Kiên trì bám trụ làm giàu ở biên giới (bài 3)

Xã biên giới Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông được chọn trồng thí điểm 190 héc ta cây mắc ca. Sau một thời gian ngắn, người dân đã phát triển lên trên 600 héc ta. Từ 'cây nhà nghèo' có những ưu thế vượt trội như dễ trồng, dẻo dai, lại ít đầu tư. Cây mắc ca ở Quảng Trực còn được 'thiên phú' cho vùng khí hậu, thổ nhưỡng tuyệt vời để cây ra trái 2 vụ/năm. Một hiện tượng hiếm gặp, có thể đạt mức thu nhập nhà giàu trên vùng biên giới cực Nam Tây Nguyên.

Bài 3: Mắc ca - “cây nhà nghèo” cho thu nhập cao

“Máy in tiền” trên… ngọn cây

“Nhờ cây mắc ca mà gia đình bà Thị Nớ đang làm ngôi nhà trên 1 tỷ đồng. Hắn (Thị Nớ) là nhóm người trồng mắc ca đầu tiên của vùng này. Năm ngoái, nhà mình và nhà Nớ sắm 2 cái máy bóc vỏ mắc ca đầu tiên của bon. Do nhà mình trồng sau, nên vừa rồi chỉ thu được 70 triệu đồng thôi. Năm nay, cây lớn hơn, chắc chắn sẽ thu được nhiều tiền” - Ông Điểu Tol, Bí thư Chi bộ bon Bu Prăng 1, xã Quảng Trực giới thiệu với chúng tôi. Gia đình ông Điểu Tol trồng xen canh cây mắc ca vào diện tích khoảng 1 héc ta cà phê. Hằng năm, ngoài nguồn tiền từ cây mắc ca, ông còn thu thêm 2 tấn cà phê, cùng mấy tạ lúa.

Ông Điểu Tol tại rẫy trồng mắc ca của nhà mình. Ảnh: Hải Luận

Ông Điểu Tol tại rẫy trồng mắc ca của nhà mình. Ảnh: Hải Luận

Vào thăm nhà bà Thị Nớ, chúng tôi được chứng kiến công trình nhà ở hoành tráng nhất vùng đang xây dựng. Tất cả đều nhờ vào nguồn tiền thu hoạch từ việc trồng cây mắc ca. “Năm 2012, tỉnh Đắk Nông triển khai chương trình trồng thử nghiệm mắc ca ở vùng Quảng Trực. Ban đầu, gia đình tôi được cấp một ít giống để trồng, sau đó tự bỏ tiền mua thêm, diện tích cứ thế tăng dần lên. Kỳ thu hoạch đầu tiên, thấy có hiệu quả kinh tế cao, tôi mạnh dạn mua thêm đất trồng mắc ca và đã phủ kín tổng diện tích 7 héc ta. 2 năm trước, gia đình tôi thu hoạch được 2 tấn hạt mắc ca, bán được 200 triệu đồng. Năm vừa rồi cũng kiếm được 300 triệu đồng. Đây chỉ là lứa cây đầu tiên, vẫn còn mấy héc ta mới trồng năm thứ 3, thứ 4, chưa ra trái. Mục tiêu của vợ chồng tôi là phải trồng được 10 héc ta cây mắc ca” - Ông Trần Đăng Minh (chồng bà Thị Nớ), Phó Chủ tịch HĐND xã Quảng Trực tính toán.

Đang chuyện trò say sưa, thấy bà Thị Nớ vác 1 bao mắc ca từ rẫy về nhà. Nghe chồng giới thiệu có nhà báo lên tìm hiểu cây mắc ca, bà Thị Nớ, Phó Bí thư Đảng ủy xã Quảng Trực tâm sự: “Ngày thứ Bảy, tranh thủ đi hái số mắc ca già trước, nếu không nó rụng xuống hư hết. Hiện tại, 1 kg trái tươi bán tại bon là 120.000 đồng, cái bao này ít nhất cũng có giá trị vài triệu đồng. Mắc ca ở đây giống như “máy in tiền” trên ngọn cây. Đầu năm ra trái lứa thứ nhất, đến cuối năm lại cho ra trái lứa thứ hai. Chỉ có vùng đất Quảng Trực mới được như thế này, nhờ nhiệt độ ban đêm luôn ổn định từ 18-210C, năng suất luôn vượt trội so với các vùng chuyên canh mắc ca khác. Đây là lý do vùng đất Quảng Trực có tốc độ phát triển cây mắc ca tăng mạnh qua từng năm”.

