Kiến tạo tương lai mới cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) chính là con đường ngắn nhất, là yếu tố có ý nghĩa sống còn để Việt Nam thực hiện khát vọng phát triển nhanh, bền vững, bao trùm, và tự chủ, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.
Đây là khẳng định của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng tại Chương trình “Ngày hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5” năm 2025, chiều 16/5 tại Bộ KH&CN.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng tham quan các gian trưng bày sản phẩm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong khuôn khổ sự kiện.
Khoa học, công nghệ mang lại ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, ngày 18/5 hàng năm là Ngày KH&CN Việt Nam. Chúng ta khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội lần thứ nhất Hội phổ biến khoa học, kỹ thuật Việt Nam năm 1963: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi...”. Khoa học không chỉ nằm trong phòng thí nghiệm, trên trang sách, mà phải đi vào cuộc sống, giải những bài toán lớn của Quốc gia, mang lại ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân. “Hôm nay, chúng ta có mặt tại đây để kỷ niệm, tôn vinh và đặc biệt là cùng nhau khẳng định quyết tâm kiến tạo một tương lai mới cho KHCN&ĐMST và chuyển đổi số của đất nước” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: Phát triển KH&CN là quốc sách hàng đầu; giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tinh thần này tiếp tục được cụ thể hóa và nâng tầm trong các Nghị quyết quan trọng của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN&ĐMST và chuyển đổi số Quốc gia. Nghị quyết 57 đã xác định KHCN&ĐMST và chuyển đổi số phải thực sự trở thành đột phá chiến lược, động lực chính để đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại sự kiện.
Ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, cống hiến và kết quả mà toàn ngành Khoa học và Công nghệ, cùng cộng đồng các nhà khoa học, DN đã đạt được, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, nhìn lại chặng đường vừa qua, chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của KHCN&ĐMST trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ những sáng kiến kỹ thuật phục vụ chiến trường đến các công trình xây dựng vĩ đại, từ việc đảm bảo an ninh lương thực đến chủ động sản xuất vaccine, từ những nghiên cứu khoa học cơ bản đạt tầm khu vực, quốc tế đến sự bứt phá mạnh mẽ trong Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu, đưa Việt Nam liên tục giữ vị trí dẫn đầu trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp và cải thiện thứ hạng đáng kể.
Đặc biệt, khoa học xã hội và nhân văn đã góp phần quan trọng trong việc làm sáng tỏ lý luận, cung cấp cơ sở khoa học cho hoạch định đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, khẳng định bản sắc văn hóa, con người Việt Nam. Những thành tựu đó là minh chứng sống động cho trí tuệ, lòng say mê và tinh thần cống hiến của đội ngũ trí thức Việt Nam.
Hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý, cởi trói cho KHCN&ĐMST
Thế giới đang bước vào một giai đoạn chuyển đổi sâu sắc, được dẫn dắt bởi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với những bước tiến vũ bão của AI, dữ liệu lớn, IOT, công nghệ sinh học, năng lượng mới, và đặc biệt là xu hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số toàn cầu. Đây là thách thức lớn, nhưng đồng thời là cơ hội vàng để Việt Nam bứt phá vươn lên.

Các tập thể, cá nhân được vinh danh vì có nhiều thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành khoa học và công nghệ.
Trong bối cảnh đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ xác định rõ: KHCN, ĐMST và chuyển đổi số chính là con đường ngắn nhất, là yếu tố có ý nghĩa sống còn để Việt Nam thực hiện khát vọng phát triển nhanh, bền vững, bao trùm và tự chủ, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045. KHCN&ĐMST không chỉ là động lực tăng trưởng kinh tế, mà còn là nền tảng để xây dựng một Việt Nam số an toàn, nhân văn, thịnh vượng; là công cụ chiến lược để nâng cao năng suất lao động, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, và nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân.
Để hoàn thiện các mục tiêu này, Phó thủ tướng đề nghị hoàn thiện thể chế để tạo hành lang pháp lý, cởi trói cho các lĩnh vực KHCN&ĐMST. Phó Thủ tướng yêu cầu đưa thể chế thành cầu nối lan tỏa đến các nhà khoa học và DN. Tiếp theo, để phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Quốc gia, cần quan tâm mô hình phát triển công tư, có thực chất để đưa người dân DN trở thành trung tâm.
Mặt khác, cần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu cơ bản, làm chủ công nghệ chiến lược, công nghệ lõi. Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt để phát triển các xu hướng của thế giới mà Việt Nam có tiềm năng như AI, bán dẫn, công nghệ sinh học. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trao quyền tự chủ cho các nhà khoa học, đội ngũ tri thức. Thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ trong mọi lĩnh vực của đời sống, từ kinh tế đến xã hội, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế trong giai đoạn mới.
Thêm vào đó, đẩy mạnh ngoại giao khoa học, tranh thủ tri thức và công nghệ của thế giới, tham gia vào mạng lưới toàn cầu, đưa khoa học Việt Nam ra thế giới và trở thành cầu nối đưa những công nghệ mới đến Việt Nam. Nâng cao tiêu chuẩn đo lường và chất lượng, nâng cao vị thế hàng hóa Việt Nam, đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người dân.
Khơi gợi niềm đam mê khoa học công nghệ, tôn vinh các nhà khoa học, tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa các mô hình thành công cho thế hệ trẻ. “Chúng ta sẽ thắng lợi những mục tiêu chiến lược về đổi mới khoa học công nghệ, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình” – Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng tin tưởng.
Chia sẻ các cam kết hành động của Bộ KH&CN trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng nêu các trụ cột chiến lược gồm: hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách thúc đẩy nghiên cứu - đổi mới - ứng dụng công nghệ. Bên cạnh đó, tập trung khơi thông nguồn vốn, đa dạng hóa hình thức tài trợ, đơn giản hóa quy trình hỗ trợ nghiên cứu. Đặc biệt, tái định vị vai trò DN - từ đối tượng thụ hưởng thành chủ thể dẫn dắt sáng tạo và thương mại hóa công nghệ. Ưu tiên phát triển các công nghệ trọng điểm như AI, vi mạch, sinh học, năng lượng mới, công nghệ số - làm nền tảng bứt phá. Thúc đẩy liên kết viện - trường - DN - Nhà nước để hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn diện.