Kiên trì mục tiêu xuất khẩu gạo đạt 5 tỷ USD

1 tháng sau khi Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo, giá gạo xuất khẩu Việt Nam có giảm nhẹ, song vẫn ở cao. Giới chuyên gia đánh giá, 2 tháng cuối năm 2024, hoạt động xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục ổn định và sớm cán mốc 5 tỷ USD như mục tiêu đề ra.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao

Trên thị trường thế giới, lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ đối với gạo trắng không phải basmati (loại gạo đặc sản nổi tiếng của Ấn Độ và khu vực Nam Á) từ ngày 20/7/2023 đã có tác động sâu rộng đến giá gạo xuất khẩu toàn cầu trong hơn một năm qua, đẩy giá lên mức cao nhất trong 15 năm.

Việt Nam đặt mục tiêu giá trị kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2024 đạt 5 triệu USD. Ảnh minh họa

Việt Nam đặt mục tiêu giá trị kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2024 đạt 5 triệu USD. Ảnh minh họa

Ngày 28/9/2024, Chính phủ Ấn Độ đã đình chỉ lệnh cấm xuất khẩu gạo đối với gạo xay xát không phải gạo basmati, chấm dứt lệnh cấm kéo dài hơn 14 tháng. Việc gạo tẻ thường của Ấn Độ quay lại thị trường đã gây áp lực giảm giá rõ rệt lên các loại gạo phổ thông, như gạo 5% và 25% tấm của Việt Nam.

Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm của Việt Nam ngày 2/11 ở mức 524 USD/tấn, giảm 34 USD so với cuối tháng 9/2024; gạo 25% tấm ở mức 495 USD/tấn và gạo 100% tấm ở mức 427 USD/tấn, giảm 25-30 USD/tấn so với cuối tháng 9/2024. Tương tự, giá gạo của Thái Lan cũng giảm về mức khoảng 508 USD/tấn, giảm 32 USD/tấn so với tháng trước và đây là mức giá thấp nhất trong hơn 1 năm qua.

Như vậy ở thời điểm hiện tại, giá gạo xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam cao hơn 16 USD/tấn so với gạo cùng loại của Thái Lan và cao hơn 46 USD/tấn so với gạo cùng loại của Ấn Độ. Giá xuất khẩu gạo từ các nước khác đã giảm mạnh và một số đã giảm xuống dưới 500 USD/tấn kể từ tháng 7/2023.

Đối ngược với giá gạo xuất khẩu, giá gạo nguyên liệu trong nước lại tăng, đang gây áp lực lên các doanh nghiệp thu mua lúa gạo và xuất khẩu. Theo hệ thống khảo sát giá nông sản, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giá gạo nguyên liệu IR 504 Hè Thu hiện dao động ở mức 10.550 - 10.700 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 có giá 12.600 - 12.750 đồng/kg.

Lý giải nguyên nhân khiến giá gạo trong nước đang diễn biến ngược chiều so với giá gạo thế giới, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Đỗ Hà Nam cho hay, do ảnh hưởng của bão lũ trong tháng 9/2024 khiến hàng trăm héc ta lúa ở miền Bắc bị ảnh hưởng, dẫn đến nguồn cung gạo trong nước giảm. Trong 2 tháng cuối năm, nguồn cung gạo không còn dồi dào, vì vậy một số doanh nghiệp xuất khẩu phải tăng nhập lúa gạo từ các nước láng giềng để trả đơn hàng xuất khẩu những tháng cuối năm.

Tăng khả năng thích ứng, duy trì chất lượng gạo ổn định

Nhiều chuyên gia nhận định, hiện nay giá gạo có điều chỉnh giảm, tuy nhiên vẫn ở mức tương đối cao, vẫn thuận lợi cho các doanh nghiệp. Việc cần làm là các doanh nghiêp xuất khẩu gạo Việt Nam phải luôn đảm bảo, duy trì được chất lượng gạo giữa các lô hàng. Tiếp đến, phải đảm bảo yếu tố cạnh tranh, tránh những hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh để phá giá gạo. Bởi, điều đó cũng sẽ gây ảnh hưởng không chỉ đến rất nhiều DN xuất khẩu gạo của đất nước.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng năm 2024, xuất khẩu gạo đạt gần 7,8 triệu tấn, giá trị 4,86 tỷ USD, tăng 10,2% về khối lượng và tăng 23,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng đầu năm 2024 trung bình đạt 626,2 USD/tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị, doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước ngoài việc tiếp cận xuất khẩu sang thị trường mới phải luôn quan tâm duy trì đảm bảo vị thế số 1 xuất khẩu gạo của Việt Nam tại thị trường Philippines.

Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Philippines, hiện nay, Thái Lan cũng đang tìm cách gia tăng sản lượng, thị phần xuất khẩu gạo vào Philippines và cạnh tranh với gạo của Việt Nam. Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam phải tiếp tục giữ vững và đảm bảo chất lượng gạo ổn định, không ngừng nâng cao chất lượng các sản phẩm gạo xuất khẩu. Qua đó góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu, giữ được giá bán ổn định và không để xảy ra cạnh tranh về giá giữa các doanh nghiệp.

Theo Phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải, việc Ấn Độ nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu gạo, đương nhiên sẽ kéo giá gạo của các quốc gia xuất khẩu chính trên thế giới xuống, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo theo dõi sát thị trường gạo thế giới và trong nước, có tính toán thận trọng, chắc chắn khi chào giá đối với các lô hàng xuất khẩu để bảo đảm hiệu quả kinh doanh và giữ uy tín cho gạo Việt Nam.

Ông Trần Thanh Hải cũng lưu ý, trước biến động thị trường thì chỉ số thích ứng của doanh nghiệp cực kỳ quan trọng vì mỗi năm đều có một kịch bản mới và không có bài học kinh nghiệm nào từ năm trước có thể áp dụng hiệu quả cho năm sau.

Gạo hiện vẫn là ngành hàng thiết yếu trên thế giới cũng như Việt Nam, nên thời gian tới, cơ hội sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực này còn rất lớn. Ðiều cần thiết là doanh nghiệp xuất khẩu cần tăng khả năng thích ứng và độ linh hoạt cao để tận dụng hiệu quả các cơ hội này.

Ánh Ngọc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/kien-tri-muc-tieu-xuat-khau-gao-dat-5-ty-usd.html