Kiến trúc sư trẻ nói gì về đồ án quy hoạch chi tiết bán đảo Quảng An?

UBND quận Tây Hồ (Hà Nội) đang lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân và đại diện cộng đồng dân cư cho Đồ án Quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm bán đảo Quảng An, tỷ lệ 1/500. Hiện đồ án đang nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận. Ý kiến đóng góp của các kiến trúc sư về đồ án này như thế nào?

Đồ án Quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm bán đảo Quảng An, tỷ lệ 1/500 đang nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận

Đồ án Quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm bán đảo Quảng An, tỷ lệ 1/500 đang nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận

Đủ căn cứ pháp lý, tính kế thừa

KTS Phi Mạnh Huy (Hoàn Kiếm, Hà Nội) phân tích, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã 7 lần được phê duyệtkể từ năm 1945 cho tới nay. Quy hoạch khu vực hồ Tây và phụ cận nói chung, trong đó có bán đảo Quảng An, là sự kế thừa của quy hoạch năm 1994 do Bộ Xây dựng triển khai thực hiện. Đến năm 1998, trục đô thị Hồ Tây-sông Hồng-Cổ Loa được hình thành. Do đó, về mặt pháp lý, nội dung quy hoạch tại bán đảo Quảng An được định hình chặt chẽ trên cơ sở hệ thống quy hoạch đã có trước đó và các quy định của pháp luật.

Theo KTS Phi Mạnh Huy, đồ án Quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm bán đảo Quảng An, tỷ lệ 1/500 được nghiên cứu nhằm triển khai đồ án Quy hoạch phân khu đô thị khu vực hồ Tây và phụ cận (A6), tỷ lệ 1/2000 (được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 4177/QĐ-UBND, ngày 8/8/2014) và đồ án Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị khu vực hồ Tây và vùng phụ cận (A6), tỷ lệ 1/2000 tại các ô quy hoạch 16, 17, 19 và các tuyến đường khu vực (được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại quyết định số 2078/QĐ-UBND, ngày 10/05/2021).

KTS Phi Mạnh Huy (Hoàn Kiếm, Hà Nội)

KTS Phi Mạnh Huy (Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Đó là cũng là bước đi triển khai Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1259/QĐ-TTg, ngày 26/7/2011).

"Khi lập hệ thống quy hoạch, cơ quan chức năng đã huy động lực lượng chuyên môn của nhiều thời kỳ, rất bài bản và đầy đủ. Hệ thống quy hoạch này đã được các văn bản của Thủ tướng Chính phủ và thành phố phê duyệt rất chặt chẽ về mặt pháp lý.

Từ đó, có thể khẳng định, đồ án quy hoạch chi tiết bán đảo Quảng An có đầy đủ căn cứ pháp lý, tính kế thừa. Hồ Tây là điểm hội tụ văn hóa với những ngôi làng cổ ven hồ nhưng tới nay chưa thể khai thác, phát triển đúng tầm. Do vậy, đừng ngại bàn luận khi vấp phải những ý kiến trái chiều. Ý tưởng nào tốt cho Hà Nội thì rất nên ủng hộ.

Việc quy hoạch này là cần thiết. Tất nhiên khi quy hoạch, sẽ đụng chạm đến quyền lợi của một số người nhưng phải làm vì mục đích lâu dài và chắc chắn nó mang lại sinh kế lâu dài hơn cho tất cả người dân”, KTS Phi Mạnh Huy nói.

Vị trí nhà hát có phù hợp?

Hiện nay, liên quan đến đồ án này, có 2 luồng ý kiến liên quan tới việc xây dựng nhà hát tại khu vực Đầm Trị. Theo tổng hợp từ Hội Kiến trúc sư Việt Nam, luồng ý kiến ủng hộ xây dựng đang chiếm tỷ lệ cao. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng yêu cầu phải điều chỉnh xây dựng nhà hát cho phù hợp.

KTS Phùng Việt Dũng (Công ty TNHH Quy hoạch Vietstar) đặc biệt quan tâm đến vấn đề này và nhận định: “Đầu tiên, vị trí của nhà hát nằm trong khu vực Đầm Trị; không tác động, làm ảnh hưởng đến cảnh quan của Hồ Tây. Đó là cách làm đúng.”.

Bán đảo Quảng An và khu vực Đầm Trị là vị trí giao cắt giữa trục Tây Hồ Tây và trục Cổ Loa nên có vị trí rất đặc biệt. Về quy hoạch, vị trí đặt nhà hát đã được xác định trong quy hoạch chi tiết khu vực hồ Tây, được duyệt năm 1994 với quy mô 1.216ha.

Sau quy hoạch chi tiết khu vực hồ Tây, là quy hoạch chi tiết quận Tây Hồ được duyệt năm 2001; sau đó là Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Quyết định phê duyệt quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ năm 2011 đã xác định định hướng về phát triển văn hóa là xây dựng mới các công trình văn hóa tiêu biểu của TP Hà Nội như bảo tàng, nhà hát… gắn với cảnh quan sông Hồng và trục tây Hồ Tây.

KTS Phùng Việt Dũng (Công ty TNHH Quy hoạch Vietstar)

KTS Phùng Việt Dũng (Công ty TNHH Quy hoạch Vietstar)

Từ đó, định hướng về quy hoạch nhà hát ở đây là hợp lý. Cùng với các tổ hợp kiến trúc khác, nó sẽ tạo ra cụm cảnh quan, kết nối khu vực và vùng phụ cận.

"Cha đẻ" của ý tưởng kiến trúc độc đáo này là kiến trúc sư người Italia - ông Renzo Piano, một kiến trúc sư huyền thoại trong làng kiến trúc thế giới. Nên không phải bàn về chất lượng cũng như tính biểu tượng của công trình này. Và tôi nghĩ các yếu tố cảnh quan, môi trường cũng đã được tính toán kỹ lưỡng”, KTS Phùng Việt Dũng nói thêm.

KTS Phùng Việt Dũng nêu quan điểm: “Hiện nay, đồ án mới trong giai đoạn xin ý kiến người dân và các chuyên gia. Tôi rất mong các cơ quan chuyên môn tiếp thu đầy đủ để hoàn thiện đồ án theo hướng thật sự đột phá; tạo ra những giá trị mới cả về văn hóa và kinh tế, đô thị. Trong đó, cần đặc biệt chú ý đến hạ tầng, giao thông để tránh tình trạng bị nén, quá tải...".

Phú Khánh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/kien-truc-su-tre-noi-gi-ve-do-an-quy-hoach-chi-tiet-ban-dao-quang-an-post513803.antd