Kiến trúc tại EXPO 2025 gửi gắm thông điệp văn hóa ý nghĩa

Được thiết kế bởi Kiến trúc sư Fujimoto trên một hòn đảo nhân tạo rộng 960 mẫu Anh ở Vịnh Osaka, địa điểm tổ chức EXPO 2025 sẽ giới thiệu 150 gian hàng theo chủ đề 'Thiết kế xã hội tương lai cho cuộc sống của chúng ta'.

Grand Ring được thiết kế để đưa du khách tham quan quanh địa điểm Expo 2025 đồng thời giảm tình trạng quá tải. Ảnh: Yumi Asada/CNN

Grand Ring được thiết kế để đưa du khách tham quan quanh địa điểm Expo 2025 đồng thời giảm tình trạng quá tải. Ảnh: Yumi Asada/CNN

Theo hãng CNN, kể từ khi bắt đầu tổ chức tại London cách đây 174 năm, Triển lãm Thế giới (EXPO) đã liên tục tạo cơ hội cho các quốc gia trên thế giới trưng bày những sáng tạo vĩ đại nhất của thời đại.

Dự kiến khai mạc vào cuối tuần này tại Osaka, Nhật Bản, thông điệp mà Triển lãm Thế giới EXPO 2025 (EXPO 2025) muốn gửi đến thế giới là tinh thần đoàn kết.

“Trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay, tôi tin rằng đây là một cơ hội thực sự quý giá để nhiều quốc gia có thể cùng nhau tụ họp tại một nơi và suy nghĩ về tương lai của chúng ta”, Kiến trúc sư người Nhật Sou Fujimoto cho biết.

Kiến trúc mang ý nghĩa

Nhật Bản hy vọng sẽ chào đón khoảng 28 triệu du khách đến sự kiện này từ tháng 4 đến giữa tháng 10. Được thiết kế bởi Kiến trúc sư Fujimoto trên một hòn đảo nhân tạo rộng 960 mẫu Anh ở Vịnh Osaka, địa điểm tổ chức EXPO 2025 sẽ giới thiệu 150 gian hàng theo chủ đề “Thiết kế xã hội tương lai cho cuộc sống của chúng ta”.

Trong số hàng chục bài dự thi từ nhiều quốc gia, từ gian hàng tối giản đến gian hàng hình xoắn ốc phức tạp. Điểm thu hút chính là kiến trúc không gian Grand Ring do Kiến trúc sư Fujimoto thiết kế.

Được làm từ gỗ tuyết tùng và cây bách Nhật Bản (cũng như gỗ thông Scotland), công trình này hiện đang nắm giữ Kỷ lục Guinness Thế giới về công trình kiến trúc bằng gỗ lớn nhất thế giới.

Kiến trúc sư Fujimoto cho biết Grand Ring cũng là biểu tượng của sự đoàn kết. Và trong khi thiết kế có chức năng là tuyến đường dành cho người đi bộ quanh địa điểm, đồng thời bảo vệ du khách khỏi mưa và nắng, công trình này cũng mang đến một giải pháp thay thế khả thi cho các kiến trúc bê tông chứa nhiều carbon.

"Lúc đầu, không ai tin rằng điều đó là khả thi. Những thách thức về mặt kỹ thuật khi xây dựng kiến trúc gỗ ở quy mô như vậy là quá lớn", ông Fujimoto cho biết.

Việc sử dụng gỗ trong các công trình lớn, thậm chí là nhà chọc trời, đã tăng tốc trong những năm gần đây. Đây là xu hướng được thúc đẩy bởi sự phát triển của "gỗ khối" tiên tiến — thường được tạo ra bằng cách dán các lớp gỗ nén thành các cột hoặc tấm chắc chắn. Các quy định và chính sách xây dựng tiên tiến thúc đẩy việc sử dụng. Chẳng hạn như Pháp hiện yêu cầu tất cả các tòa nhà công cộng mới phải được thiết kế ít nhất 50% gỗ.

