Kiềng ba chân để ngăn chặn bạo lực học đường

Sự hợp tác chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội như chiếc kiềng ba chân giúp kéo giảm vấn nạn bạo lực học đường.

Mới đây, Pháp Luật TP.HCM đã đăng tải nhiều thông tin thời sự liên quan đến vấn nạn bạo lực học đường như: "Sinh viên vây đánh hội đồng bạn học tại TP Thủ Đức"; "Kịp thời xử lý hai vụ học sinh đánh nhau trên địa bàn tỉnh Hậu Giang"; "Bình Phước: Thiếu niên 15 tuổi đánh hội đồng nam sinh bị công an triệu tập"; "TP.HCM: Nữ sinh bị nhóm bạn đánh ngay tại lớp",...

Trong đó, ngày 26-9, Công an phường Linh Đông (TP Thủ Đức) đang phối hợp cùng một Trường Cao đẳng xác minh, làm rõ vụ việc một nhóm hơn chục sinh viên của trường đánh hội đồng hai nam sinh trường này.

Theo hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội, một nhóm nam thanh niên khoảng 10 người mặc đồng phục màu xanh và đồng phục khác sử dụng nón bảo hiểm vây đánh hội đồng 2 bạn nam.

Những thông tin trên khiến bạn đọc rất bức xúc, cho rằng nạn bạo lực học đường vẫn chưa được ngăn chặn hiệu quả, cần nhanh chóng tìm giải pháp để giảm thiểu vấn nạn này.

 Nhóm sinh viên đánh hội đồng bạn học tại Thủ Đức. Ảnh: Cắt từ clip

Nhóm sinh viên đánh hội đồng bạn học tại Thủ Đức. Ảnh: Cắt từ clip

Không nên ngó lơ bạo lực học đường

Bạn đọc Thanh Mai chia sẻ: "Thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện hàng loạt vụ học sinh bạo hành, đánh đập nhau với nhiều mức độ gây xôn xao dư luận. Là bậc cha mẹ, tôi rất lo lắng về tình trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng. Theo tôi nghĩ nhà trường cần tăng cường giám sát và phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi bạo lực. Tôi cũng nghĩ rằng, giáo dục gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách của trẻ".

Bạn đọc Châu Nguyễn bình luận: "Bạo lực học đường muốn giải quyết không dễ, nhưng cũng không khó. Theo tôi thấy học sinh nào manh nha về vấn đề này, cứ vi phạm nhẹ thì cho đi dọn nhà vệ sinh 2-3 tuần, tái phạm hoặc hậu quả nặng thì lưu ban hoặc buộc thôi học, nặng thêm thì vào trường giáo dưỡng. Chỉ cần thế là các cháu ngoan ngay. Chưa cứ đánh nhau, xúc phạm nhân phẩm lại cho nghỉ học tối đa 1-2 tuần thì chẳng khác nào phần thưởng".

Bạn đọc Trí Thiện bình luận: "Là một sinh viên ngành Tâm lý học, theo tôi bạo lực học đường không chỉ là vấn đề về hành vi, mà còn liên quan đến sự phát triển cảm xúc và kỹ năng giao tiếp của học sinh. Nhà trường cần nâng cao nhận thức và giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, cần tích hợp thêm các bài học về tôn trọng lẫn nhau, đồng cảm và giải quyết các vấn đề không bạo lực vào chương trình học".

 Hình ảnh một nữ sinh liên tục bị nhóm thiếu nữ trong trang phục học sinh dùng nón bảo hiểm đập vào đầu gây bức xúc trong dư luận tại tỉnh Hậu Giang. Ảnh cắt từ clip

Hình ảnh một nữ sinh liên tục bị nhóm thiếu nữ trong trang phục học sinh dùng nón bảo hiểm đập vào đầu gây bức xúc trong dư luận tại tỉnh Hậu Giang. Ảnh cắt từ clip

Giải pháp nào ngăn chặn bạo lực học đường?

Bạn đọc Minh Minh bình luận: "Em hiện đang là học sinh lớp 12, em từng chứng kiến cảnh bắt nạt, việc bị bắt nạt khiến nhiều bạn mất đi sự tự tin và không dám đến trường. Em nghĩ nhà trường nên tổ chức nhiều hoạt động xây dựng tình bạn và tăng cường giáo dục về kỹ năng ứng xử để hạn chế các xung đột xảy ra. Đồng thời, nhà trường nên có phòng tham vấn tâm lý và chuyên gia tâm lý riêng, để tư vấn giải quyết các khó khăn tâm lý mà học sinh phải đối mặt".

Bạn đọc Nhã Thương90 đồng quan điểm với bạn đọc Minh Minh: "Ngoài có phòng tư vấn tâm lý, nhà trường cũng cần đưa vào chương trình giảng dạy các khóa học về kỹ năng quản lý cảm xúc, giao tiếp và giải quyết mâu thuẫn. Điều này giúp học sinh biết cách kiểm soát cảm xúc tiêu cực và giải quyết xung đột một cách hòa bình. Các hoạt động trải nghiệm xã hội cũng giúp học sinh phát triển kỹ năng sống".

Bạn đọc Trần Trần ý kiến: "Nhà trường cũng nên tổ chức các buổi sinh hoạt về bạo lực học đường, mời các luật sư, diễn giả nhấn mạnh hậu quả nghiêm trọng của hành vi này, không chỉ về mặt pháp lý mà còn về tâm lý đối với người bị bạo lực".

