'Kiên quyết không đầu tư các dự án nâng cấp đường độc đạo theo BOT'

Chính phủ khẳng định: Kiên quyết không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu theo hình thức hợp đồng BOT.

Sáng nay (15/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, ông Mai Tiến Dũng – Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP trình bày báo cáo về việc thực hiện 4 nghị quyết và 4 kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề trên các lĩnh vực: Khoa học và công nghệ; giao thông vận tải; nông nghiệp và phát triển nông thôn; quản lý, sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài; lao động – thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông; xây dựng, đô thị; xây dựng pháp luật; công tác dân tộc; an ninh trật tự.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trình bày báo cáo tại phiên chất vấn, sáng 15/8. Ảnh: Quang Vinh

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trình bày báo cáo tại phiên chất vấn, sáng 15/8. Ảnh: Quang Vinh

Rất ít dự án BOT mới được triển khai

Theo đó, về lĩnh vực khoa học công nghệ, nhờ việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam tiếp tục được cải thiện, năm 2019 tăng 3 bậc so với năm 2018, lên xếp thứ 42/129 quốc gia, vùng lãnh thổ; tăng 17 bậc so với năm 2016; đưa Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp.

Về lĩnh vực giao thông vận tải,Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và các địa phương rà soát mức thu phí để điều chỉnh cho phù hợp; đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí tự động không dùng, bảo đảm cuối năm 2019 tất cả các trạm thu phí sẽ thu phí không dừng theo Nghị quyết của Quốc hội. Kiên quyết không đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp các tuyến đường độc đạo hiện hữu theo hình thức hợp đồng BOT để đảm bảo quyền lựa chọn cho người dân.

Tuy nhiên, hệ thống quy định pháp luật và thực tế triển khai còn một số tồn tại, hạn chế. Chi phí đầu tư xây dựng được lập chưa thực sự đáp ứng được nguyên tắc tính đúng, tính đủ và phù hợp với thị trường và thông lệ quốc tế. Hệ thống định mức, đơn giá chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới khoa học công nghệ. Một số vướng mắc chưa được sửa đổi kịp thời; đến nay có rất ít dự án BOT mới được triển khai…

Liên quan đến quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài,công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn vay đã đạt được các kết quả quan trọng; hiệu quả các chương trình, dự án đã được nâng cao, bảo đảm các chỉ tiêu nợ công mà Quốc hội giao; trong đó nợ Chính phủ đến cuối năm 2018 được kiểm soát ở mức 50% GDP, thấp hơn quy định trong kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 và giảm mạnh so với mức 52,7% vào năm 2016 và 51,7% vào năm 2017.

Xử lý nghiêm tiêu cực, tham nhũng

Liên quan lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội, trong đó cóthực hiện chính sách đối với người có công, ông Mai Tiến Dũng cho biết, trong 3 năm qua, đã rà soát, xem xét và giải quyết trên 6.000 hồ sơ tồn đọng, đạt tỷ lệ xử lý 100%; xác nhận trên 2.000 liệt sỹ, trên 2.600 thương binh. Những hồ sơ không đủ điều kiện đã được kết luận và giải thích cho đối tượng. Hoàn thành hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho gần 300.000 hộ gia đình chính sách người có công.

Cùng với đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp tiêu cực, tham nhũng, lợi dụng chính sách ưu đãi người có công. Tuy nhiên, việc giải quyết hồ sơ tồn đọng còn những khó khăn, vướng mắc do hồ sơ lâu năm, phức tạp, thiếu cơ sở xác minh.

Trên lĩnh vực thông tin và truyền thông, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn thông tin. Tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin. Xây dựng cơ chế phối hợp về đảm bảo an toàn thông tin mạng, xác định phạm vi, trách nhiệm cụ thể, rõ ràng. Theo báo cáo chỉ số an toàn an ninh mạng toàn cầu năm 2019, Việt Nam xếp thứ 50/194 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 50 bậc so với năm 2017 (xếp thứ 100).

Về lĩnh vực xây dựng, đô thị, ông Mai Tiến Dũng cho biết, đã thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành, trong đó có lĩnh vực xây dựng; yêu cầu tăng cường phân cấp ủy quyền cho các Bộ ngành, địa phương về thẩm định dự án, thiết kế, dự toán xây dựng công trình; cắt giảm 85% tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh; cắt giảm 49/90 thủ tục hành chính về lĩnh vực xây dựng...

Chính phủ cũng đã chỉ đạo rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật về an ninh, trật tự; đồng thời, ban hành kịp thời nhiều chủ trương, kế hoạch, mệnh lệnh, giải pháp công tác đấu tranh làm thất bại nhiều âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện lớn của đất nước. Mở nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp, truy nã tội phạm, tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, xâm hại trẻ em... Sơ kết 05 năm thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng dư luận xã hội quan tâm./.

Ngọc Thành/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/kien-quyet-khong-dau-tu-cac-du-an-nang-cap-duong-doc-dao-theo-bot-944670.vov