Kiên quyết xử lý các cơ sở chế biến cà phê gây ô nhiễm môi trường
Ngày 4/12, Xí nghiệp Cấp nước số 1 Thành phố (Công ty CP cấp nước Sơn La) thông báo ngừng cấp nước do nước đầu nguồn bị ô nhiễm bởi nước thải sơ chế cà phê, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của trên 15.000 hộ khách hàng trên địa bàn Thành phố. Đây là sự việc lặp đi lặp lại đã nhiều năm nay, cứ đến vụ thu hái và chế biến cà phê hằng năm, là nguồn nước bị ô nhiễm khiến người dân Thành phố lại thấp thỏm nỗi lo mất nước.
bản Đông Hưng, xã Muổi Nọi (Thuận Châu) ngày 6/12.
Ngay sau khi nhận được Công văn số 510/CV-CNSL ngày 5/12/2020 của Công ty cổ phần cấp nước Sơn La phản ánh về tình hình sự cố và ô nhiễm nguồn nước tại Trạm cấp nước Bó Cá, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, các cơ quan liên quan họp, triển khai nhiệm vụ phối hợp xác minh nguyên nhân ô nhiễm nguồn cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Sơn La, ban hành văn bản gửi các sở, ban, ngành, UBND Thành phố, huyện Thuận Châu và Mai Sơn, đồng thời, thành lập 2 tổ kiểm tra. Ngay trong sáng ngày 5/12, Tổ kiểm tra số 1 đã làm việc với Công ty cổ phần cấp nước Sơn La, nắm tình hình sự cố ô nhiễm nguồn nước, nhận định nguyên nhân gây ô nhiễm ban đầu là do nước thải sơ chế cà phê, Tổ kiểm tra đã lập biên bản và đề nghị Công ty cổ phần cấp nước Sơn La khẩn trương tạm dừng việc khai thác, sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực hang Thẳm Tát Tòng, nơi dẫn nước vào Xí nghiệp cấp nước số 1 Thành phố, qua quan sát thấy nguồn nước của hang tương đối trong, nhưng có mùi hôi khó chịu. Qua thực tế tại các hộ dân sinh sống gần khu vực hang Thẳm Tát Tòng, chứng kiến một lượng lớn cá nuôi trong ao của các gia đình bị chết nổi trên mặt nước. Theo nhận định của người dân, nguyên nhân khiến cá chết là do nguồn nước dẫn vào ao được lấy từ hang Thẳm Tát Tòng bị ô nhiễm bởi hoạt động sơ chế, chế biến cà phê từ các cơ sở nơi đầu nguồn (năm 2019, cá trong ao của nhiều hộ ở khu vực này cũng đã bị chết với lý do tương tự, gây thiệt hại kinh tế của người dân).
Để kịp thời xác minh nguyên nhân gây ô nhiễm, Tổ kiểm tra số 1 đã tiến hành kiểm tra hoạt động tại cơ sở chế biến cà phê Quàng Văn Hồng tại bản Hôm, xã Chiềng Cọ (Thành phố). Qua kiểm tra, gia đình ông Hồng chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với hoạt động sản xuất, sơ chế cà phê; chưa có kế hoạch bảo vệ môi trường được cấp có thẩm quyền xác nhận... Tổ kiểm tra đã yêu cầu gia đình dừng ngay hoạt động sản xuất, sơ chế cà phê từ thời điểm 11 giờ 00 phút ngày 5/12/2020; giao cho các cơ quan có liên quan (Công an PC05, Công an Thành phố Sơn La, UBND xã Chiềng Cọ) thường xuyên giám sát việc chấp hành dừng hoạt động sản xuất của cơ sở. Được biết, trước đó, ngày 12/10/2020, UBND xã Chiềng Cọ đã ban hành Quyết định số 339, đình chỉ hoạt động đối với cơ sở chế biến cà phê của ông Quàng Văn Hồng cho đến khi cơ sở có đầy đủ điều kiện, thủ tục theo quy định của pháp luật, nhưng gia đình ông này vẫn cố tình không chấp hành. Ngày 4/12/2020, UBND Thành phố đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, Công an thành phố phối hợp với Công ty cổ phần cấp nước Sơn La kiểm tra hoạt động chế biến cà phê của cơ sở này và đã lập biên bản, ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm. Cũng trong ngày 5/12, UBND huyện Thuận Châu đã thành lập Đoàn kiểm tra và tiến hành kiểm tra đối với 2 cơ sở sản xuất, sơ chế cà phê trên địa bàn; theo đó, đã dừng hoạt động sơ chế cà phê đối với một cơ sở sơ chế cà phê tại bản Muổi Nọi, xã Muổi Nọi.
Sau khi cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo sở, ngành, huyện Thuận Châu và Thành phố đã đi kiểm tra thực tế tại một số cơ sở chế biến cà phê thuộc địa bàn Thành phố và huyện Thuận Châu (nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt của Thành phố), đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các ngành chức năng và các địa phương quyết liệt thực hiện ngay các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để đảm bảo an ninh nguồn nước; tạm dừng hoạt động các cơ sở chế biến cà phê nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt của Thành phố; yêu cầu các địa phương, ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý Nhà nước đối với các dự án, nhà máy, cơ sở chế biến trong việc bảo vệ môi trường; rà soát việc cấp phép; phân loại các cơ sở chế biến để có biện pháp quản lý; kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm có hành vi đối phó.
Trước mắt, để khắc phục tình trạng thiếu nước phục vụ sinh hoạt cho 15.000 hộ dân trên địa bàn Thành phố, Công ty cổ phần cấp nước Sơn La đã điều tiết từ nguồn nước của Xí nghiệp cấp nước thành phố số 2 và nguồn nước giữa các khu vực để hạn chế thấp nhất mức độ ảnh hưởng do thiếu hụt nguồn nước (hiện, đã đáp ứng khoảng 70% nhu cầu sử dụng nước của các hộ dân). Đồng thời, bố trí cán bộ phối hợp với các tổ công tác của các sở, ban, ngành và UBND huyện Thuận Châu, Thành phố thường xuyên nắm bắt diễn biến chất lượng nguồn nước; tổ chức lấy mẫu, phân tích nhanh các chỉ tiêu của nước đầu vào hệ thống cấp nước của xí nghiệp, kịp thời cấp nước trở lại khi chất lượng nước đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định.
Việc phải tạm dừng cấp nước sinh hoạt do ô nhiễm nguồn nước khi đến mùa thu hoạch cà phê đã xảy ra tại thành phố Sơn La từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Rất cần những giải pháp quyết liệt và chế tài xử phạt nghiêm của chính quyền các cấp nhằm đảm bảo sức khỏe, kinh tế của người dân và không còn nỗi lo mất nước mỗi khi vào vụ cà phê.