Kiến tạo để phát triển thịnh vượng, vững bền
Từ nay, Việt Nam có 34 tỉnh, thành phố đủ lớn để phát triển, đủ mạnh để liên kết vùng, đủ năng lực để cạnh tranh trong khu vực và thế giới.
Từ hôm nay, 1-7-2025, đất nước không còn 63 tỉnh, thành phố như chúng ta đã quen suốt mấy chục năm qua, mà là 34 tỉnh, thành, trong đó gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Từ hơn 10.600 phường, xã và hơn 700 quận, huyện giờ chỉ còn hơn 3.300 phường, xã, đặc khu; không còn cấp quận/huyện và TP trực thuộc tỉnh! Đó thực sự là một cuộc cách mạng, với khí thế và niềm tin đưa đất nước ta bước vào thời kỳ mới phát triển mạnh mẽ, thịnh vượng, vững bền.
Dấu mốc lịch sử của dân tộc
Đó không phải chỉ là chuyện vẽ lại ranh giới trên giấy mà là sự thay đổi căn bản trong tư duy quản trị quốc gia, là cuộc "đại phẫu" với bộ máy vốn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian. Một cuộc đổi mới mạnh mẽ, mang tính cách mạng để đất nước mở ra không gian phát triển mới: đủ rộng, đủ lớn, đủ sức cạnh tranh, từng bước vươn tầm khu vực và thế giới.
Đây là quyết định chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hiện đại Việt Nam. Một quyết sách đã khiến các nhà lãnh đạo cấp cao phải trăn trở và trả lời câu hỏi: Nếu không làm bây giờ thì bao giờ? Nếu không dám cắt đi những phần chồng chéo, trì trệ, thì lấy gì làm bước đệm cho một Việt Nam hùng cường trong tương lai (?!)
Chúng ta đều biết chuyện "gộp tỉnh" là không dễ. Nỗi lo về tổ chức bộ máy, về xáo trộn đời sống người dân, về quyền lợi của cán bộ, công chức - tất cả đều hiện hữu. Đây không phải là con đường trải đầy hoa hồng. Nhưng chính vì vậy, quyết định này càng đáng được trân trọng. Bởi nó gỡ bỏ những nút thắt, mở ra một giai đoạn phát triển năng động hơn, hiệu quả hơn. Đó cũng là lời khẳng định dứt khoát: Chúng ta không chấp nhận sự tụt hậu.
Gần 40 năm đổi mới đã đưa Việt Nam từ một nước nghèo trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, thành công trong hội nhập quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội... Bên cạnh những thành công cũng có một số mặt hạn chế như: bộ máy cồng kềnh, địa giới hành chính bị chia nhỏ, các địa phương cạnh tranh lẫn nhau thay vì liên kết chặt chẽ để tạo ra sức mạnh lớn, nguồn lực hạn chế, đầu tư hạ tầng manh mún.
Muốn bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng, chúng ta không thể đi bằng "đôi dép cũ". Việt Nam cần một tầm nhìn mới về tổ chức không gian phát triển!
Sắp xếp để phát triển mạnh mẽ
Là người sáng lập và trực tiếp điều hành Chương trình "Tự hào cờ Tổ quốc", trong đó có hợp phần "Cờ Tổ quốc biên cương", nhiều năm qua tôi thường đến với các vùng biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Có lần tôi về một huyện miền núi, tận mắt chứng kiến hình ảnh trụ sở UBND huyện hoành tráng, bàn ghế toàn là gỗ quý, sang trọng, cán bộ rất đông, ăn mặc chỉnh tề nhưng phần lớn làm việc riêng. Còn người dân ở địa phương này thì phải đi mấy chục cây số đường rừng núi cheo leo, hiểm trở để xin chứng nhận giấy tờ, làm thủ tục hành chính, trông họ bơ phờ, mệt mỏi. Tôi cũng từng đến một xã nghèo, nguồn thu không đủ trả lương, luôn phải xin ngân sách nhưng vẫn phải duy trì bộ máy với đầy đủ "chức danh" như ở đô thị, dù có một số chức danh chẳng mấy khi dùng đến.
