Kiên quyết xóa nạn khai thác vàng trái phép ở Lai Châu

Những năm qua, tình trạng khai thác vàng trái phép trên địa bàn tỉnh Lai Châu không chỉ khiến nhiều diện tích rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn bị tàn phá, mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và gây mất an ninh trật tự.

Mặc dù UBND tỉnh Lai Châu đã triển khai nhiều giải pháp nhằm xóa nạn khai thác vàng trái phép, thế nhưng “cuộc chiến” này vẫn khó có hồi kết nếu chính quyền sở tại và các cơ quan chức năng không quyết liệt xử lý triệt để...

Ngang nhiên khoét núi tìm vàng

Tình trạng khai thác vàng trái phép đã diễn ra nhiều năm nay tại địa bàn các huyện: Sìn Hồ, Mường Tè, Tam Đường, Tân Uyên... của tỉnh Lai Châu.

Được biết, năm 2012, UBND tỉnh Lai Châu đã cho đánh sập hầm lò khai thác vàng trái phép trên địa bàn các huyện trên, nhưng hoạt động khai thác vàng trái phép chỉ tạm lắng xuống. Đến năm 2016, UBND tỉnh Lai Châu quyết tâm xử lý dứt điểm tình trạng này tại mỏ vàng Pắc Ta, huyện Tân Uyên. Lực lượng chức năng đã đánh sập các hầm khai thác vàng ở đây, thế nhưng, từ cuối năm 2020, một số đối tượng lại khơi thông cửa hầm và tiếp tục khai thác, làm cho một số khu rừng ở xã Pắc Ta bị đào xới nham nhở.

 Bãi khai thác vàng trái phép tại khu vực Nậm Kha Á, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Bãi khai thác vàng trái phép tại khu vực Nậm Kha Á, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Tại huyện Mường Tè, tình trạng khai thác vàng trái phép có xu hướng “nóng” lên ở khu vực Nậm Suổng (xã Vàng San) và Nậm Kha Á (khu vực giáp ranh 3 xã Tà Tổng, Nậm Khao, Mù Cả). Đặc biệt, “vàng tặc” ngang nhiên dựng lán trại, tập kết máy móc và thuê lao động khai thác vàng, khiến nhiều diện tích rừng phòng hộ tại đây như “đại công trường”. Thời điểm đầu tháng 8 vừa qua, tại khu vực Nậm Kha Á có khoảng 200 phu vàng dựng lán, ăn ở tại chỗ để khai thác vàng trái phép với hàng chục hầm vàng khoét sâu vào lòng đất. Huyện Sìn Hồ cũng có 4 bãi vàng ở các xã Noong Hẻo, Nậm Cuổi. Theo khảo sát của cơ quan chức năng, trên địa bàn hai huyện Mường Tè và Sìn Hồ có khoảng 40 hầm đào vàng trái phép.

Hoạt động khai thác vàng trái phép tại các địa bàn kể trên đã tập trung lượng lớn người dân tới làm thuê, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động, khiến nguồn nước, môi trường bị ô nhiễm, làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của người dân sở tại (đã có nhiều gia súc bị chết do uống phải nước từ các điểm khai thác vàng trái phép thải ra, người dân bị mẩn ngứa, lở loét chân tay khi sử dụng nguồn nước)... Nghiêm trọng hơn, các khu rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn bị tàn phá và không ít vụ ẩu đả đã xảy ra, gây mất an ninh trật tự.

Xử lý kiên quyết để không tái diễn

Trước tình trạng khai thác vàng trái phép diễn ra ngang nhiên, gây nhiều hệ lụy, năm 2022, UBND tỉnh Lai Châu liên tục có các văn bản chỉ đạo với tinh thần kiên quyết ngăn chặn, xóa bỏ các bãi khai thác vàng trái phép. Đặc biệt, ngày 24-2, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Kế hoạch số 516 về việc tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, quản lý, bảo vệ rừng; ngày 16-9, UBND tỉnh Lai Châu ban hành quyết định phê duyệt phương án giải tỏa các khu vực có hoạt động khai thác vàng trái phép trên địa bàn hai huyện Sìn Hồ và Mường Tè, vì tình trạng khai thác vàng trái phép ở hai huyện này diễn biến phức tạp. UBND tỉnh Lai Châu yêu cầu các cơ quan chuyên môn phối hợp với lực lượng chức năng giải tỏa, ngăn chặn, đưa các đối tượng khai thác vàng ra khỏi khu vực bãi vàng, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật; tiến hành nổ mìn để phá sập các hầm lò...

Để đánh sập các hầm lò này, tỉnh Lai Châu huy động hơn 400 người, đến giữa tháng 10 vừa qua đã phá, bịt cửa hang và đánh sập toàn bộ hầm khai thác vàng trái phép tại hai huyện Sìn Hồ và Mường Tè. Các khu vực này đã được bàn giao cho chính quyền xã, huyện quản lý theo quy định; đồng thời, UBND tỉnh Lai Châu cũng chỉ đạo các sở, ngành sau khi giải tỏa phải tăng cường biện pháp nghiệp vụ, kịp thời đấu tranh, ngăn chặn, không để các đối tượng trở lại thăm dò, khai thác vàng trái phép.

Anh Giàng A Chu (46 tuổi, người dân tộc Mông, ở bản Tà Tổng, xã Tà Tổng) cho biết: “Người lạ đưa máy móc về đây rất đông để khai thác vàng trái phép đã ảnh hưởng tới việc làm nương, nguồn nước và cuộc sống, sinh hoạt của người dân. Nay chính quyền giải tỏa các bãi vàng trái phép này, người dân chúng tôi rất vui. Chỉ mong người khai thác vàng trái phép không quay lại đây nữa”.

Được biết, để ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn, UBND tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo Công an tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm; chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện giải tỏa các điểm khai thác trái phép. Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành rà soát, đánh giá các điểm mỏ khoáng sản trên địa bàn, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh để làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường có phương án quản lý cho phù hợp. UBND các huyện chỉ đạo tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật về môi trường, khoáng sản, đồng thời thông tin các vụ việc vi phạm nhằm răn đe, phòng ngừa chung; tăng cường công tác kiểm tra tại các điểm khai thác khoáng sản. Sau khi giải tỏa các bãi vàng hoạt động trái phép, các huyện phải tiến hành lập chốt bảo vệ...

Hy vọng với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Lai Châu cùng sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền các huyện, xã và cơ quan chức năng, nạn khai thác vàng trái phép trên địa bàn toàn tỉnh Lai Châu sẽ được xử lý dứt điểm, không còn tình trạng tái diễn triền miên như trước.

Bài và ảnh: HÀ KHÁNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/kien-quyet-xoa-nan-khai-thac-vang-trai-phep-o-lai-chau-709118