Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Một trong những dấu ấn nổi bật của nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng là công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá và đạt nhiều kết quả nổi bật, ngày càng đi vào chiều sâu, gắn kết chặt chẽ giữa 'xây' và 'chống'.
Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã có chuyển biến mạnh mẽ, được triển khai quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá và đạt nhiều kết quả cụ thể, tích cực; tham nhũng từng bước được kiềm chế. Qua đó, đã phát hiện, điều tra làm rõ bản chất tư lợi, chiếm đoạt, xử lý nghiêm minh nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
* Không có “vùng cấm”
Cơ quan tiến hành tố tụng các cấp đã khởi tố, điều tra 7.270 vụ với 12.303 bị can, truy tố 5.976 vụ với 11.613 bị can, xét xử sơ thẩm 5.641 vụ với 10.970 bị cáo về các tội tham nhũng, trật tự quản lý kinh tế và các tội phạm khác về chức vụ.
Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chỉ đạo xử lý 125 vụ án, 91 vụ việc; đã xét xử sơ thẩm 66 vụ án với 604 bị cáo, xét xử phúc thẩm 50 vụ án với 475 bị cáo. Trong đó, đã xử lý dứt điểm một số vụ việc, vụ án lớn lâu nay được cho là “vùng cấm, nhạy cảm”, kéo dài từ nhiều năm trước. Đã phát hiện và xử lý nghiêm nhiều cán bộ, đảng viên có hành vi sai phạm liên quan tham nhũng, trong đó có nhiều cán bộ cao cấp, cả đương chức và nghỉ hưu, cả tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang. Các cơ quan có thẩm quyền đã xử lý kỷ luật hơn 110 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 26 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng (có 3 ủy viên, nguyên ủy viên Bộ Chính trị), 27 sĩ quan cấp tướng; xử lý hình sự 18 cán bộ diện Trung ương quản lý. Đã thu hồi được lượng tài sản tham nhũng có giá trị lớn. Từ năm 2013 đến nay, thu hồi 67.930 tỷ đồng trong số 118.367 tỷ đồng; một số vụ, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đạt 100%.
Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, vừa qua khi tiếp nhận các ý kiến đóng góp của nhân dân trên địa bàn tỉnh vào dự thảo các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, nhiều ý kiến đề nghị để tiếp tục xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, Trung ương tiếp tục đặc biệt quan tâm đến công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nghiên cứu quan điểm chỉ đạo công tác này theo hướng “3 không”: không thể tham nhũng, không dám tham nhũng và không cần tham nhũng. Theo đó, cần tập xây dựng hệ thống thể chế của Đảng và Nhà nước chặt chẽ; thực hiện tốt công khai, minh bạch, kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; xử lý nghiêm minh, công bằng, công khai mọi hành vi tham nhũng; có cơ chế tiền lương và đãi ngộ phù hợp đối với cán bộ, công chức…
Riêng các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, đã thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch tài sản giá trị hơn 50 ngàn tỷ đồng. Việc xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng và các cán bộ sai phạm liên quan tham nhũng thời gian vừa qua đã góp phần làm trong sạch bộ máy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo mạnh mẽ để “không dám tham nhũng”. Qua phát hiện, xử lý tham nhũng đã giúp nhận diện ngày càng rõ hơn “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái, tham nhũng”, tạo bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua.
Cùng với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng của cả nước, công tác phòng, chống tham nhũng ở Đồng Nai luôn được cấp ủy các cấp và tổ chức Đảng quan tâm chỉ đạo và đạt những kết quả nhất định, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Phó bí thư thường trực Thành ủy Biên Hòa Huỳnh Tấn Đạt chia sẻ, xác định công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, đồng thời là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài cho nên Ban chấp hành Đảng bộ thành phố và Ban thường vụ Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt về công tác này. Hằng năm, Ban thường vụ Thành ủy đều xây dựng chương trình trọng tâm về công tác phòng, chống tham nhũng và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan chức năng trong công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án liên quan đến tham nhũng gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và XII. Bên cạnh đó, chỉ đạo cấp ủy trực thuộc đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát hằng năm của cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan đơn vị để tổ chức thực hiện.
