Kiên trì xây dựng 'phòng tuyến' của Đảng ở biên giới (bài 5)
'Bây giờ mà đầu tư vào đất làm ruộng lúa nước ở xã Ia Lốp chỉ có trúng 100%, em có 3ha ở sát kênh thủy lợi, giá 1,2 tỷ đồng, coi như chạy 400 triệu đồng/ha. Trước mắt làm lúa kiếm đồng lời, vài ba năm sau, giá đất lên cao, bán chốt lời mấy tỷ bạc' - một 'cò đất' chào mời khi chúng tôi vào vai những người đi mua đất.
Bài 5: Hạt thóc giữ vững kinh tế
Nước về đến đâu là màu xanh phủ kín đến đó
Tay “cò đất” kia cho biết thêm: “Mức giá 400 triệu đồng/ha là đất chưa san ủi thành làm ruộng lúa nước, phải thêm cỡ 30 triệu đồng làm đất bằng phẳng, chỉ cần mở nước vô là chảy khắp ruộng. Dịch vụ ủi san đất chuyên nghiệp, sử dụng công nghệ tia laze đo mặt phẳng rất chuẩn xác, không cần phải tốn thêm tiền cải tạo. Thời điểm này, dân dưới thị trấn Ea Súp lên mua đất làm lúa nước quá trời”.
Để thực hiện loạt phóng sự này, chúng tôi bắt đầu điểm xuất phát từ hồ thủy lợi Ia Mơr, thuộc huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, đi dọc theo kênh Chính Đông dài gần 50km đến xã Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk. Mặc dù tháng 5, cuối mùa khô Tây Nguyên, hồ chứa thủy lợi Ia Mơr đã cạn xuống mức thấp nhất, nhưng nước chảy ở kênh Chính Đông vẫn tràn đầy.
Do phải sống chung với “cơn khát” đã khá lâu nên khi nước về là bức tranh vùng nông thôn xã Ia Lốp ngay lập tức được phủ một màu xanh của các loại cây trồng. Ông Hà Văn Tự, thôn Lầu Nàng chia sẻ: “Nhà tôi có tổng cộng 2ha đất sản xuất, trong đó có 4 sào lúa nước. Vụ đầu tiên do chưa thuần đất, độ phì nhiêu còn thấp nên chỉ thu hoạch được 1,4 tấn lúa. Chuẩn bị cho vụ Hè Thu tới đây, tôi tập trung cải tạo đất bằng cách cày sâu, rải thật nhiều phân chuồng, chắc chắn sẽ đạt năng suất cao hơn rất nhiều”.
Xóa hết hộ đói
Từ vùng biên giới hoang vu, đến nay, vùng đất mới Ia Lốp và Ia Rvê đã hình thành được 24 thôn với 4.068 hộ/13.301 nhân khẩu, thuộc 19 dân tộc anh em cùng nhau sinh sống. Nếu như ở thời điểm đầu triển khai dự án, gần 100% hộ dân thuộc diện đói, nghèo thì nay xã Ia Lốp và Ia Rvê không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo cũng đã giảm xuống 57,2%.
Nhờ có tiềm lực tài chính khá hơn, ông Hoàng Văn Mão, ở thôn Đoàn đã đầu tư gần 100 triệu đồng cải tạo 1,5ha thành ruộng lúa nước 2 vụ. Vụ Đông Xuân vừa qua, năng suất lúa nhà ông đạt trên 12 tấn. Thấy những người hàng xóm đầu tư cải tạo cánh đồng lúa nước hiệu quả, ông Lang Văn Yêu, thôn Đoàn cũng quyết tâm chuyển đổi với niềm tin nước về là nụ cười nông dân cũng sẽ đến.
“Kinh tế gia đình tôi xếp vào hàng khó khăn, phải vay mượn thêm mới có đủ 40 triệu đồng thuê xe ủi cải tạo 1ha đất trồng màu sang trồng lúa nước. Phải chạy đua với thời gian, dưới kia máy san ủi thì trên này cả nhà đang tập trung khơi mương, thả ống cho kịp xuống giống vụ Hè Thu. Mong trời thương vụ này làm được vài tấn lúa. Ở xã Ia Lốp vẫn còn nhiều hộ gia đình chưa chuyển đổi đất màu sang trồng lúa nước, do không có tiền thuê máy móc san ủi, mặc dù rất muốn. Phải chi ngân hàng vào cuộc cho bà con chúng tôi vay vốn, sẽ ăn nên làm ra ngay. Nói thật với các anh, nông dân chúng tôi ở đây có nước là có tất cả” - ông Lang Văn Yêu vừa làm, vừa bày tỏ nỗi lòng.
Thông tin từ ông Nguyễn Tất Đắc, Bí thư Đảng ủy xã Ia Lốp, trong những năm từ 2010-2017, giá đất sản xuất nông nghiệp ở xã Ia Lốp, bà con tự chuyển nhượng với nhau dao động từ 25-30 triệu đồng/ha. Hiện tại đã đẩy lên gấp hàng chục lần (300-400 triệu đồng/ha) nhờ có hệ thống thủy lợi đưa nước từ Gia Lai sang. Người dân khắp nơi đến Ia Lốp tìm mua đất trồng xoài, trồng lúa nước, tạo nên hiện tượng mua bán, sang nhượng đất khá sôi động.
