Kiên quyết đấu tranh, xử lý hành vi mua bán hóa đơn trái phép, trốn thuế

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh nổi lên tình trạng một số doanh nghiệp (DN) mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ và trốn thuế, không chỉ gây thất thu cho ngân sách nhà nước (NSNN) mà còn ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh. Để ngăn chặn, phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật về thuế, lực lượng công an từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, nỗ lực điều tra làm rõ các vụ án, chuyên án, bắt giữ, xử lý nghiêm đối tượng theo quy định của pháp luật.

Ngày 24/3/2024, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh đã khởi tố vụ án “In, mua bán trái phép hóa đơn” và “Trốn thuế” xảy ra từ năm 2022 trên địa bàn tỉnh Hà Nam; ra quyết định khởi tố bị can đối với Lê Thị Hậu, sinh năm 1980, trú tại tổ dân phố Ngọc Động, phường Hoàng Đông, thị xã Duy Tiên và 12 bị can khác để điều tra về hành vi bán trái phép 1.500 hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) cho hơn 300 đơn vị, cá nhân tại nhiều tỉnh, thành phố với tổng số tiền hàng hóa, dịch vụ ghi trên hóa đơn khoảng 730 tỷ đồng. Đây được đánh giá là vụ án mua bán trái phép hóa đơn và trốn thuế lớn nhất trên địa bàn tỉnh Hà Nam từ trước đến nay. Quá trình điều tra xác định: Lê Thị Hậu là Giám đốc Công ty TNHH vận tải và xử lý nền móng Thịnh Vượng, cùng chồng là Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại- xây dựng, bê tông Thịnh Vượng (có trụ sở tại tổ dân phố Ngọc Động, phường Hoàng Đông, thị xã Duy Tiên) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, thi công cọc bê-tông và bê-tông thương phẩm. Những năm gần đây, ngoài hoạt động kinh doanh, để thực hiện hành vi phạm tội, Lê Thị Hậu đã chỉ đạo các nhân viên và nhờ người thân mở nhiều tài khoản tại các ngân hàng khác nhau để chuyển tiền qua lại giữa các tài khoản trong quá trình “đảo tiền” nhằm hợp thức hóa các hóa đơn GTGT “khống”; mua hóa đơn của các công ty “ma” hoặc nhờ người khác đứng tên thành lập nhiều công ty để xuất trái phép hóa đơn GTGT đầu vào cho Công ty TNHH vận tải và xử lý nền móng Thịnh Vượng, Công ty cổ phần Thương mại- xây dựng, bê tông Thịnh Vượng và xuất bán trái phép cho nhiều đơn vị, cá nhân trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Nam, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hòa Bình,... Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh đã thu giữ nhiều tài liệu, vật chứng của vụ án và tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương điều tra, mở rộng vụ án, xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định của pháp luật.

Cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh) ra quyết định khởi tố vụ án “In, mua bán trái phép hóa đơn” và “Trốn thuế” đối với Lê Thị Hậu.

Cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh) ra quyết định khởi tố vụ án “In, mua bán trái phép hóa đơn” và “Trốn thuế” đối với Lê Thị Hậu.

Trước đó, ngày 6/2/2024, Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an tỉnh đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với 2 đối tượng, gồm: Lương Ngọc Tuấn, sinh năm 1977, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ Khánh Vân (trú tại tổ 7, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) và Ngô Văn Tuyến, sinh năm 1967, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Savina Hà Nam (có địa chỉ thường trú tại phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội; nơi ở hiện nay tại phường Lương Khánh Thiện, thành phố Phủ Lý) về tội “Mua bán trái phép hóa đơn” và “Trốn thuế”. Quá trình điều tra xác định: Lương Ngọc Tuấn đã có hành vi bán trái phép 44 hóa đơn GTGT khống của Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ Khánh Vân cho Ngô Văn Tuyến là Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Savina Hà Nam, với tổng giá trị giá thanh toán hóa đơn là hơn 116 tỷ đồng để sử dụng kê khai thuế nhằm trốn thuế hơn 30 tỷ đồng. Căn cứ kết quả điều tra, xác minh, hành vi của Lương Ngọc Tuấn và Ngô Văn Tuyến đã phạm vào tội “Mua bán trái phép hóa đơn” và “Trốn thuế” quy định tại khoản 2, Điều 203, khoản 3, Điều 200 Bộ luật Hình sự.

