Sẽ có 3 nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Bộ Tài chính đã xây dựng 3 dự thảo nghị định làm khung pháp lý cho việc đầu tư, giám sát, cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhằm hiện thực hóa các quy định mới của Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Luật số 68/2025/QH15) có hiệu lực từ 1/8.
Ngày 9/7, Bộ Tài chính tổ chức hội thảo lấy ý kiến các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, tổ chức tín dụng và cơ quan liên quan đối với 3 dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Luật số 68/2025/QH15).
Theo Bộ Tài chính, ngày 14/6/2025, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Luật số 68/2025/QH15), Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2025. ư
Để triển khai thực hiện Luật số 68/2025/QH15, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã chủ trì đối với 03 dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật số 68/2025/QH15, gồm: Dự thảo Nghị định quy định một số nội dung về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Dự thảo Nghị định quy định về giám sát, kiểm tra, đánh giá, xếp loại, báo cáo và công khai thông tin trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Dự thảo Nghị định về cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Về dự thảo Nghị định quy định một số nội dung về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp:
Dự thảo Nghị định đã quy định cụ thể các nội dung: về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, gồm: phạm vi, thẩm quyền đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, trong đó việc sử dụng các nguồn nội tại của doanh nghiệp được phân cấp mạnh cho Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đơn giản hóa thủ tục trong quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư vốn; về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ từ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ, bao gồm các nội dung như: chiến lược phát triển, kế hoạch kinh doanh hằng năm, việc xác định lại vốn điều lệ, huy động vốn, cho vay vốn, đầu tư, bán tài sản cố định của doanh nghiệp, bảo toàn và phát triển vốn của doanh nghiệp, chuyển nhượng vốn đầu tư của doanh nghiệp, chuyển nhượng dự án đầu tư; phân phối lợi nhuận sau thuế, việc cơ cấu lại vốn của doanh nghiệp.
Về dự thảo Nghị định quy định về giám sát, kiểm tra, đánh giá, xếp loại, báo cáo và công khai thông tin trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp:
Dự thảo Nghị định có nhiều quy định mới, góp phần khắc phục những hạn chế trong công tác giám sát, kiểm tra, đánh giá xếp loại doanh nghiệp, như việc giám sát, kiểm tra được thực hiện theo 3 cấp: Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu và giám sát nội bộ của doanh nghiệp; hướng dẫn cụ thể việc tổ chức triển khai, trách nhiệm trong giám sát, kiểm tra đối với từng chủ thể giám sát.
Việc giao chỉ tiêu, đánh giá, xếp loại đối với doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; đánh giá kết quả hoạt động của doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ theo hướng các chỉ tiêu đánh giá có thể định lượng; bảo đảm tính khả thi trong việc giao kế hoạch và đánh giá; nâng cao trách nhiệm của Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, người đại diện phần vốn nhà nước trong việc bám sát tình hình sản xuất kinh doanh, dự báo xu hướng phát triển và biến động thị trường.
Việc đánh giá người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, người đại diện phần vốn nhà nước, kiểm soát viên được quy định theo 4 mức: hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành và không hoàn thành.
Về dự thảo Nghị định về cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp:
Dự thảo Nghị định thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng và nhà nước về đổi mới, cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước; khắc phục những tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn thời gian vừa qua và quy định chi tiết các nội giao Chính phủ tại chương 4 Luật số 68/2025/QH15, cụ thể:
Kế thừa quy định còn phù hợp về cổ phần hóa doanh nghiệp, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số nội dung về phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa, việc yêu cầu các doanh nghiệp cổ phần hóa phải thực hiện đăng ký giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán để phù hợp với quy định về quản lý, sử dụng tài sản công, quy định của Luật chứng khoán…
Cơ bản kế thừa các quy định hiện hành về chuyển đổi doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty TNHH hai thành viên trở lên, về chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên, về chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, về hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể doanh nghiệp. Đồng thời, hướng dẫn cụ thể về giải thể giải thể công ty nông, lâm nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều theo các quy định về xử lý tài chính như các doanh nghiệp khác, sau đó mới xác định các khoản kinh phí còn thiếu đề nghị NSNN hỗ trợ; bổ sung quy định xác định giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất thuê hàng năm trong giá khởi điểm…
Bổ sung quy định về chuyển giao dự án đầu tư, vốn, tài sản giữa các doanh nghiệp; chuyển giao quyền mua cổ phần, quyền ưu tiên mua cổ phần, quyền mua phần vốn góp để làm cơ sở thực hiện.
Theo Bộ Tài chính, những nội dung đổi mới của Luật và các Nghị định quy định chi tiết sẽ góp phần khơi thông các nguồn lực hiện có trong doanh nghiệp có vốn nhà nước, tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, xứng đáng là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, tiếp tục dẫn dắt và tạo động lực phát triển cho nền kinh tế và các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Hải Nam