"Theo tôi thấy, gia đình cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục nhân cách cho con cái. Cha, mẹ nên thường xuyên trò chuyện với con về những khó khăn, áp lực trong học tập và các mối quan hệ xã hội. Nhà trường và phụ huynh cần có sự liên kết chặt chẽ thông qua các buổi họp định kỳ, để nắm bắt được tâm lý của các con và kịp thời phát hiện các biểu hiện bất thường của con em" - bạn đọc Tâm An.

 Từ việc ‘nhìn đểu’, học sinh lớp 10 kéo thêm người đánh em A phải nhập viện điều trị ở Bình Phước:. Ảnh: KD

Từ việc ‘nhìn đểu’, học sinh lớp 10 kéo thêm người đánh em A phải nhập viện điều trị ở Bình Phước:. Ảnh: KD

Trao đổi với PV, Thạc sĩ Đinh Văn Mãi, giảng viên chuyên ngành Công tác xã hội, trường Đại học Văn Lang, cho biết vấn nạn bạo lực học đường thời gian gần đây đáng báo động, có xu hướng gia tăng và mức độ bạo lực trở nên nghiêm trọng hơn.

"Một số vụ việc đã gây ra nhiều rủi ro và để lại hệ quả nghiêm trọng. Áp lực học tập, gia đình, bạn bè hoặc những ảnh hưởng tiêu cực từ xã hội tác động và gây nên bạo lực học đường. Sự thiếu thấu hiểu và không kiểm soát được cảm xúc của học sinh cũng góp phần làm gia tăng các hành vi bạo lực. Bạo lực học đường là một vấn đề lớn đòi hỏi những nỗ lực toàn diện và lâu dài để có thể giải quyết triệt để" - ThS Mãi nói.

Cũng theo ThS Mãi, sự hợp tác chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội là yếu tố then chốt để giảm thiểu vấn nạn bạo lực học đường. Gia đình thường xuyên giao tiếp và lắng nghe con cái, hỗ trợ nâng đỡ tâm lý cho con tại nhà. Trường học thúc đẩy các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, quản lý cảm xúc, tạo môi trường học tập thân thiện, hòa nhập là cần thiết để giảm thiểu bạo lực học đường.

Nhà trường cần xây dựng đội ngũ tư vấn, tham vấn học đường để nâng đỡ tâm lý của học sinh. Các tổ chức xã hội, đoàn thể cần phát động các chiến dịch tuyên truyền về phòng chống bạo lực học đường, nâng cao nhận thức cộng đồng. Mỗi bên cần chung tay và thể hiện rõ trách nhiệm thì vấn đề bạo lực học đường mới được ngăn chặn hiệu quả.

Phụ huynh cần tạo một môi trường thuận lợi, thoải mái để con chia sẻ về mọi vấn đề trong cuộc sống mà không lo bị phán xét. Phụ huynh cần lắng nghe, thấu hiểu con khi con chia sẻ những khó khăn ở trường học; không phản ứng tức giận, hay chỉ trích. Điều này, giúp trẻ cảm thấy cha mẹ luôn sẵn sàng đồng hành và tìm giải pháp cùng mình. Nếu con có dấu hiệu bất thường như thu mình, buồn bã, mất hứng thú học tập thì phụ huynh chủ động trao đổi nhẹ nhàng. Phụ huynh cần giữ bình tĩnh và không phản ứng thái quá khi nghe con nói về việc bị bắt nạt để trẻ cảm thấy an toàn khi chia sẻ lần sau.

"Nhà trường cần tạo không gian học tập an toàn, tôn trọng để học sinh có thể chia sẻ ý kiến. Có thể xây dựng đa dạng các kênh thông tin tiếp nhận các vấn đề học sinh gặp phải như hộp thư góp ý ẩn danh, ứng dụng trực tuyến, gặp gỡ nhân viên tâm lý, trao đổi định kỳ với giáo viên chủ nhiệm. Nâng cao kiến thức và nhận diện dấu hiệu bạo lực học đường cho giáo viên để giáo viên tiếp cận nhẹ nhàng, lắng nghe và hỗ trợ học sinh", ThS Mãi chia sẻ.

Mỗi nhà trường nên có một chuyên gia tâm lý

Chuyên gia tâm lý học đường và nhân viên công tác xã hội đóng vai trò rất quan trọng giải quyết các vấn đề nảy sinh trong trường học. Học sinh sẽ không được hỗ trợ tâm lý kịp thời dễ dẫn đến những vấn đề tiêu cực phát sinh trong học tập cũng như tương tác với môi trường xung quanh, làm gia tăng tình trạng bạo lực trong trường học.

Đầu tư phát triển đội ngũ chuyên gia tâm lý hay nhân viên xã hội trong trường học cũng như tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của hỗ trợ tâm lý sẽ giúp nhà trường xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, góp phần ngăn ngừa các vấn đề về bạo lực học đường, khủng hoảng tâm lý. Vì vậy, cần có chính sách thúc đẩy phát triển phòng tham vấn hoặc phòng công tác xã hội trong trường học.

ThS Đinh Văn Mãi, chuyên ngành Công tác xã hội, giảng viên trường Đại học Văn Lang

TRẦN MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/kieng-ba-chan-de-ngan-chan-bao-luc-hoc-duong-post811551.html