Kiến trúc độc đáo của nhà hát Cao Văn Lầu
Nhà hát Cao Văn Lầu (còn gọi là nhà hát 3 nón lá) là công trình có lối kiến trúc đặc sắc, độc đáo ở tỉnh Bạc Liêu, vừa được công nhận là điểm du lịch tiêu biểu vùng ĐBSCL.
Tọa lạc tại trung tâm quảng trường Hùng Vương (phường 1, TP.Bạc Liêu), nhà hát Cao Văn Lầu là một công trình kiến trúc ấn tượng, tôn vinh những giá trị văn hóa độc đáo của người dân Nam Bộ. Công trình này được biết đến với kỷ lục 3 chiếc nón lá lớn nhất tại Việt Nam.
Nhà hát Cao Văn Lầu được xây dựng theo mô hình 3 chiếc nón lá đan xen nhau. Năm 2014, nhà hát vinh dự được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) xác lập kỷ lục "Nhà hát Cao Văn Lầu có hình dạng 3 chiếc nón lá lớn nhất Việt Nam".
Đồng thời, nhà hát Cao Văn Lầu còn được độc giả, Ban tổ chức chương trình "Top 7 ấn tượng Việt Nam 2022" đề cử, bình chọn là một trong 35 điểm đến của "Top 7 ấn tượng Việt Nam 2022" ở hạng mục Công trình kiến trúc độc đáo.
Nhà hát Cao Văn Lầu do kiến trúc sư Vương Hoàng Lê (thuộc Hội Kiến trúc sư TP.HCM) thiết kế, được xây dựng nhằm tôn vinh cố nhạc sĩ tài hoa Cao Văn Lầu. Nhà hát có tổng diện tích 2.262m2, được chia làm 3 khối có hình trụ tròn, mái hình 3 chiếc nón lá khổng lồ hướng vào nhau. Chiều cao nón lớn nhất hơn 24m, đường kính hơn 45m, với mái được làm bằng tấm composite đúng như màu chiếc nón lá.
Được biết, 3 nón lá là biểu tượng cho sự gắn kết giữa ba dân tộc Kinh - Khmer - Hoa cùng chung sống trên mảnh đất này. Với kiến trúc độc đáo, ấn tượng, nhà hát Cao Văn Lầu nổi bật vẻ đẹp truyền thống mộc mạc, giản dị và quen thuộc. Công trình còn là nơi lưu giữ những giá trị vật chất và tinh thần của người dân Nam Bộ trong quá trình phát triển đời sống văn hóa, là điểm đến hấp dẫn khi du khách đến với tỉnh Bạc Liêu.
Nhà hát Cao Văn Lầu được thành lập vào tháng 2.2017, trên cơ sở sát nhập 2 đoàn nghệ thuật là đoàn cải lương Cao Văn Lầu và đoàn nghệ thuật tổng hợp Khmer với tổng số 66 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công.
Nơi đây là địa điểm tổ chức nhiều buổi biểu diễn nghệ thuật với nhiều bộ môn đặc sắc như ca cải lương, dù kê, ca múa nhạc đương đại. Những trích đoạn cải lương nổi tiếng như Đời cô Lựu, Tô Ánh Nguyệt, Bên cầu dệt lụa, Đường gươm Nguyên Bá, Tâm sự loài chim biển... sẽ được trình bày bởi các nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) và nghệ sĩ trẻ tài năng vào tối thứ 7 hằng tuần.
Có thể nói, nhà hát Cao Văn Lầu chính là cái nôi gìn giữ những giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc của vùng đất Nam Bộ. Các hoạt động văn hóa này sẽ góp phần bảo tồn những nét đẹp truyền thống quý báu; đồng thời, khuyến khích thế hệ trẻ tìm hiểu và trân trọng những giá trị tốt đẹp được cha ông để lại.
Ông Lý Vỹ Triều Dương, Phó giám đốc Sở VHTT-DL tỉnh Bạc Liêu cho biết, nhà hát Cao Văn Lầu mang tên cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu - cha đẻ của bản Dạ cổ hoài lang bất hủ. Nhà hát mang nét đẹp không chỉ ở góc độ kiến trúc mà còn hàm chứa bản sắc văn hóa độc đáo. Đây là nơi sưu tầm, bảo tồn, đào tạo, truyền nghề và phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống dân tộc.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/kien-truc-doc-dao-cua-nha-hat-cao-van-lau-225741.html