Những chuyện như thế không…lạ mà là nghịch lý quen thuộc trên khắp đất nước ta lâu nay. Bộ máy hành chính chia nhỏ để dễ quản lý, nhưng cuối cùng lại khó làm, hiệu quả thấp. Dân khổ, doanh nghiệp nản, ngân sách kiệt quệ vì nuôi bộ máy quá lớn.

Tổng Bí thư Tô Lâm cùng đoàn công tác Trung ương khảo sát hoạt động tại phường Xuân Hòa, TP HCM vào ngày 29-6. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Chuyện có thật: nhà đầu tư muốn làm một cây cầu nối hai tỉnh nhưng thủ tục kéo dài vì mỗi nơi một chính sách, khiến chi phí phát sinh quá nhiều. Liên kết vùng là chủ trương đúng đắn nhưng trên thực tế lại vướng nhiều vấn đề như địa phương nào lo địa phương ấy, thiếu sự phối hợp và thống nhất, khó điều phối, dẫn đến sự liên kết lỏng lẻo, mạnh ai nấy làm, hiệu quả kém.
Chúng ta vẫn thường tự hào về những vùng kinh tế trọng điểm, nhưng chúng ta chưa thực sự có những địa phương đủ quy mô dân số, kinh tế chưa đủ mạnh để trở thành cực tăng trưởng đúng nghĩa.
Việt Nam không thể phát triển mạnh mẽ nếu cứ chia nhỏ "miếng bánh nguồn lực". Chúng ta không thể nâng cao sức cạnh tranh nếu từng địa phương cứ khép kín, chỉ lo tính toán lợi ích cục bộ.
Bước vào thời đại cạnh tranh toàn cầu, không gian phát triển cần rộng hơn, chính quyền cần gọn hơn, hiệu quả hơn và nguồn lực phải tập trung hơn. Chính vì vậy, sắp xếp đơn vị hành chính không chỉ để giảm con số trên bản đồ. Mục tiêu sâu xa hơn là thiết kế lại "bản đồ phát triển" của đất nước.
Lãnh đạo đồng lòng, nhân dân đồng thuận
Để có những quyết định lớn không bao giờ là điều dễ dàng. Để đi đến quyết định lịch sử này, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã lắng nghe, tranh luận, cân nhắc rất nhiều. Đã có nhiều ý kiến khác nhau. Đã có những địa phương lo ngại, băn khoăn. Đã có không ít cán bộ tâm tư khi đối diện với tình huống sắp xếp lại vị trí, công tác.
Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ đạo quyết liệt, không né tránh. Quốc hội đã dành thời gian thảo luận công khai, dân chủ, minh bạch. Chính phủ chuẩn bị phương án cụ thể, đánh giá tác động, tính toán lộ trình.
Đây không phải là sự áp đặt mà là kết quả của một quá trình thuyết phục, với vai trò của hệ thống chính trị, trong đó có báo chí - truyền thông, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Quốc hội đã thông qua nghị quyết với tỉ lệ đồng ý rất cao - đó là minh chứng cho sự đồng lòng của cơ quan Nhà nước cao nhất thực hiện quyền lực của nhân dân.
Chính phủ cũng cam kết rõ: sắp xếp tỉnh không phải là xáo trộn đời sống người dân. Ngược lại, sẽ làm cho người dân được phục vụ tốt hơn; không để ai bị bỏ lại, không để cán bộ, công chức bị thiệt thòi vô lý.
Cải cách hành chính lần này không chỉ là vẽ lại bản đồ. Nó đi kèm cải cách thể chế, tinh giản biên chế, sắp xếp lại công chức hợp lý. Đồng thời đẩy mạnh Chính phủ điện tử, số hóa dịch vụ công.
Không ai biết trước được mọi khó khăn trong tương lai. Nhưng có một điều chắc chắn rằng: chúng ta đã dám đối diện với khó khăn, thử thách và dám bắt đầu cho hành trình hướng tới tương lai.
