Kiên quyết xử lý tàu cá '3 không' để cùng gỡ thẻ vàng khai thác thủy sản

Là địa phương có số lượng tàu cá lớn tham gia đánh bắt thủy sản trên biển, Quảng Bình triển khai nhiều biện pháp nhằm thực thi các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Qua đó, hạn chế tình trạng tàu cá vi phạm khai thác IUU.

Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn vẫn còn nhiều tàu "3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác thủy sản). Tỉnh ủy Quảng Bình đã ban hành chỉ thị, UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo chống khai thác IUU của tỉnh để chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện của các địa phương, ban, ngành nhằm chung tay với cả nước tháo gỡ thẻ vàng.

Chống vi phạm khai thác IUU là nhiệm vụ cấp bách

Ngày 23/10/2017, Ủy ban châu Âu (EC) đã cảnh báo thẻ vàng đối với hàng thủy sản khai thác của Việt Nam do vi phạm quy định về khai thác IUU và đã đưa ra 4 nhóm khuyến nghị như: Hoàn thiện khung pháp lý. Hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá: yêu cầu mỗi địa phương phải nắm chắc, quản lý được số lượng tàu cá và thực hiện các thủ tục giấy tờ theo quy định và kiểm soát, theo dõi được hoạt động của tàu cá khi hoạt động trên biển thông qua việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu.

Ngư dân Quảng Bình đang chuẩn bị cho một chuyến ra khơi đánh bắt thủy sản.

Ngư dân Quảng Bình đang chuẩn bị cho một chuyến ra khơi đánh bắt thủy sản.

Thực thi pháp luật để bảo đảm ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép; đẩy mạnh thực hiện kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các vi phạm về khai thác IUU. Truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác… EC đã có 4 lần kiểm tra việc thực hiện chống khai thác IUU và ghi nhận nỗ lực của Việt Nam, tuy nhiên, vẫn chưa đạt yêu cầu, dự kiến vào tháng 10/2024, EC tổ chức thanh tra lần thứ 5.

Theo ông Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Quảng Bình, xác định công tác chống khai thác IUU, chuẩn bị đón Đoàn thanh tra của EC là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của các đơn vị, địa phương. Tỉnh Quảng Bình đang chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm chống khai thác IUU. Các khuyến nghị của EC như: Hoàn thiện khung pháp lý trong quản lý thủy sản; quản lý tàu cá, theo dõi, kiểm soát hoạt động tàu cá; giám sát, chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản; thực thi pháp luật và xử lý vi phạm được tỉnh tập trung thực hiện đầy đủ, phù hợp với tình hình chống khai thác IUU trên địa bàn. Cho đến nay, hành trình tháo gỡ thẻ vàng của EC đang được các cơ quan chức năng cùng ngư dân tỉnh Quảng Bình thực hiện một cách quyết liệt.

Quảng Bình là địa phương có bờ biển dài hơn 116km; có thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế rộng trên 20.000km² và là địa phương có số lượng tàu cá khai thác thủy sản trên biển lớn, có 3.969 tàu cá thực tế 6m trở lên. Để thực hiện hiệu quả việc chống khai thác IUU, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các cấp, ngành từ tỉnh đến địa phương tăng cường công tác tuyên truyền với nhiều hình thức, cấp độ phù hợp nhằm nâng cao nhận thức của ngư dân. Các chỉ tiêu thực hiện của tỉnh đều cao hơn mức trung bình cả nước như: Về đăng ký tàu cá được 3.587 tàu, đạt 82,9% (cả nước đạt 78,5%); đăng kiểm được 3.323 tàu đạt 76,8%; đã cấp giấy phép 76,4% số tàu (cả nước đạt 57,8%); đánh dấu tàu cá đạt 100% để nhận biết tàu cá hoạt động ở vùng bờ, vùng lộng và vùng khơi (cả nước đạt 96%); lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt tỷ lệ 97,7%.

Theo ông Đào Xuân Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới; địa phương luôn đi sâu đi sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con ngư dân và đã có kiến nghị, đề xuất lên các cấp để hỗ trợ, đồng hành cùng ngư dân trong việc chống khai thác IUU. Theo ông Nguyễn Cẩm Long, Trưởng phòng NN&PTNN huyện Bố Trạch, Quảng Bình; "để triển khai hiệu quả công tác chống khai thác IUU, địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU, đặc biệt là việc tàu cá ngư dân vượt ranh giới cho phép trên biển, tàu giã cào hoạt động sai tuyến, ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình".

Được biết, năm 2023, Chi cục Thủy sản Quảng Bình cũng đã thí điểm mô hình "Đồng quản lý trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản" tại 2 xã Ngư Thủy Bắc và Ngư Thủy, huyện Lệ Thủy. Đây là mô hình nhằm phát huy vai trò của cộng đồng trong quản lý, bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường biển tại vùng biển ven bờ được giao thực hiện đồng quản lý. Qua đó, hạn chế tình trạng khai thác, đánh bắt, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, góp phần phát triển nghề cá bền vững, ổn định cuộc sống và nâng cao thu nhập cho người dân.

