Kiến tạo trường học hạnh phúc - Bài 1: Áp lực từ trường học

Tại Thừa Thiên Huế, nhiều trường học đang hướng đến xây dựng một môi trường giáo dục lý tưởng khi thầy cô, học sinh cũng như phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc, là nơi tình yêu thương giữa các nhà giáo, giữa thầy và trò, giữa học sinh với nhau được trân trọng và bồi đắp.

Môi trường học đường vốn là nơi an toàn và lành mạnh, nơi chất chứa bao điều tốt đẹp, thiêng liêng của mỗi người. Vậy nhưng, có khi, trường học trở thành nỗi ám ảnh.

 Học sinh trò chuyện, chia sẻ cùng cô giáo

Học sinh trò chuyện, chia sẻ cùng cô giáo

Đi học trong sợ hãi

Năm ngoái, chị M.H, phụ huynh của cháu B.H, học sinh lớp 5 của một trường tiểu học tại TP. Huế phải đưa ra quyết định khó khăn là chuyển trường cho con vào năm học cuối cấp. Theo lời kể của chị H., vào giờ học và giờ ngủ trưa, cháu B.H. hay nghịch ngợm. Ở lớp, tổ tự quản có trách nhiệm theo dõi và báo cáo với giáo viên chủ nhiệm. Mỗi lần bị ghi tên, B.H bị giáo viên bắt chép phạt. Về nhà, em cũng sợ hãi khi để mẹ thấy mình bị chép phạt. Để không bị ghi tên, B.H phải làm theo yêu cầu của các bạn cùng lớp, như để cho bạn sai vặt hoặc bị bạn “bóc lột” đồ chơi… Khi kể lại, B.H gọi tên những hành động này là “bạo lực tinh thần”. Ở lớp, cháu bị các bạn và cô giáo đối xử như một học sinh cá biệt nên buồn chán, căng thẳng và không thể hòa đồng. Những áp lực tâm lý tại trường học khiến cháu bị stress.

Lúc ấy, tâm trạng của chị H. rối bời, kiểu “Đi không được, ở không xong”. Nhưng, chứng kiến con đi học trong mệt mỏi và căng thẳng, sợ hãi đến tè dầm, chị H. rất lo lắng. Chị kể: “Việc thay đổi môi trường học tập có thể tạo nên sự xáo trộn với năm học cuối cấp. Nhưng lúc ấy, tôi không còn cầu mong con học giỏi mà chỉ cần con có niềm vui khi đến trường. Vợ chồng tôi quyết định chuyển con sang học trường tư thục và cháu đã hòa nhập tốt, cảm thấy được tôn trọng, được thuộc về tập thể ấy. Cháu thay đổi, phấn chấn tinh thần và mạnh dạn thể hiện khả năng của bản thân”.

Những mâu thuẫn trong trường học không được giải quyết thỏa đáng khiến một số học sinh phải chọn giải pháp chuyển trường, có em bị sang chấn tâm lý trước khi kịp chuyển sang ngôi trường khác. Khi đến Trường tiểu học Thuận Thành, TP. Huế, tôi gặp một học sinh bị sang chấn tâm lý do bị bắt nạt vào năm học lớp 3 và chuyển đến đây học hòa nhập. Mới đây, một học sinh lớp 1 cũng xin chuyển đến Trường tiểu học Thuận Thành do đánh nhau với bạn và bị cô giáo, phụ huynh của lớp phản ứng, bài xích.

Mùa hè năm ngoái, chỉ vì những mâu thuẫn, xích mích nhỏ, 4 học sinh của các Trường THCS: Duy Tân, Trần Phú, Hùng Vương cùng đánh đập 1 em học sinh khác và quay lại video. Khi xem clip đánh nhau của con trẻ với những cái tát, cú đá không “nương tay”, người lớn không khỏi đau lòng khi các em là học sinh, còn rất nhỏ nhưng lại giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Điều này không chỉ gây tổn thương thân thể, tinh thần của học sinh bị bạo lực mà còn báo động tình trạng bạo lực luôn tiềm ẩn trong học đường. Thực tế, bạo lực học đường đã ảnh hưởng đến tính mạng của học sinh.

