Kiến tạo phát triển từ tầm nhìn quy hoạch - Kỳ 1: Giao thông đi trước mở đường
Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là định hướng, chiến lược phát triển, thể hiện tầm nhìn dài hạn, khát vọng vươn lên để sớm trở thành tỉnh khá của cả nước.
Theo đó, Gia Lai đặt ra các mục tiêu: trở thành tỉnh tiên phong trong vùng về chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn dựa trên cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển kinh tế đi đôi với xây dựng bản sắc văn hóa; đảm bảo quốc phòng, giữ gìn an ninh trật tự.
Tạo liên kết vùng
Tháng 6-2018, Dự án đường liên huyện Chư Păh-Ia Grai-Đức Cơ-Chư Prông chính thức được khởi công. Đây là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh với tổng mức đầu tư lên đến 880 tỷ đồng, quy mô đường cấp IV miền núi, mặt đường bê tông nhựa rộng 5,5 m, nền đường rộng 7,5 m. Tổng chiều dài tuyến là 114 km, điểm đầu giáp với tỉnh lộ 661 tại Km 11+200 thuộc xã Ia Nhin (huyện Chư Păh), điểm cuối thuộc xã Ia Ga (huyện Chư Prông).
Ngoài ra, trên tuyến còn đầu tư xây dựng 18 công trình cầu bê tông cốt thép với bề rộng 8 m. Tuyến đường vòng cung này cùng với các tỉnh lộ 663, 665, 666 kết nối với nhau như một chiếc quạt, trong đó, trung tâm là TP. Pleiku, “nan quạt” là các trục đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 19, quốc lộ 25, tỉnh lộ 663, 664, 670, 670B.
Ông Trần Ngọc Phận-Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ-nhận định: Việc đầu tư xây dựng tuyến đường đã từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông của tỉnh nói chung và vùng Tây Bắc tỉnh (huyện Chư Păh, Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông) nói riêng, góp phần giảm tải cho các tuyến quốc lộ 14, 25, 19.
Tuyến đường không chỉ cải thiện đáng kể hệ thống giao thông đường bộ trong khu vực và liên kết với các vùng mà còn tạo động lực phát triển kinh tế khu vực, mở ra một hướng lưu thông hàng hóa, giao lưu kinh tế và văn hóa-xã hội mới cho người dân. Đây cũng là một trong những yếu tố để thu hút đầu tư cho khu vực phía Tây Bắc Gia Lai, phát huy tối đa thế mạnh về quỹ đất, nguồn lao động dồi dào trong phát triển kinh tế.
Tương tự, Dự án đường liên huyện Chư Sê-Chư Pưh-Chư Prông được đầu tư với quy mô đường cấp IV miền núi, nền đường rộng 7,5 m, mặt đường bê tông nhựa rộng 5,5 m. Tổng chiều dài xây dựng tuyến là 32,75 km, điểm đầu giáp với quốc lộ 25 tại Km 161+980 thuộc xã Hbông (huyện Chư Sê), điểm cuối thuộc xã Ia Ga (huyện Chư Prông).
Ngoài ra, trên tuyến còn đầu tư xây dựng 4 công trình cầu bê tông cốt thép với bề rộng 8 m. Tổng mức đầu tư dự án là 320 tỷ đồng. Việc đầu tư xây dựng tuyến đường này cùng với tuyến đường liên huyện Chư Păh-Ia Grai-Đức Cơ-Chư Prông đã góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông của tỉnh, tạo thành mạng lưới đường giao thông liên huyện khép kín phía Tây tỉnh, kết nối 6 huyện gồm: Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, Đức Cơ, Ia Grai, Chư Păh.
Anh Hồ Tuấn Tú (số 111 Hùng Vương, thị trấn Chư Prông) chia sẻ: “Trước đây, muốn đi Đức Cơ, chúng tôi phải quay ngược ra ngã ba Bàu Cạn rồi theo quốc lộ 19 đi lên hoặc phải đi đường tắt nhỏ hẹp, mưa thì lầy lội còn nắng thì bụi bặm. Nay tuyến đường này được Nhà nước đầu tư rộng rãi, kiên cố, người dân đi lại dễ dàng, vận chuyển hàng hóa cũng thuận lợi”.
Với ý nghĩa “giao thông đi trước mở đường”, những năm qua, hàng loạt tuyến đường quan trọng, có tính liên kết vùng đã được đầu tư xây dựng như: tỉnh lộ 665 với tổng chiều dài 65 km, đi qua địa bàn 6 xã của huyện Chư Prông (Ia Băng, Ia Tôr, Ia Pia, Ia Me, Ia Ga, Ia Mơ) và kết nối với tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia), tổng mức đầu tư 508 tỷ đồng; tỉnh lộ 666 với tổng chiều dài 60,5 km, nối xã Kon Chiêng với các xã lân cận, trung tâm huyện Mang Yang và huyện Ia Pa, Kông Chro, tổng mức đầu tư 90 tỷ đồng.
