Kiến trúc đô thị và nông thôn Việt Nam thay đổi nhanh, nhiều thành công

Đây là nội dung được đề cập tại hội thảo 'Kiến trúc Việt Nam - 50 năm thống nhất đất nước' do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức ngày 20/5. Sự kiện thuộc Chương trình tổng kết 50 năm nền Văn học Nghệ thuật Việt Nam sau đất nước thống nhất (1975-2025).

Chia sẻ những góc nhìn đa diện về phát triển kiến trúc Việt Nam

Khai mạc hội thảo, KTS Đặng Kim Khôi, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư (KTS) Việt Nam nhấn mạnh: Hội thảo được Hội KTS Việt Nam dày công chuẩn bị với sự phối hợp tham gia của các Hội KTS Hà Nội, Hội KTS TP.HCM, các Hội, Chi hội KTS địa phương và giới KTS trên toàn quốc.

Trao chứng nhận cho các diễn giả tham dự hội thảo.

Hội thảo chia sẻ góc nhìn đa diện về những thành tựu và tồn tại, đề xuất phương hướng, giải pháp, đóng góp cho sự phát triển của kiến trúc Việt Nam bền vững, hiện đại và có bản sắc.

TS.KTS Dương Đức Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội nhận định, nửa thế kỷ đã trôi qua, kiến trúc Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, với hàng vạn công trình trên cả nước.

Trong xu thế hiện nay, kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng đang được lan tỏa rộng rãi. Không chỉ vậy, nhiều công trình của KTS Việt Nam đạt những giải thưởng danh giá, uy tín, ghi nhận dấu ấn trưởng thành của KTS trong nước.

Tại Hà Nội, Thủ đô ngàn năm văn hiến, kiến trúc đóng vai trò quan trọng, nòng cốt nhằm hiện thực hóa những quy hoạch, chú trọng bảo tồn phát triển không gian đô thị, không gian công cộng…

"Có thể khẳng định, với vị thế và tầm vóc của Hà Nội, không thể bỏ qua vai trò của Hội KTS Việt Nam. Thành phố cam kết sẽ tạo điều kiện để Hội phát huy vai trò của mình", TS.KTS Dương Đức Tuấn nhấn mạnh.

4 xu hướng phát triển kiến trúc Việt Nam hiện đại

Tại hội thảo, GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông, Chủ tịch Hội đồng Kiến trúc Hội KTS Việt Nam điểm lại thành tựu phát triển "Kiến trúc Việt Nam - 50 năm Đất nước thống nhất".

Theo đó, sau 50 năm thống nhất đất nước, với gần 40 năm mở cửa, hội nhập quốc tế, bộ mặt kiến trúc đô thị và nông thôn ở nước ta thay đổi nhanh với nhiều thành công, nhưng vẫn còn hạn chế…

Trước năm 1975, KTS ở hai miền đều ý thức sâu sắc về văn hóa truyền thống, nên đã sáng tạo nhiều công trình kiến trúc mới mang tinh thần văn hóa dân tộc. Ở miền Bắc là xu hướng Hiện đại xã hội chủ nghĩa. Ở miền Nam là xu hướng Hiện đại quốc tế, Hiện đại nhiệt đới và Hiện đại dân tộc.

Từ năm 1986, công cuộc Đổi mới, hội nhập quốc tế thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, theo đó nhu cầu xây dựng tăng cao, giới KTS có nhiều cơ hội hành nghề cùng với sự tham gia của KTS nước ngoài.

Năm 2019, Luật Kiến trúc và Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam ra đời tạo điều kiện thuận lợi cho kiến trúc phát triển. Kế thừa thành tựu của giai đoạn trước, kiến trúc hiện đại Việt Nam đang từng bước định hình theo hướng tiệm cận với thế giới.

Tuy vậy, kiến trúc vẫn chưa thực sự khẳng định được bản sắc riêng. "Vì thế, không chỉ say nghề mà còn vì danh dự quốc gia, các KTS vẫn miệt mài sáng tạo cho tương lai của kiến trúc Việt Nam để có thể sánh cùng với kiến trúc thế giới", GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông nhận định.

Lĩnh vực quy hoạch đô thị và nông thôn có những bước tiến vượt bậc. Đô thị hóa diễn ra với tốc độ nhanh. Đến đầu tháng 3/2025, cả nước có 916 đô thị, tỷ lệ đô thị hóa hơn 44%. Kinh tế đô thị thời kỳ đầu chiếm 30% và hiện nay đóng góp 70% GDP cả nước. Chất lượng và môi trường đô thị không ngừng được cải thiện.

