'Kiến trúc Hà Nội': Đưa di sản đến gần hơn với giới trẻ

Nhận định về cuốn sách 'Kiến trúc Hà Nội – giao thoa Việt Pháp' vừa mới ra mắt, đạo diễn Việt Linh gọi đây là tác phẩm có 3 chữ T: đầy ắp 'thông tin', chan chứa cái 'tình' và đầy 'tinh tế'.

Sáng nay (ngày 12.1) tại Đường sách TP.HCM, buổi ra mắt sách Kiến trúc Hà Nội đã được diễn ra với hai khách mời là KTS. Nguyễn Chánh Phương – Phó Tổng giám đốc AA Corporation – đơn vị khởi xướng dự án và nhà báo, nhà nghiên cứu đô thị Trần Hữu Phúc Tiến. Tại đây, ông Phương đã chia sẻ nhiều hơn về quá trình thực hiện tác phẩm, trong khi nhà báo Phúc Tiến cho thấy một cách rõ hơn giá trị và ý nghĩa to lớn của dự án này.

Nguồn cảm hứng từ thành phố cổ Florence

Chia sẻ về khởi nguồn của dự án này, KTS Nguyễn Chánh Phương cho biết cảm hứng được bắt nguồn từ thành phố cổ Florence của nước Ý, khi hàng năm có hơn 60% du khách đến đây để chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc đẹp. Ông nhận thấy Việt Nam cũng có không ít những công trình ấn tượng, vì vậy mà dự án đã được thực hiện để quảng bá thêm di sản Việt Nam cũng như thu hút thêm nhiều du khách. Đây cũng là lý do mà tác phẩm được thực hiện song song bằng hai ngôn ngữ là tiếng Pháp và tiếng Việt.

Ông Nguyễn Chánh Phương cho biết đối tượng chủ yếu mà cuốn sách muốn hướng đến là độc giả trẻ. Ảnh: Minh Anh

Ông Nguyễn Chánh Phương cho biết đối tượng chủ yếu mà cuốn sách muốn hướng đến là độc giả trẻ. Ảnh: Minh Anh

Điều này cũng cộng hưởng với tâm tư của ông Maurice Nguyễn thuộc ban cố vấn cấp cao, người là chắt của kiến trúc sư người Pháp đã góp phần xây dựng Nhà hát Lớn Hà Nội - François Charles Lagisquet. Ngoài ra, đây cũng không phải là lần đầu tiên mà AA Corporation làm một tác phẩm về kiến trúc, di sản. Theo đó một thập kỷ trước, đơn vị này cũng đã thực hiện một tác phẩm về kiến trúc Sài Gòn và được đón nhận tương đối tích cực.

Nhận định về nội dung tác phẩm, nhà báo Phúc Tiến cho biết đây là “quyển sách công phu, đồ sộ, được thực hiện vô cùng nghiêm túc, khi không chỉ là tác phẩm của một người mà là nỗ lực của một tập thể, từ nghiên cứu, hình ảnh, quay phim cho đến họa đồ…”.

Về phần mình, ông Phương cũng chia sẻ thêm về mặt chuyên môn, ấn phẩm được thực hiện bởi 3 nhóm thực hiện chính. Đầu tiên, về nội dung, ấn phẩm có sự tham gia của những kiến trúc sư và giới chuyên môn có nhiều kinh nghiệm. Trong đó KTS. Trần Quốc Bảo – giảng viên Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Trường Đại học Xây dựng) - đảm nhận phần thông tin chính. Ngoài ra nhiều ý kiến đóng góp cũng được gửi về để thêm phần hoàn thiện, chẳng hạn của chuyên gia bảo tồn Nguyễn Thành Vinh, trong khi chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phan Đăng Sơn đã giới thiệu cho đội ngũ những chuyên gia khác, giúp cho nội dung thêm phần phong phú.

Việc dịch sang tiếng Pháp cũng được thực hiện bởi nghệ sĩ trẻ Thẩm Yến Linh, trong khi đạo diễn Việt Linh góp phần làm “mềm” hóa từ ngữ để cuốn sách dễ tiếp cận với đông đảo độc giả. Các từ ngữ chuyên môn cũng được xem xét cẩn trọng bởi nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bảo tồn di tích và các kiến trúc sư…

Nhà báo Phúc Tiến khẳng định chỉ khi hiểu được di sản thì chúng mới có thể tồn tại trong cuộc đời thực. Ảnh: Minh Anh.

