Kiên Thành bảo tồn cây chè Shan tuyết
Bản Khe Loóng 1 thuộc vành đai rừng Tầm Khầm, thôn Đồng Ruộng, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên nằm ở độ cao gần 1.000 m so với mực nước biển. Nơi đây, ngoài đa dạng thảm thực vật, trữ lượng gỗ quý thì còn một số lượng lớn cây chè Shan tuyết cổ thụ mọc tự nhiên có tuổi đời trên trăm năm tuổi. Hiện nay, xã đang có những giải pháp để bảo tồn cây chè Shan.
Theo số liệu điều tra của Hạt Kiểm lâm huyện Trấn Yên và Tổ quản lý bảo vệ rừng cộng đồng thôn Đồng Ruộng, xã Kiên Thành, hiện nay, bản Khe Loóng 1 còn 218 cây chè cổ thụ với đường kính từ 12 - 48 cm, cao từ 5 - 15 m, tương đương với tuổi đời trên 100 năm; đường kính từ 5 - 10 cm có 317 cây và đường kính dưới 5 cm có khoảng 1.000 cây, nằm rải rác trên diện tích gần 4 ha rừng hỗn giao. Xác định đây là loại cây quý, chất lượng cao, nên đã nhiều năm nay bà con thôn Đồng Ruộng đã thu hái và bảo tồn cây chè Shan.
Ông Giàng A Giống - thôn Đồng Ruộng xã Kiên Thành cho hay: "Nhiều năm nay bà con chúng tôi thường xuyên thu hái lá cây chè cổ thụ này về uống. Đặc trưng của giống chè này rất khác với những loại chè khác, nước xanh, thơm và đậm đà”.
Do sống trong môi trường lạnh, kháng sâu bệnh nên cây chè Shan tuyết ở đây không tốn công chăm sóc, đầu tư và đặc biệt là chất lượng chè ngon, được người dân rất ưa chuộng. Với đặc tính quý hiếm này của cây chè Shan, xã Kiên Thành đã giao cho Tổ Quản lý bảo vệ rừng cộng đồng thôn Đồng Ruộng quản lý, khai thác, cải tạo diện tích chè Shan.
Chỉ tính những cây chè thấp có thể thu hoạch được, bình quân mỗi năm, người dân cũng thu hái trên 3 tấn chè búp tươi, trị giá trên 40 triệu đồng và hạt để ươm cây giống.
Ông Giàng A Sáu - Tổ trưởng Tổ quản lý bảo vệ rừng cộng đồng thôn Đồng Ruộng cho biết: "Ban Quản lý chúng tôi thường xuyên cử người trông coi, không cho người dân chăn thả gia súc vào rừng, nhằm mục đích vừa bảo vệ rừng, vừa bảo vệ cây chè. Chúng tôi rất mong muốn được các cấp, các ngành quy hoạch để bảo tồn, cải tạo và trồng mới vào những diện tích đất trống để người Mông chúng tôi có thêm thu nhập”.
Để bảo tồn giống chè Shan tuyết cổ thụ gắn với sinh kế cho đồng bào Mông thôn Đồng Ruộng, năm 2006, Dự án Phát triển rừng nhiệt đới bền vững đã đầu tư 4.000 USD để trồng mới 15 ha trên diện tích trồng trọt của người Mông chuyển về xã Hồng Ca để lại.
Tuy nhiên, do Dự án không kéo dài và thiếu kinh nghiệm chăm sóc nên diện tích cây chè còn sống chỉ còn chiếm khoảng 1/4 diện tích và nằm trên địa bàn 2 xã là xã Mỏ Vàng của huyện Văn Yên, xã Kiên Thành của huyện Trấn Yên, trong đó diện tích đất còn trống của huyện Trấn Yên là gần 1,6 ha.
Nhằm phủ xanh đất rừng, tạo sinh kế cho người dân, nhất là bảo tồn giống chè quý, sau khi điều tra, khảo sát và tiếp thu nguyện vọng của nhân dân, huyện Trấn Yên đã và đang trình các cấp có thẩm quyền cho phép người dân thôn Đồng Ruộng được bảo tồn, cải tạo và trồng rừng phòng hộ bằng cây chè Shan tuyết trên những diện tích đất trống.
Ông Hoàng Ngọc Chấn - Phó Chủ tịch UBND xã Kiên Thành khẳng định: "Hàng năm, hạt chè ở những cây cổ thụ rụng xuống, cây con mọc lên rất nhiều. Vì đây là rừng tự nhiên phòng hộ nên chúng tôi không đánh ra trồng theo kỹ thuật mà chỉ để cây chè mọc tự nhiên. Nếu được các cấp các ngành đồng ý thì chúng tôi sẽ tiến hành trồng vào diện tích gần 1,6 ha đất trống và dưới tán rừng, nhằm tạo thêm sinh kế cho người dân, từ đó người dân sẽ quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn”.
Trấn Yên đã và đang là một trong số vùng chè chất lượng cao trọng điểm của tỉnh Yên Bái, được người tiêu dùng đánh giá cao. Do đó, nếu bảo tồn, phát triển thêm diện tích chè Shan tuyết ở xã Kiên Thành sẽ giúp người trồng chè Trấn Yên phát triển được đa dạng các sản phẩm về chè. Làm được điều này và cùng với cây tre măng Bát độ, xã Kiên Thành có thêm một loại cây trồng mũi nhọn nữa, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân vùng cao nơi đây.
Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/298105/kien-thanh-bao-ton-cay-che-shan-tuyet.aspx