Kiên quyết không để dịch bệnh lây lan
Ngành chăn nuôi là một trong những trụ cột quan trọng của kinh tế nông nghiệp tại Thái Nguyên nói riêng, cả nước nói chung. Năm 2024, giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm 47% giá trị sản xuất nội ngành Nông nghiệp của tỉnh. Do đó, bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi trước những dịch bệnh nguy hiểm đóng vai trò rất quan trọng.

Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học là biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả cho đàn vật nuôi.
Ông Ngô Đức Việt (ở xóm Vải, xã Cao Ngạn, TP. Thái Nguyên) cho biết: Đầu tư chăn nuôi gà quy mô trang trại từ hơn 10 năm nay, tôi nhận thấy công tác phòng, chống dịch bệnh rất quan trọng. Đã có năm chỉ vì chủ quan mà hàng nghìn con gà của gia đình tôi bị chết do dịch cúm gia cầm.
Với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, không chỉ các trang trai chăn nuôi mà các cấp, ngành chức năng của tỉnh cũng vào cuộc rất quyết liệt để ngăn chặn dịch bệnh phát tán, lay lan trên đàn vật nuôi.
Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, cho biết: Hiện nay đang là thời điểm giao mùa. Tại Thái Nguyên, mặc dù chưa xuất hiện các ổ dịch nhưng nguy cơ xảy ra các loại dịch bệnh nguy hiểm (như cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, viêm da nổi cục, bệnh dại...) trên đàn vật nuôi là rất cao. Nhất là khi tổng đàn vật nuôi, mật độ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh ở mức cao; nhu cầu tăng đàn, tái đàn gia tăng (đặc biệt là đàn lợn).
Trong khi đó, chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng lớn, các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, sát trùng phòng bệnh còn hạn chế. Cùng với đó, các loại mầm bệnh lưu hành với tỷ lệ cao, phạm vi rộng trong khi miễn dịch chủ động đối với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm giảm thấp; công tác chủ động giám sát, phát hiện dịch bệnh tại cơ sở vẫn còn những hạn chế, nhiều nơi chưa nắm bắt kịp thời, chậm báo cáo dịch.
Trước những yếu tố tiềm ẩn nhiều nguy cơ, để bảo vệ 95 nghìn con trâu bò, 620 nghìn con lợn và khoảng 17,5 triệu con gia cầm, Thái Nguyên đã và đang tăng nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Một trong những giải pháp quyết liệt nhất là các cấp, ngành chức năng không được lơ là, chủ quan, tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định của pháp luật.
Chính quyền cấp huyện cần huy động các nguồn lực để xử lý dứt điểm các ổ dịch (nếu có), không để phát sinh ổ dịch mới; chủ động triển khai các biện pháp, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển động vật mắc bệnh, vứt xác động vật chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường...
Không chỉ quyết liệt trong xử lý các ổ dịch và đối tượng vi phạm, công tác tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho gia súc, gia cầm cũng được đẩy mạnh. Tỉnh đang tích cực triển khai tiêm phòng đại trà đợt 1 cho đàn vật nuôi, phấn đấu hoàn thành vào cuối tháng 4 đối với các bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, dịch tả lợn, tụ huyết trùng trâu bò, lợn, tai xanh, dại, viêm da nổi cục trâu bò và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác, bảo đảm đạt tối thiểu trên 80% tổng vật nuôi hiện có được tiêm phòng.
Đồng thời bố trí kinh phí, nhân lực để triển khai kịp thời, có hiệu quả các kế hoạch, biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật; tập trung các nguồn lực để tổ chức xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Bên cạnh đó là đẩy mạnh thông tin tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về nguy cơ xảy ra dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh...
Ngoài những nỗ lực của các cấp, ngành chức năng, người dân cần áp dụng các biện pháp vệ sinh phòng bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để ngăn ngừa dịch bệnh hiệu quả cho đàn vật nuôi...