Kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, tự cường

Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022 khẳng định mạnh mẽ thông điệp nhất quán về kiên định ổn định vĩ mô, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, tự cường.

Sau một ngày làm việc, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022 với chủ đề "Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững" đã bế mạc chiều 18/9.

Diễn đàn do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đồng tổ chức, vừa khẳng định tinh thần đồng hành của Quốc hội với Chính phủ trong tiến trình phục hồi và phát triển đất nước, vừa cho thấy cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất đang nỗ lực nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động.

Phiên toàn thể và tọa đàm cấp cao chiều 18/9

Phiên toàn thể và tọa đàm cấp cao chiều 18/9

Các báo cáo, tham luận tại phiên thảo luận toàn thể diễn ra vào chiều nay cho thấy, trong bối cảnh kinh tế - chính trị, xã hội trên thế giới có nhiều biến động, tiềm ẩn rủi ro đối với kinh tế-xã hội Việt Nam, kết quả đạt được trong 8 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng, cho thấy quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị để vượt qua thách thức, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội hướng đến phát triển bền vững.

Nhiều khuyến nghị, đề xuất chính sách về phát triển kinh tế xanh, kinh tế số - xu thế tất yếu, một động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế vì mục tiêu phát triển bền vững; đánh giá năng lực chống chịu và tính tự cường của nền kinh tế - nội dung mang tính thời sự - để các cơ quan chức năng tham khảo.

Những động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi và phát triển bền vững… cũng được các chuyên gia trong nước và quốc tế chia sẻ, đề xuất trực tiếp và trực tuyến tại Phiên toàn thể.

Phát biểu bế mạc Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau một ngày làm việc sôi nổi, trách nhiệm và khẩn trương, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022 đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.

Theo Chủ tịch Quốc hội, với Phiên toàn thể - Tọa đàm cấp cao và 2 Phiên chuyên đề, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022 đã thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội, của người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2022

Điểm lại nội dung chính trao đổi tại Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội cho biết, diễn đàn lần này ghi nhận nhiều ý kiến nhưng có sự thống nhất và đồng thuận cao. Đề cập đến các nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội nhắc lại, nhiều ý kiến cho rằng lạm phát cao của thế giới là do đứt gãy nguồn cung, không phải do chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận, tùy từng giai đoạn, nguyên nhân của lạm phát có lúc do yếu tố đứt gãy nguồn cung, có lúc có yếu tố tiền tệ và có lúc có sự tác động cả hai yếu tố. Vì lẽ này, để có thể thực hiện kiên định chính sách đang thực thi, theo Chủ tịch Quốc hội, phải đánh giá được nguyên nhân thực trạng.

Lãnh đạo Quốc hội cũng đề nghị các cơ quan lưu ý để nghiên cứu, phân tích đối với nhận định cho rằng dự toán thu ngân sách quá thận trọng khiến Việt Nam tự thu hẹp không gian của chính sách tài khóa.

Về room tín dụng, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ Tư vừa qua của Quốc hội đã giải đáp vấn đề này. “Kinh tế vĩ mô của chúng ta có những điểm khác, không nóng vội được” - Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận.

Vẫn theo Chủ tịch Quốc hội, câu chuyện không chỉ là tổng mức tín dụng mà quan trọng còn là cơ cấu tín dụng và chất lượng tín dụng, phải tiếp tục tính toán cơ cấu tín dụng để đưa dòng vốn vào khu vực kinh tế thực, khu vực có dư địa tăng trưởng.

Với các thị trường như thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu Chính phủ, thị trường bất động sản…, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, đây đều là “mạch máu” của nền kinh tế, do vậy cần bảo đảm lưu thông lành mạnh, bền vững, tiếp tục hoàn thiện thể chế khơi thông nguồn lực, khắc phục khiếm khuyết và tạo điều kiện phát triển các loại thị trường, thông suốt thị trường trong nước và kết nối với quốc tế…

Người đứng đầu Quốc hội cũng yêu cầu tăng cường cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh. “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô đi liền tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, đồng thời xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, tự cường là thông điệp rất mạnh mẽ và diễn đàn đã đạt được các kết quả rất tốt” - Chủ tịch Quốc hội khẳng định.

Hải Triều

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/kien-tri-giu-vung-on-dinh-kinh-te-vi-mo-giu-vung-tinh-tu-cuong_137129.html