Kiên trung, ấm áp tình người nơi đầu sóng

Ở nơi 'đầu sóng ngọn gió' của Tổ quốc, ngoài những người lính, còn có những nhà sư, nhà giáo… Họ kiên trung bám biển ngày đêm, góp sức làm nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng.

Trạm trưởng hải đăng kiên cường

Nằm cách đất liền khoảng 330 hải lý, ngọn hải đăng trên đảo Sơn Ca sừng sững, uy nghi như một pháo đài. Hải đăng Sơn Ca rực rỡ bởi sắc màu vàng - đỏ sơn nổi bên ngoài. Ban đêm, ngọn hải đăng phát ra luồng ánh sáng mạnh đến cả chục hải lý, được ví von là “mắt biển” chỉ đường để ngư dân an tâm đánh bắt, khai thác hải sản trên vùng biển của Tổ quốc.

Trạm trưởng hải đăng Sơn Ca là anh Nguyễn Đức Thanh (SN1972). Người đàn ông quê ở Hải Phòng đã có hơn 20 năm liên tục làm nhiệm vụ tại đảo. Anh đã luân chuyển nhiều điểm trong số 9 ngọn hải đăng đặt tại quần đảo Trường Sa. Anh cũng là người đã 15 lần đón Tết Nguyên Đán trên biển.

Thường thì ban ngày, anh Thanh tham gia các hoạt động trên đảo cùng với lực lượng hải quân. Những lúc rảnh rỗi, anh chăm sóc cho vườn rau xanh để cải thiện bữa ăn. Đêm đến, anh cùng một người khác ở trạm thay nhau làm nhiệm vụ gác đèn.

 Cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa gói bánh chưng chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán.

Cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa gói bánh chưng chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán.

Nhắc tới chuyện gia đình, anh Thanh tâm sự: "Mình học ngành Hàng hải rồi ra đảo làm nhiệm vụ ngoài đảo luôn. Một lần về quê, tình cờ gặp cô gái làm công an rồi yêu. Hai năm sau, lúc mình 30 tuổi thì tổ chức cưới.

Ngoảnh đi ngoảnh lại đứa đầu đã bước vào đại học, đứa sau cũng vào trung học phổ thông rồi. Vợ con hiểu, động viên nhiều, nên mình ngày càng yêu nghề. Mỗi ngày, mình càng phải cố gắng, quyết tâm để hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc và với “hậu phương” nhỏ nữa".

Sư thầy làm điểm tựa tinh thần

Trên Hải đăng Sơn Ca có một ngôi chùa cổ có tên Sơn Linh, mặt hướng về đất liền. Năm 2014, chùa được trùng tu từ sự phát tâm, ủng hộ của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Kiến trúc ngôi chùa mang đậm phong cách chùa cổ Việt Nam, đáp ứng tâm nguyện của những người tu hành và những ngư dân bám vùng biển này.

Tại hòn đảo này, những ngư dân đã lập lên một am thờ nhỏ, trên miếu đất cao, tượng trưng cho ngọn núi và đó cũng là khởi nguồn của chữ “Sơn”; còn chữ “Linh” nghĩa là sự linh ứng, tâm linh. Cái tên Sơn Linh mang ý nghĩa là ngọn núi linh thiêng, cầu mong sự yên bình, thuận buồm xuôi gió, dồi dào cá tôm...

Ra đảo Sơn Ca từ năm 2015, Đại đức Thích Nguyên Hòa phụ trách phật sự tại chùa Sơn Linh liên tục từ đó tới nay. Theo Đại đức, ngư dân đánh bắt cá trên biển từ xa xưa phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, nên họ thường lên đảo Sơn Ca trú ẩn và chính họ đã xây ngôi chùa cổ Sơn Linh nói trên.

Chùa Sơn Linh là nơi cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên đảo đến để thắp hương cầu an trong những ngày lễ, tết của đất nước. Những lúc rảnh rỗi, đây cũng là nơi những người lính thường xuyên lui tới để tâm tình, trò chuyện cùng Đại đức Thích Nguyên Hòa. Đối với nhiều lính trẻ, họ xem Đại đức như người nhà, là người để họ bày tỏ, san sẻ niềm vui, nỗi buồn.

 Đại đức Thích Nguyên Hòa cầu cho quốc thái dân an và bình yên của biển đảo.

Đại đức Thích Nguyên Hòa cầu cho quốc thái dân an và bình yên của biển đảo.