Cùng với đó, những dự án giao thông huyết mạch như: đường tránh TP. Pleiku; cải tạo, nâng cấp quốc lộ 19; đường hành lang kinh tế phía Đông… cũng được đầu tư đã dần tháo gỡ “nút thắt” về giao thông, tạo động lực để phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Quy hoạch mạng lưới giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại
Ông Đinh Hữu Hòa-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: “Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra 3 phương án tổ chức không gian các hoạt động kinh tế-xã hội của tỉnh theo các hành lang kinh tế gồm: hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh, hành lang kinh tế quốc lộ 19 và hành lang kinh tế quốc lộ 25.
Theo đó, tỉnh cũng quy hoạch mạng lưới giao thông vận tải theo hướng đồng bộ, hiện đại nhằm phát huy lợi thế về vị trí địa lý là giao điểm quan trọng kết nối các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam”.
Theo quy hoạch, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, có tính đột phá; các tuyến kết nối đến khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch, trung tâm logistics, cảng cạn, các trục chính yếu nối các vùng kinh tế trọng điểm.
Đối với mạng lưới đường bộ, tỉnh sẽ phát triển tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Tây và tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn-Pleiku-Lệ Thanh; nâng cấp, cải tạo 6 tuyến quốc lộ hiện hữu (quốc lộ 14, đường Trường Sơn Đông, quốc lộ 19, quốc lộ 19D, quốc lộ 14C, quốc lộ 25) với quy mô đường cấp III-IV, có 2-6 làn xe; mở tuyến mới quốc lộ 19E đoạn qua tỉnh với quy mô đường cấp III-IV, có 2-6 làn xe.
Ông Nguyễn Hữu Quế-Phó Chủ tịch UBND tỉnh: “Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định sẽ tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, hướng đến mục tiêu lớn nhất là xây dựng Gia Lai trở thành trung tâm của khu vực Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia”.
Đối với hạ tầng giao thông cấp tỉnh, đến năm 2030, Gia Lai quy hoạch 15 tuyến với chiều dài khoảng 709,5 km. Giai đoạn sau năm 2030, quy hoạch 19 tuyến đường tỉnh với chiều dài khoảng 969,5 km.
Đến năm 2050, Cảng Hàng không Pleiku sẽ tiếp tục duy trì đạt cấp 4C theo tiêu chuẩn ICAO, đáp ứng khai thác 4 triệu hành khách/năm, diện tích 383,68 ha, là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự. Cảng Hàng không Pleiku có thể được khai thác các chuyến bay quốc tế không thường lệ theo quy định.
Đặc biệt, theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ có một tuyến đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên (Đà Nẵng-Kon Tum-Gia Lai-Đắk Lắk-Đắk Nông-Bình Phước) được xây dựng với chiều dài 550 km. Bên cạnh đó, trong quy hoạch, đến năm 2030, toàn tỉnh có 15 trạm dừng nghỉ trên hệ thống đường tỉnh; đến năm 2050 có 19 trạm dừng nghỉ, tối thiểu đạt quy mô trạm loại 4.
Đáng chú ý, tỉnh sẽ đảm bảo mỗi đơn vị hành chính cấp huyện có tối thiểu 1 bến xe khách. Các bến xe xây mới tại thành phố, thị xã tối thiểu đạt cấp 4; xây dựng thêm 1 bến xe tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh.
Ông Nguyễn Trọng Điểm-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quang Sáng Đức Cơ-chia sẻ: “Nguồn nông sản của Campuchia rất phong phú, sản lượng cũng lớn như mì lát, đậu nành, hạt điều... Song hầu hết nguồn nguyên liệu này được đưa về Việt Nam qua Cửa khẩu Hoa Lư (tỉnh Bình Phước) và các cửa khẩu gần đó do Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh không có nhà máy sơ chế, không có kho chứa, bãi đỗ xe chưa đáp ứng được yêu cầu.
Vì vậy, bên cạnh việc thu hút các nhà đầu tư thuộc lĩnh vực chế biến thì tại đây cũng cần đầu tư một bãi đỗ xe bài bản hơn, rộng rãi hơn. Nếu làm được như vậy thì chắc chắn khu vực phía Tây của tỉnh sẽ phát triển bứt phá”.
Ông Đoàn Hữu Dũng-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải-cho biết: Năm 2024 có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) và Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng các vùng động lực của tỉnh đến năm 2030.
Ngành Giao thông-Vận tải tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan để hoàn thành và đưa hàng loạt dự án giao thông trọng điểm về đích, bảo đảm sự liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải, đối nội, đối ngoại tạo thành mạng lưới giao thông thông suốt và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân như: đường Hồ Chí Minh-đoạn tránh thị trấn Chư Sê; quốc lộ 19; quốc lộ 25; đường từ TP. Pleiku đi trung tâm huyện Đak Đoa; các tuyến tỉnh lộ 664, 666, 669…
“Mạng lưới giao thông được đầu tư xây dựng, nâng cấp sẽ tạo sự liên kết về mặt địa lý giữa tỉnh với các huyện, giữa thành phố với các thị xã, thị trấn cũng như với các tỉnh lân cận. Qua đó, làm cơ sở để tăng năng lực kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh trên địa bàn tỉnh”-Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải nhấn mạnh.