Kiệt sức vì mạng xã hội (bài 3): Cuộc 'giao tranh ẩn danh' không hồi kết
Bị lôi vào cuộc 'giao tranh ẩn danh' trên mạng xã hội từ tháng 8 năm ngoái, N.T.Minh (sinh viên năm cuối của một Học viện ở Hà Nội, quê Quảng Trị), phải đến bệnh viện truyền nước vì suy nhược cơ thể; tạm gác lại chuyện học để điều trị tâm lý…
Hoảng loạn, kiệt sức…
Sau gần một năm kể từ ngày hình ảnh cá nhân bị phát tán kèm vu khống, lăng mạ, sỉ nhục trên mạng xã hội, N.T.Minh vẫn ám ảnh về ký ức hoảng loạn và hiện vẫn chưa có lối thoát.
Sự việc xảy ra bắt đầu từ tháng 8 năm ngoái, Minh và T. (học cùng trường cấp 3) nảy sinh mâu thuẫn. T. thích Mạnh (nhân vật đã đổi tên) - hàng xóm của Minh. Thấy Mạnh hay trò chuyện và giao lưu với Minh nên T. thấy ghét và nghĩ bạn dùng chiêu trò để cướp người cô thầm thương trộm nhớ.
T. đã ngay lập tức lập hàng chục nick ảo để công kích, đăng bài sỉ nhục, lăng mạ, vu khống Minh. Thậm chí, Minh bị ghép vào ảnh sex và lan truyền khắp cõi mạng. Hằng ngày, các nick ảo thay phiên nhắn tin sỉ nhục với loạt câu từ vô văn hóa, phản cảm như: “Mày tỏ vẻ thánh thiện”; “Mày là con cave”; “Nghề đ* à”… Tài khoản Facebook của Minh rơi vào ma trận vu khống với hàng chục thông báo bị tag tên trong vô số bình luận lăng mạ.
“Tôi hoảng loạn, sợ hãi, vừa đọc những bình luận và bài viết đó vừa khóc…”, Minh nói.
Minh ngất đi khi chưa kịp giãi bày với bạn cùng phòng. Khi tỉnh dậy, điều đầu tiên cô nghĩ đến là điện thoại và Facebook. Cô vội vã vào xem những bài viết, tin nhắn, bình luận đó đã biến mất hay chưa. Thấy có nhiều lời lẽ công kích hơn, Minh có suy nghĩ muốn chết đi bằng dòng trạng thái “tạm biệt” trên mạng xã hội. Cô đã đứng trên lan can tầng 8 của ký túc xá với ý nghĩ điên rồ. Rất may, cô được bạn cùng phòng kéo lại và ôm vào lòng.
Để tránh bị gây hại từ chính một số người bạn xung quanh mình (như Minh đang phải chịu đựng), Thạc sĩ tâm lý Phạm Thanh Mai khuyên bạn trẻ hãy tự tay, mạnh dạn “thanh lọc” danh sách bạn bè trên mạng ảo và chia sẻ thông tin cá nhân một cách có chừng mực. Đồng thời mở lòng chia sẻ với gia đình, bạn bè thân thiết nhiều hơn về những mục tiêu, mong muốn của bản thân để giảm sự lệ thuộc tìm kiếm cảm xúc trên mạng.
“Thức dậy lần hai” sau ý định tự tử không thành, Minh vẫn không thể ăn uống được, cứ ăn vào lại nôn ra. Cô muốn nằm mãi trên giường, không muốn ra ngoài hay gặp ai. Bạn đưa ra ngoài đi dạo, Minh vẫn sợ và ngại, trùm kín mít áo và đeo khẩu trang.
Chuyện bị công kích ẩn danh trên mạng ảo đã ảnh hưởng đến mọi mặt ngoài đời thực của Minh. Từ một cô gái nhiều năng lượng và năng động, cô phải xin tạm nghỉ học. Cô bị học lại nhiều môn do không còn tâm trí hoàn thiện bài vở. Đau đớn hơn, một số bạn còn kêu gọi cô lập cô, trong khi không xác minh những thông tin giả trên mạng.
Minh rơi vào trầm cảm, không dám nghe bất kỳ cuộc điện thoại nào, ẩn Facebook, chặn những người bạn lạ… Minh thường xuyên phải đi truyền nước do bị suy nhược cơ thể, mất ngủ, không ăn được, rối loạn tinh thần.