Xử lý nghiêm các tàu cá "3 không"

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình chống khai thác IUU tại Quảng Bình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Vẫn còn 21 tàu cá 3 không (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác thủy sản), 258 tàu cá quá hạn đăng kiểm, 297 tàu cá quá hạn giấy phép khai thác thủy sản; một số tàu cá vi phạm về sai tuyến, ghi không đúng nhật ký khai thác, không có bằng cấp, chứng chỉ lén lút hoạt động.

Chẳng hạn, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tại thị xã Ba Đồn, Quảng Bình đến cuối tháng 5/2024, trên địa bàn thị xã có 1.406 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên, trong đó, tàu từ 15m trở lên có 422 chiếc. Đáng lưu ý, trong số 1.406 tàu cá có 424 chiếc chưa đăng ký hay còn gọi là tàu "3 không", 587 chiếc chưa cấp phép hoặc hết hạn giấy phép khai thác thủy sản, 48 chiếc chưa đăng kiểm hoặc hết hạn đăng kiểm… Về số lượng tàu có chiều dài từ 15m trở lên lắp thiết bị giám sát hành trình có 399/422 tàu (đạt 94,55%). Cụ thể, trong số 23 tàu cá chưa lắp thiết bị giám sát hành trình, xã Quảng Lộc 6 tàu, xã Quảng Minh 7 tàu, phường Quảng Phúc 1 tàu, xã Quảng Văn 6 tàu và phường Quảng Thuận có 3 tàu.

Như vậy, tình trạng tàu cá chưa đăng ký, đăng kiểm, cấp phép khai thác thủy sản, lắp thiết bị giám sát hành trình, đánh dấu tàu cá vẫn còn nhiều. Nguyên nhân do một số tàu cá vẫn đang sử dụng máy bộ để lắp trên tàu cá trong khi quy định tàu cá phải lắp máy thủy. Mặt khác, hiện có nhiều tàu cá phải nằm bờ, không hoạt động khai thác đánh bắt hải sản do hoạt động không hiệu quả, thiếu lao động, ngân hàng thu nợ, dẫn đến không thực hiện các quy định về quản lý tàu cá.

Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình cho biết, tại thời điểm hiện tại, phần đông tàu thuyền của ngư dân đánh bắt ở các ngư trường lớn đều sẵn sàng ra khơi, bám biển đánh bắt thủy hải sản. Quảng Bình nhân rộng các mô hình, cách làm hay, cách làm mới đưa lại nhiều hiệu quả trong việc khai thác thủy hải sản, công tác chống khai thác IUU. Quảng Bình đang quyết liệt xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm làm ảnh hưởng chung đến nỗ lực, quyết tâm gỡ "thẻ vàng" của địa phương nói riêng và cả nước nói chung như: Xử phạt các tàu cá chưa có giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép đã hết hạn, chưa thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; chủ tàu cá chưa thực hiện ghi chép trên biển, khi vào bờ mới ghi, nộp nhật ký khi được yêu cầu; tàu cá vượt ranh giới trên biển, mất kết nối và tàng trữ, sử dụng xung điện, chất nổ để khai thác thủy sản… Được biết, chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay Quảng Bình đã xử lý hơn 80 tàu cá vi phạm, phạt gần 1,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm khai thác IUU vẫn còn diễn ra, nhất là sử dụng xung điện, tàu mất kết nối dài ngày, tàu vượt ranh giới...

Ông Trần Quốc Tuấn-Giám đốc Sở NN&PTNN Quảng Bình khẳng định: Quảng Bình đã thực hiện rất tốt một số nhóm khuyến nghị của EC còn lại thực hiện cao hơn mặt bằng chung cả nước, tuy nhiên còn một số khó khăn cần tập trung thực hiện trong thời gian tới đó là: Nhận thức của một số ngư dân chưa đầy đủ về quy định khai thác thủy sản của EC; chưa chấp hành các quy định của pháp luật, vẫn còn một số địa phương chưa vào cuộc quyết liệt để chung tay gỡ thẻ vàng.

Trong thời gian tới, tỉnh Quảng Bình thực hiện nâng cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu, tập trung nguồn lực để thực hiệt tốt công tác chống khai thác IUU, trong đó, ngành NN&PTNN sẽ phấn đấu hoàn thành 100% chỉ tiêu chưa đạt trước khi đoàn công tác EC vào kiểm tra vào khoảng tháng 10/2024. Tập trung các nguồn lực để thực thi pháp luật trên biển, xử phạt nghiêm minh; tham mưu triển khai thực hiện truy xuất nguồn gốc hải sản điện tử trên toàn tỉnh.

Đồng thời, Sở NN&PTNN Quảng Bình phối hợp xử lý dứt điểm tàu cá địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài và kiên quyết xử lý tàu cá mất kết nối hành trình khi hoạt động trên biển. Hướng dẫn, vận động chủ tàu, thuyền trưởng thực hiện việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử.

Dương Sông Lam

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/kien-quyet-xu-ly-tau-ca-3-khong-de-cung-go-the-vang-khai-thac-thuy-san-i738935/