Kiến trúc sư Trần Huy Ánh: Hà Nội sẽ vươn mình

'Mỏ khoáng sản' của Hà Nội là bề dày lịch sử văn hóa, là cái nôi của trí tuệ/ hiền tài cùng với đó là tình yêu và lòng biết ơn của bao thế hệ dành cho Hà Nội. Hà Nội dựa vào 'mỏ khoáng sản' đặc biệt ấy để vươn mình' - KTS Trần Huy Ánh khẳng định trong cuộc trò chuyện với phóng viên Văn nghệ Công an.

Phản biện để Hà Nội tốt hơn

- Hà Nội luôn nhận được tình yêu của nhiều người. Ông có thể chia sẻ lý do riêng ông yêu Hà Nội?

+ Năm 1973, thời "áo chăn chưa ấm thân mình", Hà Nội đã dồn tất cả nguồn lực, những thanh sắt tốt nhất, viên gạch lành lặn nhất, miếng kính dày dặn nhất để xây Cung Thiếu nhi Việt Xô cho trẻ em. Tôi thuộc lứa thiếu niên đầu tiên được hưởng "thiên đường có thật trên mặt đất ấy". Tôi được học vẽ miễn phí tại đây. Có lần họa sĩ Mạnh Quỳnh (cụ là cựu sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương) tới dạy và nhắn nhủ chúng tôi "không phải ai học vẽ cũng thành họa sĩ, nhưng học vẽ thì ai cũng sẽ biết cách nhìn cuộc sống quanh ta đẹp hơn". Thế hệ chúng tôi được tắm mình trong tình yêu thương, những giá trị nhân văn ấy, được nuôi dưỡng lòng biết ơn và tình yêu Hà Nội từ chiếc nôi ấy.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh.

- Liệu có phải chính tình yêu ấy khiến ông luôn trăn trở, đóng góp cho Hà Nội, từ việc đấu tranh để cho ra đời những công trình công cộng dành cho trẻ em đến việc phản biện mạnh mẽ về những dự án "bất ổn" ở Hà Nội?

+ Người Hà Nội ai cũng có trách nhiệm với thành phố của mình, mỗi người thể hiện điều ấy theo những cách khác nhau. Cá nhân tôi còn được Hội Kiến trúc sư phân công nhiệm vụ nên cũng là công việc thường xuyên. Chúng tôi đóng góp dựa vào kiến thức chuyên môn, dựa vào trao đổi với tập thể đồng nghiệp lại có tư liệu đầy đủ nên có kết quả giảm bớt những hạn chế và đóng góp cho các dự án có kết quả tốt hơn.

- Điển hình là những dự án liên quan đến bảo vệ sông hồ, cây xanh Hà Nội, ông có thể chia sẻ lại câu chuyện này?

+ Năm 2009, có dự án xây Khách sạn tư nhân trong Công viên Thống Nhất - công viên mà hàng vạn người dân Thủ đô, học sinh sinh viên Hà Nội "ăn cơm nhà" ra Công viên Thống nhất vét bùn, gánh đất… nay sắn đất công ra làm khách sạn tư nhân. Cuộc tranh luận kéo dài mấy tháng, ông phụ trách kiến trúc viện dẫn những ý kiến vu vơ, chúng tôi đưa ra các bản đồ Quy hoạch từ năm 1964 khẳng định nơi đây là đất công viên mãi mãi, thế là dự án dừng lại.

Trong thời kinh tế thị trường, tấc đất tấc vàng, những chuyện tương tự xảy ra thường xuyên. Ngay cả sông Hồng bao nhiêu năm bàn chuyện lấp bớt sông làm đô thị, mặc dù luật Đê điều đã lấy 2 đê hiện trạng làm ranh giới hành lang thoát lũ, nhưng vẫn đây đó nhiều đề xuất sáng kiến này kia … chúng tôi vẫn thường xuyên nhắc nhở rằng năm 1995 đã không ít cán bộ dính vòng lao lý chỉ vì những việc làm sai Luật Đê điều, nhưng nhiệt tình lấp sông xây phố vẫn còn sôi sục, chỉ khi cơn bão Yagi tháng 9/2024 mưa lớn, nước sông lên cao, gây thiệt hại lớn mới hạ nhiệt ít nhiều. Tuy vậy, chỉ có con trẻ mới ngây thơ tin rằng sông hồ Hà Nội được bảo vệ vững chắc trước con bão tiền bạc, cơn lũ thiên tai.