Mong con “mở lòng”
Chia sẻ với PV Tiền Phong, chị Lê Thị Tùng (SN 1972, sống ở Quảng Trị) nhớ lại, vào tháng 9 năm ngoái, Minh liên tục gọi điện về nhà vào đêm khuya và khóc lóc. Chị nghĩ Minh bị ốm nên động viên con cố gắng đi ngủ và hôm sau chuyển tiền để tự đi mua thuốc uống mà không nghĩ gì thêm. Một thời gian sau, chị thấy con ít gọi về nhà hơn, nhưng nghĩ Minh bận học và có công việc làm thêm nên không mấy bận tâm.
“Tôi có vào xem Facebook con nhưng không tìm thấy. Sau này tôi mới biết Minh chặn, vì sợ tôi lo lắng. Mãi đến tháng 2 năm nay, thấy con có biểu hiện lo âu, trầm cảm, tôi đưa đi khám thì mới biết bị tấn công bôi nhọ trên mạng xã hội. Minh bị bấn loạn tinh thần, học tập sa sút, ngại giao tiếp. Con tôi có ý nghĩ đòi tự tử”, chị Tùng buồn bã nói.
Chị Tùng rất lo sợ con sẽ nghĩ đến chuyện dại dột lần thứ hai, sợ con bị sống trong “cái bóng” là kẻ xấu đến suốt đời. “Là bậc làm cha làm mẹ, tôi thật sự thấy đau lòng khi thấy con tôi ra nông nỗi như vậy. Gia đình đã cho con nghỉ học một thời gian để bình tĩnh và hồi phục sức khỏe”, mẹ của Minh nói.
Hiện gia đình đồng hành cùng Minh, kiên trì gửi đơn tố cáo tới cơ quan công an để mong điều tra, làm rõ, giúp em sớm thoát khỏi tình trạng bị công kích từ mạng ảo đến đời thực. Chị Tùng cũng chỉ mong con sớm mở lòng, đối diện những tổn thương tinh thần để bắt đầu “chữa lành”, vững vàng sống tiếp.
Hãy tìm nhiều động lực từ thế giới thực
Từ câu chuyện của Minh, Thạc sĩ tâm lý Phạm Thanh Mai (chuyên tham vấn, trị liệu tâm lý cho sinh viên ở Hà Nội) cho rằng, cần có sự tiếp cận, hỗ trợ tổng lực từ gia đình, bạn bè, nhà trường, cơ quan chức năng… chứ không đơn thuần chỉ đi gặp một nhà tham vấn là xong.
Chuyên gia nhận định, mạng xã hội đã tạo cơ hội cho “cái tin” của một người thành cơ sở đánh giá niềm tin của nhiều người. Trong trường hợp này, Minh bị các bạn trong lớp lần lượt đánh giá tiêu cực, đó là vì các bạn nghĩ, càng nhiều người đứng về một phía thì phía còn lại chắc chắn sai, cộng thêm những bình luận đánh giá nhân phẩm trên mạng ảo. Chính cái “ẩn danh” trên cõi mạng là thứ đẩy cuộc đời của nhiều người vào ký ức đen.
Để cắt đứt “vòng lặp” này, cách tốt nhất cho Minh và những nạn nhân khác, đó là tìm kiếm nguồn động lực nội sinh và ngoại sinh (ở thế giới thực), quên đi những “gán nhãn” trên mạng ảo. Bởi nếu càng tranh cãi đúng sai với một tập thể ẩn danh, cuộc giao tranh ấy sẽ mãi âm ỉ và càng cứa sâu hơn vào nội tâm, sức khỏe tinh thần, cảm xúc của bên còn lại.
Đánh giá về những diễn biến tâm lý của Minh, chuyên gia cho rằng, bất kỳ ai rơi vào hoàn cảnh như của Minh cũng sẽ vật lộn tìm lối thoát khỏi cuộc giao tranh hay những “vùng thông tin toxic”. Mức độ sát thương sẽ tùy vào sức đề kháng tinh thần của mỗi cá nhân. Nếu dễ bị ‘gãy vỡ’, họ có thể chọn cách kết thúc tiêu cực.
“Vì vậy, tôi muốn khuyên những người trẻ nói chung, hãy tìm nhiều động lực từ bên ngoài, từ thế giới thực, thay đổi cách kết nối trên mạng xã hội. Bởi nếu bước vào một môi trường ảo không có chủ đích, người dùng rất dễ bị đi theo trào lưu cảm xúc và sống phụ thuộc vào những đánh giá vô danh”, Thạc sĩ Mai nói thêm.
(Còn nữa)