Khi học sinh được học tập trong môi trường an toàn, các em sẽ có đời sống tinh thần tốt và học tập tốt

Khi học sinh được học tập trong môi trường an toàn, các em sẽ có đời sống tinh thần tốt và học tập tốt

Đừng để trường học là… ác mộng

Dưới tác động của xã hội hiện đại, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng xã hội… đã tạo ra những tác động tiêu cực đến môi trường giáo dục. Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương có môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, như: Văn hóa ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo còn bất cập, vẫn còn có giáo viên, nhân viên vi phạm đạo đức nhà giáo. Vẫn còn biểu hiện thiếu dân chủ trong trường học, còn hiện tượng bạo lực học đường…

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh, việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh là điều cần được các trường quan tâm. Nhà nước đã đầu tư kiên cố hóa trường lớp học, việc còn lại là xây dựng môi trường giáo dục, tạo sự đồng thuận trong tập thể thầy cô giáo, sự kết nối với phụ huynh cũng như tạo môi trường để học sinh đến trường thấy được niềm vinh dự, tự hào và trách nhiệm. “Tránh để học sinh cảm thấy đến trường như ác mộng, từ môi trường trường học đến thái độ ứng xử của thầy cô giáo. Chuyển việc đánh đập sang tâm sự. Học sinh chưa ngoan thì trao đổi, phân công các tổ chức trong nhà trường, thầy cô giáo chủ nhiệm, phối hợp giữa nhà trường với phụ huynh để rèn luyện, quan tâm, theo dõi, khuyến khích bằng những hình thức đánh giá điểm giỏi, những việc làm tốt, tạo ra môi trường để các em tiến bộ”, ông Tân nói.

Kết quả nghiên cứu cảm nhận hạnh phúc ở trường học của học sinh do 2 tác giả Phạm Thế Kiên (Đại học Huế) và Phạm Thanh Nhi (Trường THPT Hai Bà Trưng) thực hiện khảo sát với 71 giáo viên và 1.624 học sinh ở 5 trường THPT tại TP. Huế cho thấy, khá nhiều học sinh chưa thật sự hạnh phúc ở trường học. Nguyên nhân lớn nhất là do áp lực thi cử, áp lực thành tích học tập và sự kỳ vọng quá lớn từ phụ huynh, nhà trường đối với học sinh. Ngoài ra, kiến thức về hạnh phúc, cảm nhận hạnh phúc từ bên trong bản thân học sinh cũng là nguyên nhân chính làm cho các em chưa thực sự hạnh phúc ở trường học.

 Sự gắn kết giữa cô và trò tạo nên không khí cởi mở, thân thiện trong trường học

Sự gắn kết giữa cô và trò tạo nên không khí cởi mở, thân thiện trong trường học

Để mỗi ngày đến trường của học sinh, giáo viên là một ngày vui, từ khóa “Trường học hạnh phúc” trở thành một khái niệm được quan tâm ở Việt Nam hiện nay. Từ năm học 2018 - 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát động xây dựng trường học hạnh phúc. Tháng 5/2019, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Công đoàn ngành xây dựng và triển khai kế hoạch “Nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, người lao động hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc”. Mục đích hướng đến của kế hoạch là hỗ trợ, tăng cường nhận thức và năng lực nghề nghiệp cho nhà giáo ở các trường học, góp phần giảm thiểu, cố gắng chấm dứt các hiện tượng tiêu cực trong ngành.

Theo bà Nguyễn Tâm Nhân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục tỉnh, xây dựng trường học hạnh phúc thực sự ý nghĩa và là mục tiêu hướng tới của nền giáo dục. Đó là môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, xanh - sạch - đẹp, tôn trọng sự phát triển của mỗi cá nhân. Xây dựng trường học hạnh phúc sẽ dần loại bỏ những tiêu cực, những tác động xấu đến ngành giáo dục, đến nhà trường và học sinh. Bà Tâm Nhân nhấn mạnh: “Trong nhà trường, giáo viên, học sinh được tạo các điều kiện để phát triển, thể hiện, khẳng định năng lực, giá trị của bản thân. Học sinh đến trường bên cạnh học tập còn được vui chơi, trải nghiệm, rèn luyện các kỹ năng. Một môi trường hạnh phúc sẽ khơi nguồn cho sáng tạo, cống hiến và đó là nền tảng cho mọi đổi mới, chất lượng, nhất là thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018”.

PGS.TS. Đinh Thị Hồng Vân, Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Tâm lý và giáo dục, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế cho rằng, xây dựng ngôi trường hạnh phúc, không bạo lực học đường, đem lại sự an toàn cho người học là một trong những mục tiêu quan trọng của giáo dục kỷ nguyên này. Khi học sinh được học tập trong môi trường an toàn, đầy tình yêu thương, các em sẽ có đời sống tinh thần tốt và học tập tốt.

Sứ mệnh của trường học là đào tạo chủ nhân tương lai của đất nước. Ngoài kiến thức, nhà trường cần trang bị cho các em kỹ năng sống, sinh tồn, bảo vệ chính mình, kỹ năng làm việc và hòa nhập xã hội. Đây cũng là “lá chắn” bảo vệ các em khỏi các tệ nạn xã hội luôn tìm cách len lỏi vào học đường.

(Còn nữa)

Bài, ảnh: MINH HIỀN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/giao-duc/kien-tao-truong-hoc-hanh-phuc-bai-1-ap-luc-tu-truong-hoc-148389.html