Trường Sa vững vàng nơi đầu sóng - Kỳ 2: Hiên ngang giữa trùng khơi

Những ai đến với Trường Sa hôm nay đều ấn tượng bởi những hòn đảo nhỏ giữa biển khơi quanh năm khí hậu khắc nghiệt, thiếu nước, thiếu mưa nhưng vẫn được phủ xanh bởi cây cối, rau xanh. Những công trình dân sinh được xây dựng bằng tình cảm của nhân dân cả nước để biến những hòn đảo nhỏ xanh thắm ấy trở thành biên cương vững chắc của Tổ quốc.

Vươn mình trong nắng gió

Những năm qua, Chương trình “Xanh hóa Trường Sa” đã góp phần tích cực thay đổi diện mạo cho huyện đảo. Đây là một trong những chủ trương lớn, trọng tâm mà Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân triển khai thực hiện để xây dựng huyện đảo Trường Sa “Mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân dân”.

Một góc đảo Song Tử Tây.

Một góc đảo Song Tử Tây.

Dù thời tiết khắc nghiệt mùa biển động song khi lên đảo Len Đao, chúng tôi vẫn bắt gặp màu xanh của các loại như: Rau muống, xà lách, bầu, bí.. được cán bộ, chiến sĩtrồng chăm chút trong từng chiếc chậu bằng đá, bằng nhựa và phủ kín xung quanh bằng những tấm tôn, lưới. Chiến sĩ Huỳnh Lộc Thọ đang làm nhiệm vụ trên đảo Len Đao chia sẻ: “Trên đảo thời tiết khắc nghiệt, mùa hạn thì thiếu nước; mùa mưa bão thì ngập úng nên để có được những luống rau này, mỗi nắm đất trồng rau, giống rau đều phải mang từ đất liền ra bỏ vào các chậu đá, chậu nhựa để trồng. Trong điều kiện khan hiếm nước ngọt, cán bộ, chiến sĩ trên đảo phải chắt chiu từng giọt nước để tưới rau”. Ở Trường Sa, ngoài những loài cây đặc trưng vốn đã quen với điều kiện nắng gió như: Tra, bàng vuông, bão táp, mù u, phi lao..., nơi đây còn có nhiều loại cây ăn quả như: Xoài, mãng cầu xiêm, măng cụt, chuối, đu đủ, dừa, dưa hấu. Giữa muôn trùng biển khơi ở Trường Sa, chúng tôi rất xúc động bắt gặp những vườn dừa xanh mướt của Bình Định, Bến Tre… trồng kỷ niệm, như tình cảm của cả nước đang ở nơi đây.

Không những chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt, cán bộ, chiến sĩ các đảo còn hình thành những vườn ươm để cung cấp giống cho các đảo khác ở quần đảo Trường Sa. Thượng úy Trần Lê Tiến Dũng - Trợ lý phòng không trên đảo Sinh Tồn Đông cho biết, thực hiện Chương trình “Xanh hóa Trường Sa”, trên đảo đã có vườn ươm thanh niên, chuyên ươm giống cây tra, bàng vuông và một số loại cây khác, ngoài trồng trên đảo Sinh Tồn Đông, còn cung cấp cho các đảo khác chưa kịp thời có giống và gửi tặng khi có các đoàn công tác ra thăm đảo. Cây bàng vuông được xem là loài cây biểu tượng của Trường Sa nên mỗi năm trên đảo ươm được 200 - 300 cây.

Các chiến sĩ chăm sóc rau xanh trên đảo Sinh Tồn.

Các chiến sĩ chăm sóc rau xanh trên đảo Sinh Tồn.

Từ âu tàu nhìn vào đảo Song Tử Tây hiện lên như một khu vườn thu nhỏ xanh ngắt. Ông Cao Văn Giáp - Phó Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây cho biết, để có được thành quả này là công sức, mồ hôi của biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã dày công chăm sóc, ươm trồng, nhân giống những cây phong ba, bão táp, mù u, bàng vuông, cây tra... Để trồng được cây xanh ở Trường Sa rất gian nan. Có những cây chăm sóc nhiều năm mới lớn lên được nhưng cứ mỗi đợt bão là hàng loạt cây xanh lại gãy đổ, bật gốc. Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo lại phải thu dọn, dựng lại cây, chăm sóc. Chính vì vậy, cây ở Trường Sa có nhiều hình thù lạ, có cây mọc lên từ chính vết gãy đổ từ bão tố, kiên cường như đất và người nơi đây.

Điểm tựa của quân và dân

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và đồng bào, chiến sĩ trên cả nước, nhiều công trình đã được xây dựng trên các đảo như: Trụ sở UBND cấp xã, trường học, bệnh xá, bãi tập đa năng, sân đáp máy bay trực thăng, âu tàu; Nhà khách Thủ đô do Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô Hà Nội tài trợ; Nhà tưởng niệm Bác Hồ do tỉnh Nghệ An tài trợ…

Hôm chúng tôi đến các đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn…, trong các trường học rộn rã tiếng thầy và trò đang miệt mài học tập, gieo chữ nơi đảo xa. Gia đình chị Trần Thị Thu Huyền và anh Phạm Văn Toản có một con gái, sinh sống trên đảo Sinh Tồn đã nhiều năm. Hôm gặp chúng tôi trong căn nhà nhỏ ấm cúng, chị Huyền vui mừng khi nhận được những thùng quà Tết gồm: Bánh, kẹo, thức ăn, vật dụng trang trí Tết… từ đất liền gửi ra. Chị Huyền chia sẻ, mỗi dịp lễ, Tết, cùng với những món quà gia đình gửi ra từ đất liền, gia đình chị còn được các đơn vị bộ đội tặng quà, chúc Tết; cùng nấu bánh chưng và tham gia các hoạt động vui xuân. Bệnh xá đảo Sinh Tồn thường xuyên tổ chức khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho các gia đình trên đảo. Với công việc thuận lợi, không khí ấm áp chan hòa tình quân dân khiến gia đình chị thêm gắn bó với mảnh đất, hòn đảo thân yêu.

