Kiên trì mục tiêu kiềm chế lạm phát

Yếu tố nào khiến chỉ số giá bình quân quý I-2020 tăng cao, dự báo thời gian tới cũng như những giải pháp nhằm đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% như Quốc hội đã đề ra là nội dung cuộc trao đổi giữa phóng viên Báo Hànôịmới với ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng. Ảnh: Quang Thái

- Xin ông cho biết diễn biến và những nguyên nhân chủ yếu khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 giảm khá mạnh?

- CPI tháng 3 giảm 0,72% so với tháng 2, nhưng tăng 4,87% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính thì có tới 7 nhóm có chỉ số giá giảm. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu là giá xăng dầu điều chỉnh giảm 2 đợt vào ngày 29-2 và 15-3. Bình quân giá xăng dầu tháng 3 giảm 9,83% so với tháng trước và làm CPI chung giảm 0,43%. Tiếp theo, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nên nhu cầu đi lại, du lịch, lễ hội của người dân giảm; từ đó giá vé máy bay giảm 41,14%; giá vé tàu hỏa giảm 11,71%; dịch vụ du lịch trọn gói giảm 4,87% so với tháng 2.

- Ông có thể giải thích rõ vì sao CPI tháng 2 và tháng 3 giảm, nhưng bình quân CPI quý I-2020 lại tăng tới 5,56% so với cùng kỳ năm 2019 và là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2016-2020?

- Bình quân CPI quý I-2020 tăng chủ yếu do giá thực phẩm “đứng” ở mức cao; trong đó tác nhân chính là giá thịt lợn tăng 58,8%, đã làm CPI tăng 2,47% (trong mức 5,56%). Trên thực tế, giá thịt lợn tăng liên tục từ tháng 7-2019, do nguồn cung thiếu hụt bởi ảnh hưởng của bệnh Dịch tả lợn châu Phi và chi phí của các khâu trung gian luôn ở mức cao.

- Theo ông, cần những biện pháp gì để chủ động kiềm chế CPI?

- Ngay từ đầu năm, Tổng cục Thống kê đã đề xuất các kịch bản điều hành lạm phát năm 2020; trong đó CPI quý I và quý II là yếu tố quan trọng để đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4%. Do đó, Tổng cục Thống kê kiến nghị Chính phủ chỉ đạo không điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý trong 6 tháng đầu năm; Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương bảo đảm nguồn cung thịt lợn, kiểm soát chặt chẽ thị trường. Mục tiêu hướng tới là đưa giá thịt lợn về mức 60-65 nghìn đồng/kg nhằm bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng, lợi ích của doanh nghiệp và ổn định vĩ mô. Theo tôi, giá xăng dầu đang trong xu thế giảm và giá thịt lợn từng bước được khống chế sẽ góp phần giữ ổn định CPI trong quý II-2020.

- Ông dự báo CPI cả năm sẽ ở mức nào?

- Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp gây tâm lý không tốt đối với người tiêu dùng. Để giữ CPI bình quân năm 2020 dưới 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra là khó khăn vì quý I bình quân CPI đã tăng 5,56%. Hiện, Tổng cục Thống kê cập nhật hai kịch bản dự báo CPI năm 2020. Kịch bản 1 là bối cảnh giá lương thực, thực phẩm chỉ tăng cao vào dịp lễ, Tết; ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài đến quý III-2020; giá xăng dầu giảm mạnh; giá thịt lợn hơi bình quân ở mức 60.000-65.000 đồng/kg..., dự báo CPI bình quân cả năm 2020 so với năm 2019 tăng 3,4%-3,8%.

Kịch bản 2, nếu giá thực phẩm tăng thêm 2% (trong đó giá thịt lợn hơi bình quân năm 2020 trong khoảng 75.000-80.000 đồng/kg); ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong khi giá nguyên vật liệu, giá xăng dầu tăng, cùng với yếu tố thiên tai xảy ra..., dự báo, CPI bình quân năm 2020 so với năm 2019 tăng 4,2%-4,5%.

Nói chung, việc kiềm chế lạm phát phụ thuộc nhiều điều kiện, yếu tố. Tuy nhiên, tôi tin rằng với quan điểm kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, lạm phát năm 2020 có thể đạt được mục tiêu dưới 4%.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Hồng Sơn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-thoai/962972/kien-tri-muc-tieu-kiem-che-lam-phat