Gỗ kỹ thuật vẫn còn mới lạ ở nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, Nhật Bản có lịch sử lâu dài về kiến trúc gỗ. Các trận động đất tàn khốc vào năm 1891 và 1923 đã cho thấy những thiếu sót của các tòa nhà gạch và đá theo phong cách châu Âu phổ biến vào thời điểm đó. Ngày nay, khoảng 90% nhà ở gia đình đơn lẻ của Nhật Bản được xây dựng bằng khung gỗ và được trang bị tốt hơn để chống chọi với động đất.

Do đó, công trình vòng tròn bằng gỗ khổng lồ mang tính biểu tượng của Expo 2025 (Grand Ring) của Kiến trúc sư Fujimoto hướng đến việc sử dụng vật liệu xây dựng bền vững.

Ông Fujimoto đã kết hợp các phương pháp xây dựng hiện đại (bao gồm cả cốt thép) và truyền thống. Các nghiên cứu kiến trúc kỹ lưỡng, với mô hình được tạo ra và thử nghiệm ứng suất, sẽ đảm bảo độ bền và khả năng chống động đất.

Ông Fujimoto tin rằng đất nước của ông có thể tiếp tục là quốc gia dẫn đầu thế giới về kiến trúc xây dựng bằng gỗ.

“Nhật Bản có truyền thống tuyệt vời về xây dựng gỗ và cũng có nghề thủ công thực sự tuyệt vời từ cách đây 1.000 năm trước. Vì vậy, hiện tại, chúng ta có thể kết hợp truyền thống đó với công nghệ mới nhất để kiến tạo tương lai của kiến trúc bền vững”, Fujimoto cho biết.

Grand Ring

Với tên gọi Grand Ring (Vòng mái lớn), đây là địa điểm diễn ra Triển lãm thế giới EXPO 2025 (EXPO 2025) tại tỉnh Osaka, Nhật Bản. Grand Ring là cấu trúc vòng tròn khổng lồ bằng gỗ do kiến trúc sư Fujimoto Sou thiết kế theo quan niệm “Thống nhất trong đa dạng.”

Con đường đến Expo 2025 đôi khi “gập ghềnh” đối với Nhật Bản. Chi phí xây dựng địa điểm đã tăng vọt lên 235 tỉ yên (1,6 tỉ đô la), so với ước tính ban đầu là 125 tỉ yên (852 triệu đô la).

Liệu công trình này có thể duy trì theo thời gian, hoặc bảo tồn bao lâu sau Expo vẫn là vấn đề đang được tranh luận ở Nhật Bản. Đây cũng là một vấn đề gây tranh cãi giữa những người chỉ trích tin rằng việc tháo dỡ công trình sẽ làm suy yếu thông điệp về tính bền vững.

“Bản thân tôi thực sự muốn giữ lại để bảo tồn vì nó thực sự tuyệt vời. Điều này giống như một biểu tượng về cách xã hội chúng ta có thể chung sống cùng thiên nhiên,” ông nói.

Tuy nhiên, ông Fujimoto cũng lưu ý rằng tính vô thường luôn là một đặc điểm của kiến trúc Nhật Bản. Theo truyền thống, những ngôi nhà gỗ của đất nước này được xây dựng với tuổi thọ dự kiến là 20 năm.

Hầu hết người Nhật Bản thường thích xây dựng lại ngôi nhà mới, thay vì cải tạo.

“Nếu Grand Ring bị tháo dỡ, gỗ của kiến trúc sẽ được tái sử dụng vào các dự án khác. Sau đó, cho dù tòa nhà đã biến mất, nhưng sức sống hoặc tinh thần của vật liệu vẫn sẽ tồn tại", ông nói.

Trong mọi trường hợp, di sản của EXPO là vô hình.

"Những kỷ niệm tuyệt vời và những trải nghiệm ngạc nhiên truyền cảm hứng cho du khách để tạo ra thứ gì đó cho tương lai", ông Fujimoto nói.

Thông điệp đoàn kết qua kiến trúc của ông tại Expo 2025 hướng đến sự kết nối của người dân tại Nhật Bản nói riêng và trên thế giới nói chung.

"Tôi tin rằng đây là một dịp tuyệt vời để kết nối văn hóa Nhật Bản với thế giới", ông Fujimoto nhấn mạnh.

HỒNG NHUNG

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/the-gioi/kien-truc-tai-expo-2025-gui-gam-thong-diep-van-hoa-y-nghia-127335.html