“Kênh dẫn nước lớn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư, còn các kênh dẫn nước đi về các thôn, nội đồng do tỉnh Đắk Lắk đầu tư. Theo quy hoạch khi có đủ nguồn nước tưới, xã Ia Lốp sẽ phát triển diện tích lúa nước lên 4.000ha. Với tốc độ như hiện nay, chỉ ít năm nữa thôi, xã Ia Lốp sẽ trở thành một trong những vựa lúa lớn của tỉnh Đắk Lắk, vùng trồng cây ăn trái tầm cỡ trên địa bàn Nam Tây Nguyên. Cây lúa sẽ là nền tảng phát triển kinh tế bền vững của xã” - ông Đắc chia sẻ.
Tập trung “gỡ” những nút thắt
Bà Trần Lệ Thủy, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ia Rvê kể câu chuyện ẩn chứa bao trăn trở: “Có một lãnh đạo Trung ương đến thăm xã Ia Rvê, hỏi tôi về định hướng phát triển kinh tế của xã cần trồng cây gì, nuôi con gì? Trung ương cho xã nước, xã không xin gạo, xin muối. Có nước, chúng tôi tự biết cách làm giàu. Mỗi lần đi tiếp xúc cử tri, bà con trong xã thân tình hỏi: Út ơi (tên thường gọi của Bí thư Đảng ủy xã), khi nào có nước về vậy? Sự khát khao cháy bỏng trong cộng đồng dân cư, chờ đợi các công trình thủy lợi đưa nước về thôn”.
Có nước là có tất cả. Nhìn sang “người anh em” song sinh bên cạnh (xã Ia Lốp) là sẽ thấy ngay thủy lợi đã bắt đầu làm khởi sắc bộ mặt nông thôn biên giới. Còn với xã Ia Rvê, “cơn khát” chưa biết đến lúc nào được giải nhiệt?
Đã có ý tưởng làm kênh dẫn nước từ xã Ia Lốp sang xã Ia Rvê, song điều này dường như nằm ngoài “tầm với” của tỉnh Đắk Lắk, bởi còn liên quan đến sức chứa của hồ thủy lợi Ia Mơr thuộc tỉnh Gia Lai quản lý. Chưa hết, nguồn vốn đầu tư làm kênh mương là rất lớn, vượt quá khả năng đối với nguồn ngân sách hiện tại của huyện Ea Súp.
Trong buổi chiều trời nắng như đổ lửa, bà Trần Lệ Thủy dẫn chúng tôi xuống thăm một số thôn đang rất khao khát nguồn nước tưới. Dọc đường đi là hình ảnh hàng chục ha đất trồng điều cằn cỗi bị người dân chặt bỏ để chuyển sang trồng mì (sắn), một loại cây mang tính giải pháp tình thế. Toàn xã Ia Rvê đang canh tác 6.600ha, vừa rồi được huyện Ea Súp đầu tư kinh phí làm hệ thống thủy lợi dẫn nước từ hồ Ea Súp thượng để tưới cho khoảng 130ha ruộng lúa. Theo tính toán của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, nếu đầu tư làm hệ thống kênh mương dẫn nước từ xã Ia Lốp về xã Ia Rvê, sẽ có trên 1.800ha dưới theo hình thức tự chảy, 1.650ha tưới động lực (có trạm bơm đẩy lên cao).
Giải thích về những điều trăn trở từ cơ sở, ông Ngô Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho chúng tôi biết: “Tỉnh và huyện đang gấp rút giải quyết 70m kênh chính chưa làm xong, do vướng mắc khâu giải phóng mặt bằng. Khi gỡ được nút thắt này thì nước sẽ cơ bản về được hết các thôn của xã Ia Lốp. Còn câu hỏi nước thủy lợi từ lòng hồ Ia Mơr lúc nào sẽ về đến xã Ia Rvê, có lẽ phải chờ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời. Bộ sẽ tính toán năng lực tưới của hồ chứa Ia Mơr cho diện tích cây trồng của tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk, rồi mới có thể tìm nguồn vốn đầu tư hệ thống kênh dẫn nước về xã Ia Rvê”.
Trồng cây ăn trái ở vùng đất xã Ia Lốp và Ia Rvê giống như đánh bạc, phải chấp nhận cuộc chơi thắng - thua. Thực tế cho thấy, đã có nhiều người thắng lớn, nhưng cũng có không ít người thua đau, bởi không ai có thể định đoán được thiên nhiên, nhất là với vùng đất mưa xuống là ngập, nắng lên là hạn như vùng biên Ea Súp. Nước được ví như “át chủ bài” trong sản xuất nông nghiệp đối với mọi vùng nông thôn, trong đó có Ia Lốp và Ia Rvê. Có nước là sẽ có màu xanh, màu cây trái, mùa cuộc sống ấm no, Ý Đảng, lòng dân sẽ càng quyện chặt nhau hơn.