Trường Sa hôm nay có hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời được đầu tư khang trang trên các đảo khiến mỗi khi màn đêm buông xuống, đảo hiện lên giữa biển trời bao la những ánh điện lung linh, cung cấp nguồn năng lượng phục vụ đời sống, sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ và người dân. Ở đảo Song Tử Tây có ngọn hải đăng sừng sững vươn cao 36m, đêm đêm thắp sáng dẫn đường cho những con tàu vượt qua vùng biển, bãi đá ngầm, bãi cạn và sóng gió. Âu tàu Song Tử Tây có khả năng chứa hàng trăm tàu cá công suất lớn. Đây là nơi neo đậu an toàn cho tàu cá của ngư dân các địa phương ra khai thác hải sản ở vùng biển quần đảo Trường Sa. Hiện nay, đảo Song Tử Tây đã có Trạm dịch vụ hậu cần nghề cá, sửa chữa, cung cấp dầu, nước ngọt cho tàu cá của ngư dân với giá bán bằng giá trong đất liền.

Các bác sỹ khám chữa bệnh cho ngư dân ở bệnh xá đảo Song Tử Tây.

Các bác sỹ khám chữa bệnh cho ngư dân ở bệnh xá đảo Song Tử Tây.

Thiếu tá chuyên nghiệp Trần Văn Tuần - Kỹ thuật viên Khoa X-quang, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, hiện đang công tác tại Bệnh xá đảo Song Tử Tây chia sẻ, được giao nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa là nhiệm vụ thiêng liêng và cao quý. Hiện nay, bệnh xá đảo đã được đầu tư khang khang, với các trang thiết bị cơ bản, có hội chẩn trực tuyến với bệnh viện để phục vụ việc khám, chữa bệnh cho quân và dân trên đảo, ngư dân vươn khơi, bám biển. “Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, trong nhiều năm qua, công tác đảm bảo sức khỏe cho quân dân trên đảo và ngư dân luôn được chú trọng. Những ca cấp cứu, phẫu thuật được xử trí và cấp cứu đảm bảo an toàn 100% về bờ theo các chuyến tàu hoặc theo máy bay trực thăng”, Thiếu tá chuyên nghiệp Trần Văn Tuần chia sẻ.

Thầy và trò ở Trường Tiểu học Song Tử Tây.

Thầy và trò ở Trường Tiểu học Song Tử Tây.

Đại tá Phạm Văn Thọ - Chính ủy Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân cho biết: "Với phương châm “cứu giúp nhân dân là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình, là mệnh lệnh từ trái tim người lính”, “Khi dân cần, khi dân khó có bộ đội Hải quân”, Vùng 4 Hải quân đã và đang triển khai có hiệu quả Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển” và các hoạt động dân vận trên địa bàn đóng quân; luôn nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành đặc biệt xuất sắc nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ, bảo vệ ngư dân bằng tất cả tình cảm, trách nhiệm và khả năng cao nhất. Trong bất luận điều kiện, hoàn cảnh nào, lực lượng và phương tiện của vùng luôn sẵn sàng cơ động, xuất phát, có mặt kịp thời để cứu giúp ngư dân khi bị nạn. Đồng thời, mỗi cán bộ, chiến sĩ luôn gương mẫu, tích cực hưởng ứng và tham gia có trách nhiệm các phong trào, giúp đỡ các địa phương trên địa bàn đóng quân phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà cho nhân dân trị giá hàng chục tỷ đồng. Những hành động dũng cảm, vì nhân dân quên mình của cán bộ, chiến sĩ Vùng 4 Hải quân đã để lại nhiều tình cảm, ấn tượng tốt đẹp, lan tỏa, làm sâu sắc thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân” thời kỳ mới trong lòng nhân dân.

Có cơ hội gặp, tiếp xúc với nhiều cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo ở Trường Sa chúng tôi cảm nhận được niềm tin vững chắc, sắt son với Đảng, Nhà nước; đồng lòng, quyết tâm giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc hôm nay!

Chỉ tính riêng 10 năm gần đây, Vùng 4 Hải quân đã thực hiện hơn 650 lượt tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn hơn 6.000 ngư dân, cứu kéo gần 200 lượt tàu cá bị nạn trên biển; huy động hơn 19.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, gần 500 lượt xe các loại và gần 20.000 ngày công giúp đỡ nhân dân địa phương phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn. Mỗi đảo, điểm đảo, mỗi con tàu của Vùng 4 Hải quân thực sự là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển.

THÁI THỊNH

Kỳ 1: Đất ấm tình người

Kỳ cuối: GIữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phong-su/202501/truong-sa-vung-vang-noi-dau-song-ky-2-hien-ngang-giua-trung-khoi-2bc1d3f/