Kiều bào cống hiến rất lớn cho TP.HCM và cả nước
Từ khắp năm châu, hàng triệu kiều bào Việt Nam luôn mong muốn viết tiếp giấc mơ cống hiến vì sự phát triển của TP.HCM và cả nước.
Trong hành trình 50 năm kể từ ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025), TP.HCM đã từng bước đạt được những phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội, đóng vai trò tiên phong và dẫn dắt trong nhiều hoạt động cải cách, đổi mới sáng tạo.
Ngoài sự quyết tâm hành động của cả hệ thống chính trị, dựa trên các nền tảng chính sách cởi mở, cùng sự đóng góp của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn TP và trên cả nước thì tiếng nói, sự đồng hành cả về trí tuệ lẫn tài lực của hàng triệu kiều bào từ hơn 130 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới đã góp phần quan trọng vào sự phát triển vượt trội của TP, của đất nước.
Những thôi thúc “ngày trở về”…
Một trong những kiều bào hiện đã rất quen thuộc đó là TS Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu. Ông Hiếu rời quê hương từ năm 1966 và trở về nước sau 25 năm trau dồi tri thức, làm việc ở nước ngoài.
Trở về Việt Nam (VN) vào năm 1991, giai đoạn VN vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do kinh tế vừa bước vào giai đoạn đổi mới chưa lâu, còn nhiều khó khăn, trong khi đất nước vẫn chịu cấm vận từ một số quốc gia.

TS Nguyễn Trí Hiếu.
Ông Hiếu kể: “Năm đó, tôi trở về nước và may mắn được gặp, trò chuyện với bác Nguyễn Cơ Thạch, là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khi ấy. Đất nước lúc đó còn khó khăn, điều ấy thôi thúc tôi phải làm gì đó cho quê hương của mình”.
Gần 35 năm qua kể từ lần đầu trở về quê hương, ông Hiếu cũng trải qua nhiều vị trí khác nhau, làm việc tại nhiều quốc gia, nhưng VN luôn là điểm đến thân thuộc nhất - nơi mà ông luôn nuôi dưỡng tâm niệm sẽ gắn bó và cống hiến. Ông Hiếu là người thành lập ngân hàng thương mại đầu tiên của người VN trên đất Mỹ. Nhiều năm qua, ông Hiếu đã có nhiều góp ý, phản biện mang tính xây dựng, thúc đẩy các chính sách tiến bộ về kinh tế vĩ mô, nhất là các cơ chế tài chính ngân hàng cho VN, đặc biệt là việc hiến kế để phát triển hệ sinh thái tài chính tại TP.HCM.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM, gặp gỡ kiều bào nhân dịp mừng xuân 2025. Ảnh: HOÀNG GIANG
“Nhớ lại hình ảnh đất nước những năm đầu 1990 và hình ảnh TP.HCM khi ấy còn đối diện nhiều khó khăn, bị cấm vận; và nhìn lại một đất nước đang phát triển mạnh mẽ, một TP.HCM đang dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế - xã hội với hạ tầng, giao thông, đô thị hiện đại, thu nhập bình quân đầu người tăng mạnh, tôi cảm thấy rất vui mừng, bởi tôi cũng đã nỗ lực để hòa mình vào dòng chảy phát triển ấy trong nhiều năm qua” - ông Hiếu nói.
Đặc biệt, ông Hiếu càng phấn khởi khi nguyện vọng trở về, cùng xây dựng quê hương không chỉ của cá nhân ông hay một nhóm người, mà là từ tấm lòng của hàng triệu kiều bào ở khắp nơi trên thế giới. Rất nhiều đồng bào đang ở nước ngoài mong muốn cống hiến, đóng góp vào sự phát triển của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung bằng nhiều cách khác nhau. Dù là trực tiếp hay gián tiếp, dù là trí tuệ hay tài lực, dù là đầu tư hay kết nối…, tất cả đều xuất phát từ tình cảm sâu nặng với quê hương.

