Kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các ĐBQH phát huy tinh thần trách nhiệm trước cử tri và nhân dân, tập trung trí tuệ, thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, góp phần vào thành công của kỳ họp.
Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV sáng nay (21-10), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, chương trình nghị sự của kỳ họp này gồm nhiều nội dung quan trọng.
Theo đó, Quốc hội xem xét, thảo luận các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020. Xem xét, quyết định Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025.
Theo Chủ tịch Quốc hội, năm 2020 là năm cuối, có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 5 năm 2016-2020, do đó, trên cơ sở đánh giá khách quan, toàn diện về những kết quả đạt được, thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, tồn tại, Quốc hội sẽ nghiên cứu, phân tích, thảo luận kỹ lưỡng nhằm đưa ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp có căn cứ, cơ sở khoa học, phù hợp với tình hình thế giới và trong nước.
Kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ Quốc gia, giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong nước; góp phần tích cực xây dựng môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực; nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 12 dự án luật, bộ luật, 4 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án luật khác nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013.
Việc xem xét, thông qua dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), theo Chủ tịch Quốc hội, là nội dung được nhân dân và xã hội quan tâm.
"Các nội dung được sửa đổi, bổ sung sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; tạo khung pháp lý thúc đẩy thị trường lao động phát triển phù hợp với bối cảnh mới về hội nhập; bảo đảm tốt hơn và hài hòa quyền, lợi ích chính đáng của người lao động và người sử dụng lao động…" - Chủ tịch Quốc hội đánh giá.
Điểm đáng chú ý tại kỳ họp này là Quốc hội sẽ nghe báo cáo về công tác đối ngoại năm 2019, trong đó có tình hình Biển Đông. Quốc hội cũng sẽ xem xét phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia, tạo khung pháp lý quan trọng, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu nhân dân giữa các tỉnh biên giới; đóng góp cho quan hệ hữu nghị, hòa bình, hợp tác phát triển giữa hai nước Việt Nam - Campuchia.
Tiến hành giám sát tối cao, Quốc hội sẽ xem xét việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018; xem xét các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 8 và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV...
"Trong thời gian qua, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã tích cực, chủ động phối hợp chuẩn bị các nội dung của kỳ họp thứ 8. Về cơ bản, các dự án, dự thảo và báo cáo đã được các cơ quan nghiên cứu, chuẩn bị chu đáo, bảo đảm chất lượng và gửi đến đại biểu Quốc hội" - người đứng đầu QH Việt Nam cho biết.
Để kỳ họp đạt kết quả tốt nhất, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm trước cử tri và nhân dân, tập trung trí tuệ, dành thời gian nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, góp phần vào thành công của kỳ họp.
Trước giờ khai mạc Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XIV, các lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng các đại biểu Quốc hội vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.