Nhà báo Phúc Tiến khẳng định chỉ khi hiểu được di sản thì chúng mới có thể tồn tại trong cuộc đời thực. Ảnh: Minh Anh.

Thứ hai là phần hình ảnh do nhiếp ảnh gia do Lê Minh Hoàng thực hiện. Ông Phương cho biết đây là khâu khó nhất bởi phải làm sao để các hình ảnh không chỉ đẹp mà còn giàu chi tiết và thể hiện được những điểm đặc trưng nhất của hơn 20 công trình được giới thiệu.

Anh Lê Quốc Huy, Chủ nhiệm thiết kế mỹ thuật, chia sẻ tiến độ dự án gặp nhiều khó khăn bởi với nhiều công trình công có chức năng đặc biệt như Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án Nhân dân tối cao, Nhà khách Chính phủ… thì việc tiếp cận rất bị giới hạn, nên nếu thời tiết không ủng hộ thì quá trình này lại bị kéo dài.

Và nhóm thứ ba đó là thiết kế. Anh Lê Quốc Huy cho biết do hầu hết nhóm thiết kế đều làm việc ở TP.HCM nên việc có “khoảng cách” với Hà Nội là điều không tránh khỏi. Ngoài ra, do đã có nhiều cuốn sách cùng chung đề tài, nên thách thức phải làm sao để ấn phẩm mới hơn, khác lạ hơn, phải thể hiện được tính Việt Nam trong các công trình do người Pháp xây dựng… cũng là rất lớn.

Cuốn sách Kiến trúc Hà Nội do Phanbook và NXB Thế giới ấn hành. Ảnh: Phanbook

Thiết kế tinh tế, đong đầy tình cảm

Bộc bạch về ekip của mình, ông Phương cho biết sở dĩ có nhiều người trẻ góp mặt vào dự án này là bởi ông muốn hướng đến lứa độc giả trẻ trước tiên, sau đó mới đến giới kiến trúc cũng như những người quan tâm đến lĩnh vực di sản. Cũng vì điều này mà từ ngữ, thiết kế… đều được thực hiện một cách trẻ trung, sao cho vẫn đảm bảo tính chính xác của thông tin nhưng lại dễ đọc và dễ tiếp cận.

Điều này có thể nhìn thấy thông qua hình ảnh trong sách, khi không chỉ bao gồm những bức ảnh thật, mà đó còn là việc xử lý hình ảnh để lấy công trình làm trung tâm, sau đó tách nền và “đổ” vào các sắc màu gây ấn tượng thị giác mạnh. Điều này mang đến cảm giác như đang được xem những cuốn artbook có chất lượng cao. Ngoài ra cũng có không ít những tranh minh họa vẽ tay.

Cuốn sách cũng có nhiều hình minh họa các công trình quan trọng. Ảnh: AA Corporation.

Cuốn sách cũng có nhiều hình minh họa các công trình quan trọng. Ảnh: AA Corporation.

Lý giải điều này, ông Phương cho biết trong quá trình thực hiện, khi đi thực địa, có nhiều công trình bị xuống cấp nghiêm trọng, bị sử dụng không đúng công năng hoặc vì nhiều lý do mà bị ảnh hưởng hoặc thay đổi diện mạo so với nguyên mẫu, do đó cách duy nhất để “phục dựng” chúng là sử dụng các hình minh họa.

Là một tác phẩm thực hiện bởi một ekip nhiều người, nhưng Kiến trúc Hà Nội cũng ghi dấu ấn với nhiều câu chuyện “tình cảm” bên lề thú vị. Chẳng hạn chủ nhiệm dự án là Trần Hải Anh – con gái đạo diễn Việt Linh, người từng có tiểu thuyết đồ họa Sống gây được tiếng vang tại Pháp.

