Kiên quyết giải thể các hợp tác xã ngừng hoạt động

Giải thể các hợp tác xã (HTX) ngừng hoạt động hiện vẫn còn nhiều bất cập. Ngoài những nguyên nhân như nợ thuế, nợ ngân hàng, người đại diện pháp luật của HTX không còn cư trú tại địa phương... thì nguyên nhân căn bản nằm ở cơ chế xử lý, sự vào cuộc thiếu quyết liệt của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.

Sau hơn 10 năm ngừng hoạt động, Hợp tác xã Nông nghiệp Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) đã được giải thể. Ảnh: H.Hoa

Theo lộ trình, đến cuối năm 2023, 13 HTX ngừng hoạt động trên địa bàn tỉnh sẽ được giải thể dứt điểm. Các HTX này ở các huyện Bình Sơn, Mộ Đức, TX.Đức Phổ và TP.Quảng Ngãi. Trong đó, nhiều nhất là TP.Quảng Ngãi với 6 HTX. Có nhiều nguyên nhân khiến nhiều HTX chỉ tồn tại trên giấy tờ, nhưng chưa giải thể được, như không thành lập được hội đồng giải thể do thiếu đại diện HTX, mất, thất lạc con dấu, giấy đăng ký kinh doanh, nợ đọng thuế, nợ ngân hàng, khó khăn trong chuyển nhượng, thanh lý tài sản... Thậm chí, nhiều HTX không tìm thấy trụ sở, như: HTX Xây dựng Tân Tiến, phường Nghĩa Lộ; HTX Dịch vụ và khai thác hải sản xa bờ Tịnh Hòa (đều thuộc TP.Quảng Ngãi); HTX Ứng dụng công nghệ cao Hòa Phát, xã Đức Minh (Mộ Đức).

Ước đến tháng 6/2022, trên địa bàn tỉnh có 287 HTX, với hơn 301 nghìn thành viên. Trong đó, có 271 HTX đang hoạt động, 16 HTX ngừng hoạt động. Tổng số lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 3.736 lao động. Số HTX đã tổ chức, đăng ký hoạt động theo Luật HTX năm 2012 chiếm 99%. Có 5 HTX chưa tổ chức hoạt động theo Luật năm 2012. Trong 6 tháng đầu năm 2022, có 5 HTX ngừng hoạt động đã được giải thể.

Ngày 28/9/2021, Bộ KH&ĐT có Công văn số 6563 hướng dẫn xử lý các HTX không hoạt động gặp khó khăn trong giải thể. Căn cứ theo hướng dẫn này, những HTX bị thất lạc con dấu, mất giấy chứng nhận sử dụng con dấu, mất giấy đăng ký HTX, thất lạc sổ sách kế toán... đã có cách giải quyết. Hoặc những trường hợp khó hơn như xử lý tài sản, nợ thuế, nợ tổ chức tín dụng, nợ thành viên và các tổ chức kinh tế khác cũng có cơ sở xử lý. Mọi phương án xử lý đều dựa vào các quy định của pháp luật hiện hành, như Luật HTX năm 2012; Nghị định 193 năm 2013 của Chính phủ; Thông tư 31, Công văn 17 của Bộ Tài chính...

Tại Quảng Ngãi, để giải thể dứt điểm các HTX ngừng hoạt động, UBND tỉnh đã xây dựng lộ trình cụ thể và giao trách nhiệm cho từng cấp, từng cơ quan, đơn vị. Với HTX nợ thuế không giải thể được, thì Cục Thuế tỉnh căn cứ hướng dẫn của Bộ Tài chính và những quy định của pháp luật, để xử lý nợ thuế của các HTX này. Các HTX ngừng hoạt động không còn cơ sở vật chất có giá trị như trụ sở, máy móc thiết bị, không còn sổ sách, chứng từ, cũng như bộ máy quản lý và thành viên tan rã... UBND các huyện, thị xã, thành phố thành lập hội đồng giải thể bắt buộc. Đồng thời, cân đối, bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương nơi HTX đăng ký, để có chi phí giải thể đối với các HTX không có kinh phí để tổ chức đại hội thành viên.

Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Đăng Lộc cho biết, Sở cũng đã tập trung hướng dẫn, đôn đốc các địa phương giải thể các HTX ngừng hoạt động theo quy định. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng vẫn là sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương.

Chủ trương giải thể HTX ngừng hoạt động là một trong những cách nhằm lành mạnh hóa khu vực kinh tế tập thể, xóa bỏ những HTX mang tính hình thức, không đúng bản chất, nhằm thúc đẩy kinh tế tập thể, HTX phát triển hiệu quả một cách thực chất. Vì vậy, các sở, ngành, chính quyền địa phương liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ các HTX giải thể theo quy định. Về phía các HTX nằm trong phương án giải thể, cần phối hợp với chính quyền địa phương, tự nguyện tổ chức giải thể, không né tránh trách nhiệm...

HỒNG HOA

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202206/kien-quyet-giai-the-cac-hop-tac-xa-ngung-hoat-dong-3119942/