đại biểu Bế Minh Đức (Đoàn Cao Bằng) cho rằng, việc thực hiện giải pháp giảm thuế VAT không áp dụng chung cho tất cả hàng hóa, dịch vụ. Do có những hàng hóa, dịch vụ không thuộc diện miễn giảm, dẫn đến nhiều doanh nghiệp tra cứu phụ lục của Nghị định nhưng không dám khẳng định hàng hóa của mình thuộc diện giảm nào. Do đó, để chính sách phát huy hiệu quả, đại biểu đề nghị các bộ, ngành xác định cụ thể mã ngành được giảm, không được giảm để thuận lợi triển khai thực hiện.