Kiên quyết bám 'Zero Covid-19', Trung Quốc chật vật với mục tiêu kép
Những tín hiệu ngày càng xấu của nền kinh tế Trung Quốc đang xuất hiện nhiều hơn. Các chuyên gia cảnh báo mục tiêu vừa phát triển kinh tế, vừa duy trì 'Zero Covid-19' sẽ khó đạt.
Thời Chiến Quốc, ở Trung Nguyên có một danh y tên Biển Thước, tương truyền ông là người khai sinh ra phương pháp bắt mạch, đặt tiền đề cho lịch sử Đông Y.
Truyện xưa cho biết trong một lần yết kiến, Biển Thước cảnh báo Tề Hoàn Công đã mắc bệnh vào tận xương tủy, nếu không sớm chữa trị sẽ nguy hiểm tính mạng. Tề Vương không nghe, nói rằng bản thân vẫn khỏe và cho rằng vị danh y chỉ nhiều chuyện. Không lâu sau, Tề Vương lâm bệnh nặng.
Các chuyên gia và cố vấn chính sách cảnh báo Trung Quốc hiện nay có thể rơi vào hoàn cảnh tương tự câu chuyện của Biển Thước và Tề Hoàn Công năm xưa nếu tiếp tục cứng nhắc theo đuổi "Zero Covid-19", theo Financial Times.
Nền kinh tế thấm đòn
Thượng Hải, trung tâm kinh tế lớn nhất Trung Quốc với 26 triệu dân, đã trải qua 5 tuần phong tỏa nghiêm ngặt nhưng vẫn không thể đẩy lùi dịch bệnh. Với đà lây lan của virus hiện nay, nhiều người nghi ngờ thủ đô Bắc Kinh có thể sẽ tiếp bước Thượng Hải.
Theo New York Times, ít nhất 43 thành phố khắp Trung Quốc đang bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ. Tuyến đường vận tải hàng hóa chính của cả nước từ Bắc Kinh đến Quảng Đông đã bị gián đoạn do các lệnh phong tỏa và hạn chế di chuyển. Giá cước vận chuyển hàng hóa tăng tới 20% chỉ trong vài tuần.
Trung Quốc có một nền kinh tế khổng lồ, giống như một cỗ máy tinh vi đòi hỏi nhiều cấu phần phải phối hợp hoạt động để có thể vận hành trơn tru. Phía sau thị trường 1,4 tỷ dân là 150 triệu doanh nghiệp đăng ký hoạt động chính thức, mang lại việc làm cho hàng trăm triệu dân, cung cấp thực phẩm, nguyên vật liệu giữ cho cỗ máy kinh tế trị giá 17.400 tỷ USD hoạt động.
Nhưng nay, cỗ máy khổng lồ ấy đang trục trặc khi chính phủ can thiệp vào hoạt động kinh tế ở quy mô chưa từng có suốt nhiều thập kỷ, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh.
Khoảng 344 triệu người, tương đương 25% dân số Trung Quốc, đang sống dưới lệnh phong tỏa. Tại miền Bắc, nông dân không thể ra đồng gieo hạt vụ xuân.
Theo dữ liệu chính thức của Tổng cục Thống kê Quốc gia, tiêu dùng cá nhân trong tháng 3 đã giảm 3,5%, trong khi chi tiêu tại các nhà hàng giảm 16%. Tỷ lệ thất nghiệp tại 31 thành phố lớn của Trung Quốc là 6%, mức cao kỷ lục.
Nhiều doanh nghiệp buộc phải tạm ngừng hoạt động tại một số địa điểm, bao gồm các nhà sản xuất ôtô Volkswagen, Tesla và nhà máy lắp ráp iPhone Pegatron.
Trong tuần này, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá nhanh chóng, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020.
"Không chỉ chặn cửa sống của nhiều doanh nghiệp tư nhân, Zero Covid-19 đang đẩy nhanh tốc độ di cư ra nước ngoài, làm giảm hấp dẫn với nhà đầu tư. Một khi người dân mất niềm tin, rất khó để nền kinh tế sớm hồi phục sau tác động của Zero Covid-19", Zhiwu Chen, chuyên gia kinh tế Đại học Hong Kong, nhận định.
Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2022 là khoảng 5,5%. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế nhận định đây là con số quá tham vọng.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng của Trung Quốc ở mức 4,4%. Đến hôm 28/4, tập đoàn tư vấn tài chính Nomura hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc từ 4,3% xuống còn 3,9%.
Jinny Yan, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng ICBC Standard, cảnh báo Trung Quốc sẽ đối mặt thách thức lớn khi tìm cách thoát khỏi chính sách Zero Covid-19. Người tiêu dùng sẽ không sẵn sàng móc hầu bao ngay cả khi nhận được hỗ trợ từ chính phủ. Ngoài ra, nhiều vấn đề về hệ thống của nền kinh tế vẫn tồn tại dai dẳng.
Lựa chọn của Bắc Kinh
Giới lãnh đạo cấp cao ở Bắc Kinh có lý do của riêng mình khi quyết tâm trung thành với Zero Covid-19. Đại hội lần thứ 20 đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ diễn ra trong năm nay. Nếu dịch bệnh vượt ngoài tầm kiểm soát, hình ảnh lãnh đạo của Bắc Kinh sẽ bị ảnh hưởng.
Nhưng rủi ro ở chỗ nếu tiếp tục mạnh tay phong tỏa diện rộng, Trung Quốc có nguy cơ rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế, thứ có thể thổi bùng những vấn đề xã hội khác.
Tại một hội nghị trực tuyến mới tổ chức, nhà đầu tư kỳ cựu người Trung Quốc Weijian Shan cảnh báo nước này đang bị cuốn vào một cuộc khủng hoảng "nhân tạo".
"Nhiều cấu phần của nền kinh tế, trong đó có Thượng Hải, đã bị tê liệt, tác động lên nền kinh tế rất trầm trọng. Nhiều quyết sách đã gây thiệt hại thực sự cho thị trường và nền kinh tế", ông Shan nói.
Một cố vấn chính sách của chính phủ cho biết dù trước đây Zero Covid-19 đạt được thành công, lúc này rất khó để kiềm chế biến chủng siêu lây nhiễm Omicron mà không phải trả cái giá rất đắt về kinh tế. Thách thức lớn lúc này là thay đổi tư duy của các quan chức.
"Một số người quá tự hào về những thành tựu trong cuộc chiến với dịch bệnh, tôi nghĩ họ không lo lắng về thiệt hại kinh tế", cố vấn giấu tên nói.
Một quan chức Trung Quốc cho biết một số lãnh đạo cấp cao bắt đầu hoài nghi ngay cả các dữ liệu do Tổng cục Thống kê Quốc gia thu thập, họ bắt đầu sử dụng mạng lưới quan hệ cá nhân tại các tập đoàn nhà nước và công ty tư nhân để biết chuyện gì đang thực sự xảy ra với nền kinh tế.
Financial Times dẫn lời một quan chức giấu tên nói rằng đã có sự bất đồng giữa Phó thủ tướng Hàn Chính với các cố vấn tài chính do Phó thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu trong cách mà Trung Quốc nên ứng phó với các thách thức kinh tế hiện nay.
Ông Lưu Hạc lo ngại các biện pháp phong tỏa sẽ gây tác động tiêu cực tới hệ thống tài chính. Những ngày qua, ông Lưu liên tục trấn an giới đầu tư rằng Bắc Kinh sẽ có động thái hỗ trợ nền kinh tế.
Thế nhưng, chưa biện pháp cụ thể nào được đưa ra. Bắc Kinh hiện không có nhiều lựa chọn để thay đổi chính sách tiền tệ do lo ngại về lạm phát và nguy cơ vốn đầu tư tháo chạy, trong bối cảnh Mỹ đã tăng lãi suất cao hơn so với lãi suất của Trung Quốc.
Eswar Prasad, chuyên gia tài chính Đại học Cornwell, cho biết chính sách Zero-Covid-19 đã hạn chế phần lớn các công cụ kinh tế vĩ mô mà Bắc Kinh có thể sử dụng.
"Chính phủ Trung Quốc đang cố sử dụng các biện pháp tiền tệ và tài khóa để hỗ trợ sự tăng trưởng trong khi phải bảo đảm kiểm soát nguy cơ lạm phát, rủi ro tài chính và khấu hao tài sản cố định. Đây là nhiệm vụ khó khăn đặc biệt khi nền kinh tế đang trên đà đi xuống", ông Prasad nói.