Đạo diễn Việt Linh chia sẻ đây là tác phẩm giàu 3 chữ “T” - thông tin, tình và tinh tế. Ảnh: Ngọc Uyên

Đạo diễn Việt Linh chia sẻ đây là tác phẩm giàu 3 chữ “T” - thông tin, tình và tinh tế. Ảnh: Ngọc Uyên

Đạo diễn Việt Linh chia sẻ, khi làm phim Mê Thảo, thời vang bóng bà đã đi qua những công trình này không biết bao nhiêu lần nhưng lại ít chú ý. Không thể tin được mấy thập niên sau con gái của mình lại chủ nhiệm một dự án về chính những nơi này, khiến bà cảm động về di sản mà những người Pháp để lại, không chỉ đẹp mà còn tiện lợi và có tính thích nghi với điều kiện khí hậu nhiệt đới.

Chủ nhiệm dự án Hải Anh cũng chia sẻ qua công trình này cô “như nhìn thấy kiến trúc Hà Nội theo cách hoàn toàn mới để bắt đầu hứng thú, đam mê với dự án này. Tôi biết ơn quyển sách và toàn bộ ê-kíp thực hiện đã giúp tôi hiểu hơn về Hà Nội, gắn bó hơn với quê hương, đất nước Việt Nam”.

Chủ nhiệm dự án Trần Hải Anh cho biết tác phẩm này đã giúp cô đã hiểu hơn về Hà Nội và gắn bó hơn với quê hương, đất nước Việt Nam. Ảnh: Minh Anh

Chủ nhiệm dự án Trần Hải Anh cho biết tác phẩm này đã giúp cô đã hiểu hơn về Hà Nội và gắn bó hơn với quê hương, đất nước Việt Nam. Ảnh: Minh Anh

Và một chữ “tình” khác cũng có thể thấy cả trong quá khứ cũng như tương lai. Nhà báo Phúc Tiến khẳng định những người Pháp đến các vùng thuộc địa không chỉ làm ra những bản sao của nơi mẫu quốc, mà còn sáng tạo cũng như giao thoa với kiến trúc bản địa để tạo ra những công trình mới. Điều này cho thấy bên cạnh tội ác chiến tranh, thì họ cũng đã mang đến những kiến trúc thú vị mà không phải quốc gia cùng khu vực nào cũng có.

Ông dẫn chứng, Nhà khách Chính phủ tuy mang phong cách đế chế nhưng vẫn có thảm gạch mosaic hình con rồng Việt Nam, trong khi Trụ sở của Bộ Ngoại giao cũng có đến hàng trăm mái nhà đậm nét Đông Dương…

Trụ sở Bộ Ngoại giao có mái nhà đậm tính Đông Dương được tái hiện trong sách. Ảnh: AA Corporation

Trụ sở Bộ Ngoại giao có mái nhà đậm tính Đông Dương được tái hiện trong sách. Ảnh: AA Corporation

Hướng đến tương lai, ông Tiến cho biết trao truyền kiến thức, cung cấp thông tin là một trong những cốt lõi của bảo tồn di sản. Với thế hệ trẻ thì chỉ từ ngữ thôi là chưa đủ, mà cần có thêm nhiều yếu tố khác để thu hút họ, trong đó Kiến trúc Hà Nội đã làm rất tốt. Ông Tiến cũng lạc quan cho rằng chỉ khi có hiểu biết về di sản, thì khi kết hợp với chuyên môn của các ngành nghề khác nhau trong xã hội này, thì di sản mới không còn là hoài niệm mà sẽ "sống" được trong cuộc đời thực.

Kết thúc buổi tọa đàm, KTS Nguyễn Chánh Phương cho biết không chỉ Hà Nội, Sài Gòn mà Huế, Đà Lạt… cũng có rất nhiều di sản đáng được trân trọng cũng như níu giữ. Và hy vọng từ tác phẩm này, nhiều công trình khác sẽ được chú ý để “ôn cố tri tân” và giữ cho chúng tiếp tục sống mãi. Khi ấy thì những cuốn sách không còn đơn thuần là sách, mà sẽ trở thành một tác phẩm văn hóa thật sự.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/kien-truc-ha-noi-dua-di-san-den-gan-hon-voi-gioi-tre-46774.html