Chính quyền 2 cấp: Cán bộ là cốt lõi thành công của chính quyền đặc khu
Mặc dù tuần làm việc đầu tiên diễn ra cơ bản suôn sẻ trên tất cả các lĩnh vực, tuy nhiên, những khó khăn của việc vận hành mô hình đặc khu đối với vùng biển đảo đã xuất hiện.

Thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công đặc khu Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh. (Nguồn: Truyền thông và Văn hóa Cô Tô)
Cô Tô là vùng biển đảo nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, là một trong 2 đặc khu của tỉnh Quảng Ninh sau sắp xếp.
Sau một tuần vận hành, Bí thư Đảng ủy Đặc khu Cô Tô Lê Ngọc Hân chia sẻ công tác cán bộ là yếu tố quan trọng quyết định đến sự thành công của mô hình chính quyền địa phương 2 cấp nói chung, Đặc khu Cô Tô nói riêng.
Khó trong vận hành
Cùng với cả nước, ngày 1/7, bộ máy đảng, chính quyền, đoàn thể Đặc khu Cô Tô chính thức vận hành.
Mặc dù tuần làm việc đầu tiên diễn ra cơ bản suôn sẻ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh-quốc phòng, tuy nhiên, những khó khăn của việc vận hành mô hình đặc khu đối với vùng biển đảo đã xuất hiện.
Trong sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức có nhiều sự thay đổi, do đó một số cán bộ còn mất thời gian làm quen với công việc mới được giao, tiến độ công việc tại một số vị trí, bộ phận chưa cao; việc tham mưu một số nhiệm vụ vẫn còn chậm, thiếu chủ động so với yêu cầu.
Bà Lê Ngọc Hân, Bí thư Đảng ủy Đặc khu Cô Tô, cho biết hiện nay, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của đặc khu chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu công việc mới; có tới 95% cán bộ, công chức cấp xã không được đào tạo bài bản.
Toàn đặc khu chỉ có số ít cán bộ được đào tạo chính quy, chuyên sâu. Hiện nay, đặc khu không có cán bộ nào có chuyên môn về quy hoạch, xây dựng, tài chính-kế hoạch, đầu tư, quản lý giáo dục và quản lý du lịch.

Thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công đặc khu Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh. (Nguồn: Truyền thông và Văn hóa Cô Tô)
Ông Nguyễn Hải Linh, Trưởng Phòng Văn hóa-Xã hội Đặc khu Cô Tô chia sẻ: "Tuần đầu làm việc khá vất vả, phòng quản lý tới 6 lĩnh vực, với khối lượng công việc nhiều, nhưng đội ngũ cán bộ, công chức của phòng chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của công việc. Hiện, phòng có 15 người, nhưng có 1 phó trưởng phòng và 4 công chức đang xin nghỉ chế độ. Hơn nữa, số lượng công chức từ cấp xã cũ về chưa thực sự bắt nhịp với công việc mới, trong khi áp lực công việc phải giải quyết nhanh, gấp, thậm chí là trong ngày. Mảng quản lý giáo dục của phòng đang bị bỏ trống do chưa có người có trình độ chuyên môn này."
Biến thách thức thành cơ hội
Bí thư Đảng ủy đặc khu Cô Tô Lê Ngọc Hân cho hay việc vận hành chính quyền đặc khu ở Cô Tô tuy còn gặp khó khăn, song cũng là thời cơ để cán bộ, công chức tự học tập, tự hoàn thiện bản thân để vươn lên đáp ứng nhu cầu công việc trong tình hình mới.
Trong lúc nguồn nhân lực chưa thể bổ sung, thay thế, khó có thể cùng lúc đào tạo lại, theo bà Lê Ngọc Hân, trí tuệ nhân tạo (AI) là công cụ hữu ích nhất cho cán bộ, công chức để vừa tự học tập, bồi dưỡng kiến thức, vừa ứng dụng vào xử lý công việc chuyên môn. Cán bộ, công chức trong thời đại mới phải tận dụng được các nền tảng số, công cụ số, giải pháp số và dữ liệu số phục vụ công vụ.

Trung tâm phục vụ hành chính công đặc khu Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh. (Nguồn: Truyền thông và Văn hóa Cô Tô)
Muốn làm được vậy, cán bộ, công chức phải tự giác, tự nhận rõ trách nhiệm của mình trong việc tự bồi dưỡng kiến thức, trình độ chuyên môn lĩnh vực mình quản lý.
Sự tự giác này khi chưa trở thành quy chế thì cán bộ, công chức có thể làm hoặc không làm, sự chuyển biến về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức sẽ không cao.
Hơn nữa, đa số cán bộ, công chức hiện nay sử dụng các phần mềm trí tuệ nhân tạo miễn phí nên tính năng không cao, hiệu quả công việc không lớn.
Do vậy, Bí thư Đảng ủy Đặc khu Cô Tô đề xuất tỉnh cần có chính sách đầu tư, trang bị cho mỗi cán bộ, công chức cấp xã, phường, đặc khu một trợ lý ảo phục vụ trong công việc.
Tiếp đến, các xã, phường, đặc khu cũng tùy theo nhu cầu mà đầu tư, nâng cấp phần mềm trợ lý ảo cho phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương, từ đó xây dựng đội ngũ cán bộ số, công chức số, giúp công việc ở cấp xã, phường, đặc khu đạt hiệu quả cao.
Tuy nhiên, trước mắt, để giải quyết khó khăn về nhân lực, lãnh đạo Đặc khu Cô Tô yêu cầu các cán bộ, công chức, viên chức nâng cao tinh thần trách nhiệm xử lý công việc hiệu quả, đúng thời hạn.
Các bên liên quan tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các đơn vị liên quan để bàn giải pháp, có đề xuất cụ thể cá nhân phù hợp cần trưng dụng, biệt phái để đảm bảo nhiệm vụ hoạt động quản lý nhà nước./.