- Có những lớp người yêu Hà Nội vô tư, cũng có không ít người xem Hà Nội như là món lợi cần phải mổ xẻ thu về. Để giữ được vẻ đẹp của Hà Nội, giúp Hà Nội văn minh, phát triển, theo ông, chúng ta cần phải làm gì?

+ Đối mặt với lợi lạc, không dễ gì giữ được kiên trinh, nhất là trong lúc này toàn cầu nhiều giá trị truyền thống đang thay đổi theo hướng thực dụng. Hà Nội là nơi "tấc đất tấc vàng" nên thách thức rất lớn. Muốn giữ được Hà Nội đẹp đẽ bền vững - điều Thiện lành ao ước của bao thế hệ người Hà Nội mà chỉ có tình yêu không thì rất mong manh, cần phải suy nghĩ/ hành động rất thông minh thì mới cân đối được cái Lợi và cái Thiện. Cần phải liên tục thảo luận đưa ra những sáng kiến làm thế nào để mọi người vẫn có cơ hội làm giàu từ tài nguyên Hà Nội, nhưng làm giàu cho cá nhân đồng thời làm giàu cho cộng đồng, cho Hà Nội.

Hà Nội sẽ vươn mình

- Chúng ta đang bước vào "kỷ nguyên vươn mình", vậy theo ông, Hà Nội cần định vị rõ "kỷ nguyên vươn mình" trong lĩnh vực văn hóa là gì?

Một góc phố Hà Nội.

Một góc phố Hà Nội.

+ Hà Nội và cả nước đã và đang nhận ra những chuyển dịch lớn trong cuộc sống, dễ thấy nhất là những thay đổi trong tinh giản các cơ quan tổ chức, các địa phương. Nói đến vươn mình thì hãy nghĩ đến tư thế bản thân mỗi người làm thế nào để vươn mình mà vững vàng, không loạng choạng? Đó là đầu tiên phải đứng chắc trên đôi chân của mình. Trong lĩnh vực văn hóa cũng vậy: chỉ có đứng vững trên nền móng văn hóa vững chắc thì mới hy vọng vươn mình tới tầm cao mới, chỉ có chủ động nội lực mới thu nạp được năng lượng văn hóa mới mà không bị xô đẩy, lung lay, mới làm cho mình đổi mới hơn, sáng tạo hơn mạnh mẽ hơn.

- Nghĩa là chúng ta cần phải nhìn thẳng vào hiện thực và trách nhiệm, vậy theo ông hiện thực của Hà Nội đang có những gì, những gì cần phải thay đổi, định tính nào để đo lường được sự thay đổi, phát triển đó, thưa ông?

+ Nếu xét về vốn văn hóa, thì hiện thực Hà Nội ta đang có gì? Hà Nội ta có văn hóa Hà Nội đa dạng, sáng tạo, truyền thống và đổi thay… nghe rất mơ hồ. Nhưng chúng ta thấy quận Hoàn Kiếm không phải bây giờ mới vươn mình và đổi thay mà ở đó vốn văn hóa đổi thay sáng tạo hàng ngày/ mỗi ngày có thêm tác phẩm mới, mỗi ngày thu hút tiền bạc và sự say mê của xã hội nhiều hơn, trong khi các địa phương khác cũng có sẵn không gian đường phố, vườn cây, hồ nước, đình chùa nhưng không thành công, nhiều nơi đã bỏ lửng phố đi bộ, không gian văn hóa ẩm thực, ca nhạc… thì đó cũng là thước đo, định lượng năng lực quản trị, khai thác vốn văn hóa của từng địa phương mà trách nhiệm người đứng đầu rất rõ.