Theo thống kê của Công an tỉnh, chỉ tính từ đầu năm 2024 đến nay, các đơn vị nghiệp vụ đã tiếp nhận, giải quyết tổng số 46 tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến lĩnh vực thuế. Qua đó, đã phát hiện, khởi tố 6 vụ, 21 bị can phạm tội về các hành vi không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ; mua bán hóa đơn GTGT trái phép nhằm mục đích trốn thuế hoặc hợp thức hóa hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng lậu.

Qua đây có thể thấy, tình hình vi phạm và tội phạm về thuế trên địa bàn tỉnh có diễn biến phức tạp, gây thất thoát đáng kể cho NSNN. Thủ đoạn của các đối tượng chủ yếu là lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế, chính sách trong việc cấp giấy phép đăng ký kinh doanh; nhiều DN thành lập nhưng không hoạt động sản xuất kinh doanh, mà chỉ để mua, bán hóa đơn GTGT và trốn thuế nhằm thu lợi bất chính, chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước... Đặc biệt, để che đậy hành vi phạm tội và đối phó với các cơ quan chức năng, các đối tượng sử dụng phương thức thủ đoạn tinh vi như: đăng ký thành lập “công ty ma”, đăng ký mã số thuế, đăng ký sử dụng hóa đơn, sau đó tổ chức bán hóa đơn hàng loạt với số lượng, doanh số lớn rồi bỏ trốn; các đối tượng lợi dụng mượn hoặc thuê giấy tờ tùy thân của người khác để đăng ký thành lập DN, đăng ký sử dụng hóa đơn, sử dụng con dấu để phát hành bán hóa đơn với số lượng lớn trong thời gian dài; lợi dụng hoạt động sản xuất, kinh doanh để mua bán hóa đơn với hình thức nâng khống giá trị hàng hóa mua bán trên các hóa đơn…

Nguyên nhân của tình hình trên là do công tác tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách thuế và răn đe tội phạm về thuế còn hạn chế; một bộ phận nhỏ người dân và DN chưa hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, chưa tự giác nộp thuế hoặc cố tình tìm cách trốn thuế. Cùng với đó, một số văn bản quy phạm pháp luật chưa theo kịp với yêu cầu thực tế, chưa hoàn thiện, thiếu sự đồng bộ và còn nhiều sơ hở, các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, hoạt động kiểm tra thuế của cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện một cách quyết liệt, chưa có sự phối hợp chặt chẽ với các ngành, lực lượng chức năng... dẫn đến tình trạng có vụ việc khi được phát hiện và chuyển sang cơ quan công an thụ lý điều tra thì các đối tượng phạm tội đã bỏ trốn, tẩu tán tài sản, hợp thức hóa sổ sách, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội... gây nhiều khó khăn trong công tác điều tra, xử lý tội phạm.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm và tội phạm mua bán hóa đơn và trốn thuế, các cơ quan quản lý nhà nước cần làm tốt hơn nữa việc kiểm soát hoạt động thành lập DN; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm hạn chế thấp nhất sự tồn tại của các DN “ma” trên địa bàn. Ngành Thuế và các cơ quan chức năng tiếp tục phối hợp chặt chẽ để nắm bắt, xử lý kịp thời trường hợp vi phạm pháp luật về thuế; phối hợp kiểm tra, xác minh, cung cấp thông tin để tăng cường quản lý, ngăn chặn hành vi vi phạm của người nộp thuế; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý để bảo đảm tính minh bạch và ngăn ngừa vi phạm. Lực lượng công an từ tỉnh đến cơ sở phối hợp với cơ quan chức năng và ngành Thuế tăng cường công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về thuế, phát động quần chúng nhân dân tích cực tố giác, đấu tranh với những trường hợp trốn thuế; tổ chức cho cơ quan, đơn vị, phường, xã, hộ kinh doanh, doanh nghiệp... cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định về thuế; chủ động phát hiện, phòng ngừa các DN có biểu hiện mua bán trái phép hóa đơn, trốn thuế để xử lý theo quy định của pháp luật nhằm tăng cường tính răn đe chống thất thu NSNN. Tăng cường công tác giám sát kiểm tra thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; tập trung kiểm tra chống thất thu do gian lận về số lượng, mã số, trị giá, xuất xứ, chính sách mặt hàng; miễn, giảm, hoàn thuế…

Trần Ích

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/an-ninh/kien-quyet-dau-tranh-xu-ly-hanh-vi-mua-ban-hoa-don-trai-phep-tron-thue-135398.html