Công việc này không của riêng một bộ phận nào mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, với sự tham gia tích cực của người dân. Hơn lúc nào hết, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu trong bài viết "Sức mạnh của đoàn kết", đây là lúc phải đoàn kết, đồng lòng, đồng thuận để cùng nhau vượt qua những khó khăn, bất tiện ban đầu, để đi tới mục tiêu lớn hơn vì sự phát triển vững mạnh của nước nhà.
Niềm tin, khát vọng và hành động
Ngày 1-7-2025 không chỉ là ngày chia lại địa giới hành chính. Đó còn là dấu mốc của đổi mới tư duy, của quyết tâm cắt bỏ sự trì trệ, của ý chí vượt qua sợ hãi để mở ra một tương lai tươi sáng hơn.
Từ nay, Việt Nam có 34 tỉnh, thành phố đủ lớn để phát triển, đủ mạnh để liên kết vùng, đủ năng lực để cạnh tranh trong khu vực và thế giới.
Chính quyền địa phương 2 cấp sẽ gần dân hơn. Người dân không còn phải đi lòng vòng xin giấy tờ. Doanh nghiệp sẽ không còn vướng hàng loạt thủ tục chồng chéo. Đầu tư sẽ thông suốt hơn. Môi trường kinh doanh sẽ minh bạch, hấp dẫn hơn.
Nguồn lực tiết kiệm từ chi thường xuyên sẽ "chảy" vào hạ tầng, giáo dục, y tế; từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn, miền núi và các đô thị đang cần nguồn lực để phát triển.
Việt Nam từ nay có thêm những thành phố động lực, ngang tầm với một số thành phố trong khu vực, tiêu biểu như TP HCM mới với sự hợp nhất của Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây sẽ là cực tăng trưởng mới. Ngoài ra, những vùng kinh tế mạnh hơn, kết nối tốt hơn và mang lại hiệu quả cao hơn cũng sẽ hình thành và phát triển.
Để những mục tiêu đó sớm trở thành hiện thực, cần hơn hết là quyết tâm chính trị kiên định, sự điều hành chặt chẽ, khoa học và linh hoạt. Cần đội ngũ cán bộ có tâm, có tầm, dám chịu trách nhiệm. Và đặc biệt là cần sự đồng lòng của hơn 100 triệu người Việt Nam.
Đổi mới luôn có giá của nó. Nhưng cái giá phải trả cho sự trì trệ còn lớn hơn. Chúng ta hãy cùng nhau bắt đầu từ hôm nay. Để con cháu chúng ta được sống trong một đất nước hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc. Để mỗi người dân Việt Nam đều tự hào không chỉ vì bản đồ hình chữ S, mà vì một quốc gia biết đổi mới, biết tự làm mới mình và biết vươn lên mạnh mẽ.
Tất cả vì một Việt Nam vươn mình mạnh mẽ, tự tin bước vào kỷ nguyên mới, hội nhập và phát triển thịnh vượng, vững bền!
TP HCM, 30-6-2025
Bước vào kỷ nguyên quản trị hiện đại
Khi quy mô đơn vị hành chính lớn hơn, các địa phương có điều kiện quy hoạch tổng thể hơn, có nguồn ngân sách mạnh hơn, đủ sức làm hạ tầng, đủ sức kêu gọi đầu tư lớn, đủ khả năng cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân.
Lực lượng lao động trẻ đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Ảnh: THANH NIÊN
Chính quyền địa phương 2 cấp, gồm cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp xã gồm xã, phường (trong đất liền) và đặc khu (ở hải đảo) cũng sẽ gần dân hơn. Giảm tầng nấc trung gian nghĩa là giảm thủ tục, giảm xin - cho. Cán bộ không còn lý do để đổ trách nhiệm cho cấp trên hay cấp dưới.
Sắp xếp lại bản đồ hành chính là bước đi để Việt Nam có thể bước vào kỷ nguyên quản trị hiện đại. Là bước đi để thực hiện khát vọng vào năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Đồ họa: CHI PHAN
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/kien-tao-de-phat-trien-thinh-vuong-vung-ben-19625063023244102.htm