Kiên trì với nghề để thành công

Với ý chí vượt khó, ham học hỏi, anh Nguyễn Đăng Quý (sinh năm 1979), thôn Chấp Lễ, xã Vĩnh Chấp đã trở thành ông chủ của cơ sở chuyên cung cấp nguyên liệu, máy móc dây chuyền sản xuất và gia công các loại hương sạch quy mô lớn nhất huyện Vĩnh Linh.

 Anh Nguyễn Đăng Quý (ngoài cùng, bên phải) hướng dẫn người lao động gia công hương tại cơ sở sản xuất -Ảnh: N.T

Anh Nguyễn Đăng Quý (ngoài cùng, bên phải) hướng dẫn người lao động gia công hương tại cơ sở sản xuất -Ảnh: N.T

Những ngày tháng 7/2022, không khí làm việc tại cơ sở chuyên cung cấp nguyên liệu, máy móc dây chuyền sản xuất và gia công các loại hương Phú Quý tất bật hơn ngày thường. Chủ cơ sở, anh Nguyễn Đăng Quý cho biết: “Nhân công đang tập trung đẩy nhanh tiến độ để kịp giao những đơn hàng trong tỉnh và một số địa phương lân cận như Quảng Bình, TP. Huế. Trong năm có 2 đợt cao điểm sản xuất ở cơ sở là tháng 7 khi cả nước hướng đến những hoạt động tri ân các anh hùng liệt sĩ và dịp tết cổ truyền dân tộc. Bình thường cơ sở có 5 - 7 lao động nhưng vào 2 đợt trên chúng tôi phải cần gấp đôi nhân lực”.

Tính đến nay, anh Quý đã có đến 18 năm gắn bó với nghề sản xuất hương. Năm 2004, sau thời gian dài làm thuê khắp nơi trang trải cuộc sống và phụ giúp gia đình, anh Quý quyết tâm về lại quê lập nghiệp bằng nghề làm hương sạch mà anh dành tâm huyết học tập ở các làng nghề tại tỉnh Bình Định.

Thuộc vùng gò đồi huyện Vĩnh Linh, xã Vĩnh Chấp vốn không có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế, mô hình sản xuất lúc bấy giờ chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi, vì thế mở xưởng sản xuất hương là hướng đi hoàn toàn mới ở địa phương này.

Giai đoạn đầu khởi nghiệp, anh Quý gặp không ít khó khăn. Với số vốn khoảng 5 triệu đồng, chưa thể đầu tư máy móc hiện đại, do đó sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún. Mặt khác sản phẩm làm ra chưa đạt về hình thức, mẫu mã so với sản phẩm có trên thị trường.

Nhận thấy để phát triển sản xuất, đủ sức cạnh tranh, ngoài kiến thức, kinh nghiệm, cần phải chuyển đổi công nghệ sản xuất, vì thế, giai đoạn 2008- 2015, anh Quý đầu tư vốn mua thêm máy xay, trộn bột, máy làm hương tự động công suất lớn.

Nhờ đó, sản phẩm làm ra đảm bảo cả về mặt chất lượng và thẩm mỹ, nhận về phản hồi tích cực. “Là sản phẩm cam kết 3 không: không hóa chất, không độc hại, không hương liệu; làm bằng nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên từ các loại cây như: trầm, quế, bài… thân thiện với môi trường và an toàn cho người sử dụng, hương Phú Quý dần được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưu tiên lựa chọn đặt hàng.

Từ động lực này, tôi mở rộng quy mô sản xuất, tìm hiểu, cho ra đời nhiều dòng sản phẩm hương, giá bán sỉ từ 3.000 - 20.000 đồng/ốp, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đánh giá cao hiệu quả của mô hình, năm 2021, huyện Vĩnh Linh hỗ trợ kinh phí khuyến công để bổ sung máy móc, nâng cao công suất hoạt động”, anh Quý chia sẻ.

Hiện cơ sở sản xuất của anh Quý có diện tích 1.200 m2 gồm nhà xưởng, kho, khu vực đóng gói sản phẩm; hệ thống máy móc, trang thiết bị… tổng đầu tư trên 800 triệu đồng. Mỗi tháng cung ứng ra thị trường hơn 5 tấn hương thương phẩm. Lợi nhuận gần 300 triệu đồng/năm.

Ngoài sản xuất, gia công hương, cơ sở của anh Quý còn xay nguyên liệu và cung cấp cho nhiều cơ sở sản xuất hương trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, anh còn hợp tác với một số doanh nghiệp cung cấp, lắp rắp dây chuyền máy móc sản xuất hương tự động và dạy nghề làm hương trên địa bàn 2 tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Chấp Lê Đức Quang Huy cho biết: “Cơ sở cung cấp nguyên liệu, máy móc sản xuất, gia công các loại hương của anh Quý là mô hình sản xuất, kinh doanh tiêu biểu tại địa phương. Hiện Hội Nông dân xã đang hướng dẫn để cơ sở xây dựng thương hiệu sản phẩm, đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ, khuyến khích để người dân học tập, nhân rộng mô hình.

Từ đó thúc đẩy đa dạng hóa ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương”.

Nguyễn Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=169352&title=kien-tri-voi-nghe-de-thanh-cong-