Từ sự nghiêm túc trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng nên thời gian qua
TP.Biên Hòa đã kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm nhiều hành vi tiêu cực, tham nhũng và xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Cụ thể, như vụ án Nguyễn Mạnh Sửu, nguyên Đảng ủy viên, nguyên Phó chủ tịch UBND P.Bình Đa. Ngoài bị cáo Sửu bị xử 10 năm tù về tội lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy đã thực hiện kiểm điểm trách nhiệm đối với các cá nhân có liên quan đến sai phạm của ông Sửu, như nguyên Bí thư Đảng ủy và nguyên chủ tịch UBND phường của các thời kỳ.
Liên quan đến vụ việc xảy ra tại Phòng Nội vụ TP.Biên Hòa, Ban chấp hành Đảng bộ thành phố đã đề nghị Ban TVTU xem xét thi hành kỷ luật đối với 1 ủy viên thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, nguyên Trưởng phòng Nội vụ thành phố vi phạm trong sử dụng công quỹ Nhà nước trái quy định và nhận hối lộ trong bố trí công tác.
Chủ tịch UBND thành phố và Ủy ban Kiểm tra Thành ủy cũng đã xử lý kỷ luật nguyên Chủ tịch UBND P.Tân Vạn do thiếu trách nhiệm trong công tác để xảy ra vụ việc tham nhũng tại địa phương. Miễn nhiệm chức vụ Trưởng Công an P.Long Bình do thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ huy, quản lý để cho cấp dưới vi phạm pháp luật, tham nhũng...
* Quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh phòng, chống tham nhũng
Tại H.Trảng Bom, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Theo Phó bí thư thường trực Huyện ủy Trảng Bom Nguyễn Thị Nga, Ban thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện và các ngành, địa phương thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị về mua sắm công, xây dựng cơ bản, quản lý và sử dụng đất đai, quản lý và sử dụng nhà ở, quản lý dự án đầu tư xây dựng, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân…
Trong lãnh đạo, chỉ đạo Ban thường vụ Huyện ủy và cấp ủy cơ sở luôn đề cao tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhất là các lĩnh vực có liên quan đến tài chính, dự án, đất đai… Qua kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng huyện và cơ sở, không phát hiện vi phạm liên quan đến tham nhũng, lãng phí.
Báo cáo của Tỉnh ủy về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong những năm qua đã nêu rõ, các cấp ủy Đảng trên địa bàn tỉnh đã quan tâm lãnh đạo tổ chức triển khai thực hiện kịp thời và có hiệu quả về công tác phòng, chống tham nhũng. Thực hiện chỉ đạo của Ban TVTU, UBND tỉnh, các cấp ủy trực thuộc, đơn vị chức năng đã có các giải pháp, kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, quyết liệt trong phòng, chống tham nhũng. Từ đó, công tác phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng được tăng cường. Tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng đảm bảo đúng quy định pháp luật, không có vụ nào vi phạm về thời hạn tố tụng và được đưa ra xét xử với mức án nghiêm minh, góp phần răn đe phòng ngừa các hành vi tham nhũng.
Cụ thể như vụ kế toán trưởng Trường mầm non Xuân Hưng (H.Xuân Lộc) tham ô tài sản đã bị tuyên phạt 1 năm 6 tháng tù; vụ nhận hối lộ xảy ra tại UBND P.Tân Vạn (TP.Biên Hòa), bị cáo Phạm Minh Tân đã bị tuyên 6 năm tù; vụ kế toán trưởng Trường THCS Ngô Thời Nhiệm (H.Định Quán) tham ô tài sản, bị tuyên phạt 7 năm tù; vụ lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Phòng Nội vụ TP.Biên Hòa, tuyên phạt bị cáo Võ Thanh Tùng 13 năm tù, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Ngọc 9 năm 6 tháng tù…