Kiên trì ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế
Kết quả tăng trưởng GDP quý II/2025 ước đạt 7,96% và 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 7,52% (đạt mức cao nhất của 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 2011-2025) được bà Nguyễn Thị Hương - Cục trưởng Cục Thống kê (Bộ Tài chính) đánh giá là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị.

Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô trong nước 6 tháng đầu năm 2025 tiếp tục ổn định. Ảnh minh họa: ST
Nỗ lực, quyết liệt vì mục tiêu tăng trưởng GDP
6 tháng đầu năm, với quyết tâm cao nhất huy động và khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, cả hệ thống chính trị đã tập trung hoàn thành khối lượng công việc rất lớn để triển khai thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy Chính phủ, sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
Đồng thời, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ các quy định pháp luật liên quan, quy định phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền gắn với tổ chức chính quyền địa phương hai cấp; triển khai các Nghị quyết lớn của Trung ương về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, hội nhập quốc tế, đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, phát triển kinh tế tư nhân...
Cùng với việc theo dõi chặt chẽ những biến động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước, các bộ, ngành, địa phương nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm đạt mục tiêu đề ra.
Kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2025 của nước ta đạt được kết quả rất tích cực, tiệm cận mục tiêu đề ra trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực còn nhiều bất ổn.
Bà Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh, có thể thấy dưới sự lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự chỉ đạo, quản lý điều hành quyết liệt, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sự ủng hộ, đồng hành của doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức trước những biến động nhanh, bất thường của khu vực và thế giới, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định.
Song song với đó, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức tăng khá; khách quốc tế đến nước ta đạt mức tăng cao.
Theo bà Nguyễn Thị Hương, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với mức tăng trưởng ổn định, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu trong nước và tăng cường xuất khẩu; sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao nhất trong 5 năm qua.
Đáng chú ý, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước; thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm; an sinh xã hội được quan tâm và thực hiện kịp thời, rộng khắp.
Nhìn về 6 tháng cuối năm, Cục trưởng Cục Thống kê nhận định, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động không nhỏ từ các biến động về kinh tế, chính trị, dịch bệnh, thiên tai khó dự báo.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% của năm 2025 là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của Chính phủ, doanh nghiệp, nhân dân cả nước và sự ủng hộ, hỗ trợ của ban bè quốc tế.
Đặc biệt, các ngành, các cấp tăng cường cập nhật, dự báo tình hình, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, kiên định thực hiện hiệu quả mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống của người dân - bà Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.
Tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm
Theo Cục trưởng Cục Thống kê, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8%, cần quan tâm thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, bà Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh, cần kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Liên tục cập nhật các kịch bản về tăng trưởng, lạm phát, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế.
Cần theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, tình hình quốc tế, khu vực; chủ động phân tích, dự báo, kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước; đảm bảo nguồn cung và mức giá phù hợp đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của nhân dân.
Thứ hai,đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thúc đẩy quan hệ thương mại hài hòa, bền vững; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và thị trường xuất khẩu gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm; tham gia sâu, rộng hơn vào các chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu. Khai thác hiệu quả các cơ hội từ 17 FTA đã ký kết; đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn, chủ lực. Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài, nhất là chính sách thuế, quy định, tiêu chuẩn, điều kiện có thể tác động đến hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam.
Phải có chính sách ưu đãi, cạnh tranh, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi để thu hút các dự án lớn, dự án công nghệ cao..., thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam. Thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài; phát huy nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước.
Cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương
Thứ ba,có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời hơn để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng tiếp theo của năm 2025, đặc biệt các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm và các chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án giao thông chiến lược, sân bay, cảng biển, đường bộ cao tốc, dự án liên vùng, liên tỉnh.
Thứ tư,đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng hiện đại hóa, nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm các ngành công nghiệp có lợi thế; phát triển các lĩnh vực công nghiệp mới nổi như chip, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo và các ngành công nghiệp hỗ trợ, đảm bảo an ninh năng lượng. Thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức xúc tiến, quảng bá du lịch nhằm tăng cường thu hút khách du lịch để đạt mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam.
Thứ năm, thực hiện có hiệu quả và kịp thời các chính sách an sinh xã hội; trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống; tăng cường kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu của hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các ngành, lĩnh vực công nghiệp mới. Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh; chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ rừng nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân./.