Ông Trần Đăng Minh kiểm tra những trái mắc ca vừa thu hoạch. Ảnh: Hải Luận

Ông Trần Đăng Minh kiểm tra những trái mắc ca vừa thu hoạch. Ảnh: Hải Luận

Sang thăm bon Bu Prăng 2, xã Quảng Trực để tiếp tục tìm hiểu về cây mắc ca, chúng tôi được cảm nhận niềm vui của bà con nông dân vùng biên giới khi sắp sửa bước vào mùa thu hoạch. Bu Prăng 2 là bon của đồng bào dân tộc thiểu số Mơ Nông mới được thành lập, với 88 hộ gia đình, 295 nhân khẩu. Khu dân cư này cũng đạt 100% số hộ gia đình trồng cây mắc ca, trong đó, nhà nhiều nhất như hộ gia đình bà Thị Pem trồng 5.000 cây (năm 2020 thu được 3 tấn hạt, trị giá trên 300 triệu đồng), nhà ít cũng được trên dưới 500 gốc.

“Mắc ca vùng này đa số cây còn non, hộ nào trồng sớm nhất cũng chỉ mới năm thứ 7, còn lại đa số chỉ mới 3-4 năm tuổi. Cây mắc ca đến năm thứ 10 chẳng khác gì cây cổ thụ, năng suất đạt gấp nhiều lần so với thời điểm thu hoạch năm thứ 2. Nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp nên dưỡng chất trong hạt mắc ca ở đây cao hơn nhiều so với các vùng chuyên canh khác, kể cả bên Úc (Australia)” - Trưởng bon Bùi Minh Hải thông tin.

- Anh đã đi sang Úc tham quan rồi à? - Tôi hỏi.

- Mấy giáo sư, tiến sĩ ở viện nghiên cứu ngoài Hà Nội vào bon Bu Prăng 2 nghiên cứu mắc ca, họ nói cho dân biết như thế.

Gắn kết cộng đồng để tránh bị ép giá

“Thóc ở đâu, bồ câu ở đó”, hàng trăm héc ta cây mắc ca ở xã Quảng Trực chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch cũng là lúc thương lái tấp nập “ghé thăm”. Giá bán cũng lên xuống phập phù, trong khi việc tiếp cận thông tin của bà con vẫn còn chậm, rất dễ bị ép giá. “Con buôn nói khó tin lắm, lúc thì cho rằng, do tồn đọng hàng ở kho, khi thì bảo trái nhỏ, màu xấu để ép giá nông dân. Nhiều người trong bon đã bán mắc ca thấp hơn hàng chục giá (hàng chục nghìn đồng)” - ông Điểu Tol, Bí thư Chi bộ bon Bu Prăng 1 chia sẻ.

Từ thực trạng này khiến cho người nông dân trên vùng biên giới cực Nam Tây Nguyên phải tính toán đến việc liên kết để bảo vệ quyền lợi. Một số mô hình liên kết đã bắt đầu được hình thành như Hợp tác xã Nông nghiệp xanh Tuy Đức, xây dựng được vùng nguyên liệu hơn 200 héc ta cây mắc ca, với 35 thành viên chính thức và 100 thành viên liên kết. Hiện tại, hợp tác xã này đã hoàn thành các thủ tục xây dựng thương hiệu, xếp hạng sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) cấp huyện, cấp tỉnh. Các tiêu chí về mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, nhãn hiệu hàng hóa, mẫu mã sản phẩm mắc ca Tuy Đức cũng đã làm xong.

Cán bộ Đồn Biên phòng Đắk Dang, BĐBP Đắk Nông luôn hỗ trợ ông Điểu Tol về thông tin nông sản. Ảnh: Hải Luận

Cán bộ Đồn Biên phòng Đắk Dang, BĐBP Đắk Nông luôn hỗ trợ ông Điểu Tol về thông tin nông sản. Ảnh: Hải Luận

Cùng với đó, các đại lý thu mua mắc ca do chính người sản xuất đứng ra làm chủ cũng đã được tính toán đến. “Nhiều người ở bon Bu Prăng 1 và Bu Prăng 2 đã trồng cây mắc ca với số lượng lớn. Hai vợ chồng tôi cùng làm lãnh đạo xã, mình phải đi tiên phong trong việc sản xuất nông nghiệp mang tính hàng hóa để giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Vợ chồng tôi bàn tính sẽ lập ra trạm thu mua mắc ca tại bon để người nông dân không phải chịu cảnh bị ép giá. Hướng tiếp theo phải thành lập hợp tác xã, gắn kết cộng đồng lại trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Làm nông nghiệp cần nghĩ đến chuỗi liên hoàn từ chăm sóc, thu hoạch, phơi sấy, đến đóng gói…, làm thế nào đó đạt được giá bán tương đương với ngoài thị trường. Nhu cầu tiêu thụ mắc ca của thị trường trong nước là rất lớn, chưa đủ để xuất khẩu” - Bà Thị Nớ chia sẻ.

Bài 4: Bí thư chi bộ thôn “mê” làm giàu

Hải Luận - Thái Nga

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/kien-tri-bam-tru-lam-giau-o-bien-gioi-bai-3-post442480.html