Theo Đại đức Thích Nguyên Hòa, trên quần đảo Trường Sa có 6 ngôi chùa. Hàng ngày, 6 ngôi chùa này đều thỉnh chuông 2 lần (vào buổi sáng và buổi chiều) và cùng thời điểm. Đại đức ở các chùa sẽ đồng thanh nguyện cầu cho quốc thái dân an, biển đảo bình yên.

“Ở đảo xa, tiếng chuông chùa ngân vang xa theo sóng biển như xóa khoảng cách với đất liền. Những ngôi chùa chính là cột mốc chủ quyền tâm linh trên biển cả, là điểm tựa vững chắc cho quân dân ở Trường Sa”, Đại đức Thích Nguyên Hòa tâm sự.

Những người âm thầm "gieo chữ"

Nằm ở phía Bắc của quần đảo Trường Sa là đảo Song Tử Tây, cách không xa đảo Sơn Ca. Trên đảo có một trường tiểu học mang tên Song Tử Tây. Trường này được xây dựng hai tầng, với 2 lớp học của 2 bậc học: Tiểu học và mầm non. Trường có thầy Nguyễn Hữu Phú (SN1982) và thầy Nguyễn Bá Ngọc (SN1993) quê ở Khánh Hòa.

Hai thầy giáo ấp ủ ý định ra Trường Sa công tác từ thời còn là sinh viên. Vượt qua lời khuyên ngăn của gia đình và người thân, 2 thầy nhiều lần viết đơn tình nguyện xin ra đảo công tác. Giữa năm 2018, tàu của Hải quân đã đưa các thầy ra công tác tại Trường tiểu học Song Tử Tây. Thầy Phú làm giáo viên 5 học sinh tiểu học và thầy Ngọc dạy 5 em mầm non.

Công tác tại đảo, nên điều kiện dạy học không như đất liền. Sau giờ lên lớp, các thầy tìm những vật dụng có sẵn trên đảo như: vỏ ốc, vỏ sò, lá bàng vuông… để làm dụng cụ học tập cho học sinh.

Thỉnh thoảng, hai thầy đưa các cháu nhỏ ra bãi biển, dạy chúng tập viết trên nền cát, tập đếm bằng vỏ sò. Ngoài những bài học có sẵn trong chương trình, các thầy còn dạy học sinh thêm nhiều bài thơ, bài hát ca ngợi tình yêu quê hương, biển đảo.

Thầy Phú tự hào: Ngoài đảo tình cảm luôn đầy ắp. Ở đây, chúng tôi luôn xem quân, dân trên đảo là người nhà, học sinh chính là con em của mình. Chúng tôi rất vinh dự, tự hào khi là những người được “gieo chữ” ở Trường Sa, được vun đắp cho những “mầm xanh” nơi tiền tiêu của Tổ quốc.

 Thầy giáo Nguyễn Bá Ngọc vui chơi cùng các em học sinh trong giờ ra chơi.

Thầy giáo Nguyễn Bá Ngọc vui chơi cùng các em học sinh trong giờ ra chơi.

Vĩ thanh...

Tại Trường Sa có nhiều gia đình nhỏ cùng sinh sống, làm nhiệm vụ cùng những người lính. Những năm qua, con cái họ cùng lớn lên trong sự yêu thương của những người thầy, người lính trên đảo. Quân, dân hàng ngày được nghe tiếng chuông chùa, đi lễ cầu an cùng Đại đức Thích Nguyên Hòa. Ngư dân ta vẫn được soi rọi ánh sáng dẫn đường trong những đêm tối bởi các ngọn hải đăng được những người nhiều năm gắn bó như anh Thanh…

Thời điểm cuối năm, những chuyến tàu lại hướng ra Trường Sa, đến các đảo chìm, đảo nổi. Những chuyến tàu mang theo đầy ắp những phần quà và tình cảm thân thương từ đất liền gửi ra đảo.

Những chuyến tàu cũng làm nhiệm vụ thay, thu quân, đưa những người mới đến và đưa những người làm nhiệm vụ từ đảo trở về. Lớp lớp người vẫn thay nhau bám biển, cùng góp sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Dù trực tiếp hay thầm lặng, họ - những con người kiên trung luôn quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, góp phần cùng dân tộc Việt Nam đón những mùa xuân vui tươi, ấm áp.

Bài, ảnh: Lê Phước

270

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/xuan-tan-suu-2021/kien-trung-am-ap-tinh-nguoi-noi-dau-song-84514.html