Phương pháp luận quy hoạch đã có những thay đổi tích cực, từ quy hoạch xã hội chủ nghĩa phù hợp kinh tế kế hoạch hóa sang quy hoạch đáp ứng nhu cầu của kinh tế nhiều thành phần… Quy trình và nội dung quy hoạch được đổi mới theo hướng tích hợp, rút gọn và linh hoạt để phù hợp sự phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Nhận diện kiến trúc Việt Nam 50 năm, GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông cho rằng, có 4 xu hướng và phong cách kiến trúc chính. Đó là xu hướng kiến trúc hiện đại quốc tế với đại diện là kiến trúc cao tầng như tòa tháp Bitexco, Lanmark 81.

Xu hướng kiến trúc hiện đại nhiệt đới thích ứng với môi trường khí hậu và văn hóa địa phương như công trình Cung thiếu nhi Hà Nội, Nhà hát Hòa Bình, Bảo tàng lịch sử quốc gia...

Xu hướng kiến trúc hiện đại dân tộc kết hợp hiện đại với truyền thống với đại diện là công trình Đài tưởng niệm đôi bờ Hiền Lương, Bảo tàng thế giới cà phê, Yên tử Legacy....

Xu hướng kiến trúc hiện đại bản địa và kiến trúc xanh như công trình cải tạo chợ Đồng Xuân, Flamingo...

"Đây là xu hướng tiến bộ, được ưa chuộng trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Tất cả góp phần tạo nên sự đa dạng và đặc trưng của kiến trúc đương đại Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa", GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông nhận định.

Đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản kiến trúc, đô thị, GS.TS.KTS Nguyễn Quốc Thông cho rằng, trong nửa thập kỷ qua, lĩnh vực này đã có được nhiều dấu ấn. Hệ thống di sản kiến trúc, đô thị trên cả nước đã được đầu tư bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị có hiệu quả trong phát triển kinh tế xã hội.

Nhiều di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo đã trở thành những sản phẩm du lịch - văn hóa có giá trị, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Di sản Thiên nhiên - Văn hóa thế giới Tràng An, Ninh Bình, Cố đô Huế, Khu phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn...

Cung thiếu nhi Hà Nội là đặc trưng của lối kiến trúc hiện đại nhiệt đới hài hòa với khí hậu địa phương.

Phấn đấu phát triển nền kiến trúc bền vững

Đề cập thành tựu nửa thế kỷ phát triển và đổi mới công tác quy hoạch đô thị và nông thôn Việt Nam, ThS.KTS Lã Thị Kim Ngân, Ủy viên Ban thường vụ Hội KTS Việt Nam nhận định: 50 năm, một chặng đường không quá dài, nhưng đủ để chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ của quy hoạch đô thị nông thôn. Từ những bản vẽ mang tính kiến thiết đất nước thời hậu chiến đến những đô thị thông minh sinh thái, hiện đại, điểm dân cư nông thôn mới…

"Quy hoạch không chỉ là công cụ để tổ chức không gian, mà còn là sự chuyển biến từ nhận thức tư duy đến hành động trước những thách thức như đô thị hóa, biến đổi khí hậu", ThS.KTS Ngân nhận định.

Bàn về quy hoạch xây dựng Thủ đô, TS.KTS Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Hội KTS Hà Nội nhận định, đến năm 2025, quá trình quy hoạch Thủ đô đạt nhiều thành tựu nổi bật, song còn nhiều thách thức như quá tải hạ tầng, ùn tắc giao thông, thiếu không gian công cộng, ô nhiễm không khí.

Do vậy, thời gian tới cần nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, gắn với cơ chế đặc thù mà Luật Thủ đô 39/2024/QH15 đã thông qua, tạo điều kiện để tăng tốc phát triển, xanh, sạch, đẹp…

Công trình trụ sở Tập đoàn Viettel (do Công ty Tư vấn thiết kế Gensler của Mỹ thiết kế) là sự kết hợp giữa công nghệ và những giải pháp thông minh.

Kết luận hội thảo, TS.KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam khẳng định, những đóng góp của giới nghề trong quá trình phát triển đất nước thời gian qua.

"Nhìn lại chặng đường 50 năm để giới KTS tự hào và cùng suy nghĩ về những khoảng trống mà lĩnh vực quy hoạch - kiến trúc còn thiếu vắng, từ đó có một tư duy mới, tầm nhìn mới, sáng tạo mới, phấn đấu đưa nền kiến trúc nước nhà phát triển bền vững, hiện đại văn minh và bản sắc, lấy con người làm trung tâm, trong kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, TS.KTS Phan Đăng Sơn chia sẻ thông điệp của giới nghề.

Ánh Dương

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/kien-truc-do-thi-va-nong-thon-viet-nam-thay-doi-nhanh-nhieu-thanh-cong-192250520173239125.htm