Kiên quyết xử lý 'ma men' lái xe

Việc điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu, bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng, để lại những hậu quả nặng nề, thương tâm.

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện tham gia giao thông

Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện tham gia giao thông

Không có vùng cấm, không có ngoại lệ

Lái xe tham gia giao thông khi đã sử dụng rượu, bia trở thành nỗi ám ảnh cho toàn xã hội bởi sự gia tăng đáng báo động về số vụ TNGT và thiệt hại. Để kiềm chế TNGT, Chính phủ, Bộ Công an triển khai nhiều kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT). Ban Bí thư Trung ương Đảng cũng ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới. Trong các chỉ đạo đều nhấn mạnh đến việc xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn.

Thực hiện các kế hoạch, hướng dẫn và chỉ đạo của cấp trên, tỉnh chỉ đạo siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm TTATGT. Đặc biệt, với vai trò, nhiệm vụ được giao, Công an tỉnh quán triệt và chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) trong quá trình tuần tra xử lý vi phạm TTATGT thực hiện nghiêm theo quy định. Nghiêm cấm cán bộ, chiến sĩ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về ATGT của cơ quan chức năng nhằm bỏ qua lỗi vi phạm với mọi hình thức.

“Các hành vi vi phạm về TTATGT, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn Kiên quyếtxử lý "ma men" lái xe phải được xử lý nghiêm với phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Việc này phải được thực hiện nghiêm túc, kiên quyết xử lý đúng người và đúng lỗi vi phạm” - Đại tá Trần Văn Hà - Phó Giám đốc Công an tỉnh, nhấn mạnh.

Cán bộ, đảng viên thì càng phải nêu gương chấp hành pháp luật về ATGT. Nếu cán bộ, đảng viên có hành vi vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, ngoài việc xử phạt, lực lượng CSGT sẽ gửi thông báo về đơn vị công tác của người vi phạm để tiếp tục tiến hành kiểm điểm, xử lý theo quy định.

Bên cạnh tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, việc tuyên truyền pháp luật về ATGT được đẩy mạnh và thực hiện bằng nhiều hình thức như hội họp, qua hệ thống truyền thanh, báo chí, sân khấu hóa,...

Qua thời gian tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm về nồng độ cồn và đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo, nhìn chung đã tác động đến ý thức của người tham gia giao thông. “Thời gian gần đây, tôi thường xuyên nghe nhiều lời từ chối uống bia, rượu vì phải lái xe. Những câu nhắc nhở nhau “Đã uống rượu, bia thì không lái xe” cũng trở nên phổ biến trong những cuộc trò chuyện” ông Nguyễn Văn Lý (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) kể.

Từ việc quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn, những cơ sở kinh doanh quán nhậu cũng có sự linh hoạt trong làm dịch vụ. Trên địa bàn tỉnh bước đầu đã có một số quán nhậu mua sắm xe máy, ôtô và bố trí tài xế chở khách nhậu về nhà.

"Đã uống rượu, bia thì không lái xe"

Bên cạnh những chuyển biến, thời gian qua còn phát hiện nhiều trường hợp lái xe tham gia giao thông cố tình vi phạm nồng độ cồn. Cũng có những trường hợp lái xe khi đã uống rượu, bia nên cố tình né tránh các tuyến đường, khu vực có CSGT đang làm nhiệm vụ.

Có những trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn khi phát hiện CSGT đứng chốt hoặc tuần tra lưu động ở phía trước thì quay xe đi hướng khác hoặc ghé vào các quán gần đó để né tránh.

Theo Thượng tá Trương Nhật Minh - Trưởng Công an huyện Bến Lức, 9 tháng năm 2023, trên địa bàn huyện phát hiện, xử lý gần 1.700 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn. Có nhiều người vi phạm đưa ra những lý do tiếp khách, tiếp bạn, đi đám tiệc nhà gần,... để biện minh cho hành vi vi phạm và mong được bỏ qua. Tuy nhiên, CSGT kiên quyết lập biên bản xử lý nghiêm vi phạm theo quy định pháp luật.

Cảnh sát giao thông ra quân kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn

Cảnh sát giao thông ra quân kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn

Còn tại huyện Đức Hòa, chỉ trong tháng 9/2023, CSGT phát hiện, xử lý gần 200 lái xe vi phạm nồng độ cồn. Người vi phạm đa số điều khiển xe máy nhưng cũng có trường hợp lái xe container chở hàng vẫn vi phạm nồng độ cồn. Trung tá Nguyễn Trường Tiên - Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Đức Hòa, cho biết, gần đây, tại đoạn Đường tỉnh 825, CSGT Công an huyện kiểm tra, phát hiện Nguyễn Ngọc Anh (31 tuổi, ngụ xã Đông Tân, TP.Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) lái xe container vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,058mg/l khí thở. Ngoài ra, Nguyễn Ngọc Anh không có giấy phép lái xe, không có giấy đăng ký xe theo quy định. Trường hợp này, chúng tôi đã lập biên bản xử phạt lái xe. Mặt khác, chủ xe cũng bị xử phạt vì để cho người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện.

Từ khi tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn, các trường hợp vi phạm bị phát hiện, xử phạt cũng tăng mạnh so với trước. Theo Đại tá Trần Văn Hà, 9 tháng năm 2023, lực lượng CSGT toàn tỉnh xử phạt 8.770 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn, ra quyết định xử phạt với số tiền trên 50 tỉ đồng.

Là địa bàn tiếp giáp TP.HCM, cửa ngõ miền Tây Nam bộ, có đông công nhân lưu trú nên lượng người và phương tiện lưu thông trên địa bàn tỉnh rất lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNGT. Với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả đang thực hiện trong bảo đảm TTATGT, Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng CSGT trong toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn.

“Qua việc đẩy mạnh kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn khi lái xe góp phần quan trọng nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông và trong nỗ lực thực hiện kiềm chế, kéo giảm TNGT, bảo vệ an toàn tính mạng của con người” - Đại tá Trần Văn Hà nhấn mạnh./.

Liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT, tại Hội nghị sơ kết 9 tháng năm 2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh - Nguyễn Minh Lâm nhấn mạnh việc kiên quyết xử lý nghiêm lái xe vi phạm nồng độ cồn. Việc xử lý vi phạm là không có vùng cấm, không có ngoại lệ và nghiêm cấm các hành vi can thiệp, bảo đảm thượng tôn pháp luật.

Để kéo giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí, ông Nguyễn Minh Lâm nhấn mạnh, phải làm quyết liệt, không làm “khơi khơi”. Ban ATGT các địa phương phải tiến hành họp để phân tích, làm rõ những nguyên nhân, hạn chế, tồn tại trong công tác bảo đảm TTATGT. Từ đó, xây dựng kế hoạch, giải pháp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị. Trong công tác này phải nêu cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh, chỉ đạo của người đứng đầu.

Lê Đức

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/kien-quyet-xu-ly-ma-men-lai-xe-a165369.html