Đề cập tới lượng hóa vốn văn hóa không chỉ đo đếm số lượng lễ hội, đình chùa, sự kiện âm nhạc thể thao mà cần nhìn nhận cả văn hóa trong quản trị xã hội, kinh tế tài chính, khoa học công nghệ. Ví dụ như Hồ Tây mà ô nhiễm nước, cá chết hàng tấn, mùi hôi nồng nặc, chỉ số bụi mịn luôn ở mức cao nhất thì Hà Nội có bắn pháo hoa, đua du thuyền hay tổ chức biểu diễn ánh sáng quy mô lớn… chất lượng sống hay giá trị đô thị không những không tăng mà còn suy giảm. Đầu tư hàng chục tỷ đồng về quy hoạch đô thị, TOD, đường sắt đô thị mà không tăng tốc thi công dự án dở dang, không mời gọi được các nhà đầu tư tiềm năng, đầu tư vốn lớn với lãi suất và điều kiện ưu đãi mà chỉ có đối tác cho vay lãi suất đắt, điều kiện độc quyền… thì cũng có thể coi đây là chỉ số yếu kém về vốn văn hóa / kỹ thuật công nghệ và quản trị đầu tư.

- Có một mạch ngầm dẫn dắt Hà Nội, đó chính là tình yêu và sự cho đi vô điều kiện của rất nhiều hế hệ dành cho Hà Nội, mọi người đang lo lắng, rằng mạch ngầm ấy, đang dễ đứt đi, ông có nghĩ vậy không?

+ Hà Nội trong 25 năm qua đối mặt với vô vàn thách thức và thách thức lớn nhất chính là những năm COVID thì thấy cái mạch ngầm tình yêu của rất nhiều thế hệ dành cho Hà Nội không hề vơi cạn, nhờ có tình yêu ấy mà Hà Nội qua đại họa nhưng thiệt hại ít hơn nhiều so với những thành phố lớn khác. Hà Nội trong 5 năm tới phải vượt qua những thách thức lớn để khắc phục những tồn tại hiện nay: giao thông tắc nghẽn, ô nhiễm không khí, nước thải, rác thải, thiếu nhà ở an toàn, giá phải chăng cho người thu nhập thấp… đó là chưa kể đến nguy cơ úng ngập hay khô hạn do biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan… nó đòi hỏi những người yêu Hà Nội phải thông minh hơn, chăm chỉ hơn, can đảm hơn đóng góp cho Hà Nội. Cá nhân tôi cho rằng nhiều thế hệ người Hà Nội vẫn không ngừng nghỉ cho đi vô điều kiện những kinh nghiệm, những hiểu biết cho Hà Nội vì vẫn không nguôi hy vọng Hà Nội sẽ tốt đẹp hơn.

- Còn lớp trẻ thì sao? Làm thế nào để trao truyền tình yêu và trách nhiệm cho thế hệ trẻ Hà Nội, nói cách khác làm thế nào để thế hệ trẻ hôm nay khao khát và hành động vì một Hà Nội vươn mình đến văn minh và thịnh vượng?

+ Lớp trẻ Hà Nội hôm nay thông minh hơn, chủ động hơn trong việc đóng góp cho Hà Nội. Tôi đã thấy các bạn trẻ tham gia các dự án văn hóa nghệ thuật trong Tuần lễ sáng tạo rất xuất sắc và hiệu quả trong nhiều lĩnh vực. Trong nhiều dự án các bạn đã khai thác văn hóa lịch sử truyền thống và truyền vào đó nghệ thuật đương đại với sức hút mạnh mẽ.

Thực tế các bạn trẻ đang là lực lượng tiềm năng trong công cuộc đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Họ đã và đang hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách tự nhiên như một sứ mạng tất yếu mà không cần phải lo lắng trao truyền khát vọng cho họ. Chúng ta có thể tin tưởng họ, lắng nghe và tạo cơ hội cho họ, chính họ sẽ là người tạo dựng và là chủ nhân tương lai của Hà Nội vươn mình đến văn minh và thịnh vượng.

KTS Trần Huy Ánh sinh năm 1959 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp kỹ sư xây dựng dân dụng và công nghiệp Trường Đại học Xây dựng và Đại học Kiến trúc Hà Nội. Ông là người đã tham gia các dự án phát triển nhà ở Hà Nội, tái thiết trụ sở Thông tấn xã Việt Nam, quy hoạch Nam Đại Cồ Việt. Trong các thảo luận về dự án phát triển đô thị Hà Nội, ông có nhiều ý kiến bảo vệ không gian công cộng, cây xanh, mặt nước và di sản văn hóa lịch sử đô thị Hà Nội. Đình trong phố là một trong những dự án thành công gần đây của ông.

Hạnh Thủy (thực hiện)

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/kien-truc-su-tran-huy-anh-ha-noi-se-vuon-minh-i767755/