Lãnh đạo TP.HCM chụp ảnh lưu niệm cùng kiều bào sau hội nghị góp ý về Đề án “Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối” tháng 1-2025. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

TS Ngô Phẩm Trân tham gia góp ý tại hội nghị về Đề án "Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối", tháng 1-2025. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Cũng giống ông Hiếu, TS Ngô Phẩm Trân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp VN - Đài Loan trở về VN, không chỉ vì nỗi nhớ nhà mà còn là khát vọng được cống hiến, nhất là khi đất nước ngày càng có các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện đến mức tốt nhất cho bà con kiều bào trở về xây dựng quê hương.
“Khoảng gần chục năm trước, khi TP.HCM bắt đầu triển khai các chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao, đổi mới sáng tạo và mời gọi kiều bào hiến kế, tôi thấy đã đến lúc cần trở về để thử sức, biến những điều mình tích lũy được sau nhiều năm làm việc ở nước ngoài thành lợi ích thiết thực cho quê hương mình” - bà Trân bộc bạch.

Đoàn kiều bào tham quan đền tưởng niệm các vua Hùng (TP Thủ Đức) trong khuôn khổ chương trình họp mặt đầu xuân 2024. Ảnh: NGUYỆT NHI

Kiều bào tham quan UBND TP.HCM trong khuôn khổ chương trình họp mặt đầu xuân 2024. Ảnh: NGUYỆT NHI
Vị này cho biết thêm khát vọng “được làm điều gì đó” cho đất nước được vun đắp suốt hàng chục năm bà chứng kiến sự trở về ngày càng nhiều, đóng góp ngày càng lớn của đông đảo kiều bào ở khắp nơi trên thế giới. “Tôi có dịp được gặp những kiều bào lớn tuổi đã ở nước ngoài 50, 60 năm, trong đó có những trí thức rất tài giỏi, đã trở về TP.HCM, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối nguồn lực cho TP. Điều đó đã truyền cảm hứng khiến tôi nghĩ rằng mình cần hành động, mình cần làm gì đó cho quê hương” - bà Trân nói.
Những đóng góp quý báu, bền bỉ
Nói về sự đóng góp rất to lớn của kiều bào dành cho TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về người VN ở nước ngoài TP.HCM, khẳng định: “TP nhớ ơn, nợ ân tình kiều bào rất nhiều”. Bà Mai bày tỏ TP.HCM luôn tri ân sự đóng góp của kiều bào trong từng giai đoạn phát triển của TP.
Từ năm 1975 khi đất nước mới thống nhất đến năm 1986 khi bước vào giai đoạn đổi mới, nhiều kiều bào, từ các giáo sư, bác sĩ đến các nhà nghiên cứu… đã sẵn sàng từ bỏ cuộc sống ổn định ở nước ngoài để trở về TP.HCM cống hiến theo lời kêu gọi của đất nước. Sau đó, khi TP.HCM bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng, kiều bào tiếp tục đồng hành bằng nhiều hình thức như chuyển giao tri thức, công nghệ, kết nối chuỗi cung ứng hàng Việt ra thị trường quốc tế.

Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Trung ương, TP.HCM chụp hình lưu niệm cùng kiều bào tại chương trình họp mặt đầu xuân năm 2024. Ảnh: HOÀNG GIANG
“Đặc biệt, kiều hối do kiều bào gửi về TP.HCM không ngừng tăng, chiếm 40%-53% tổng kiều hối về cả nước. Dòng kiều hối này đã góp phần rất lớn vào việc dịch chuyển dòng vốn, kích thích đầu tư, tiêu dùng và phát triển kinh tế TP” - bà Mai nhận xét.
Đến nay, TP.HCM đã có khoảng 500 chuyên gia, nhà khoa học là kiều bào tham gia giảng dạy, nghiên cứu tại các trường ĐH, viện nghiên cứu lớn của TP. Không chỉ trực tiếp đứng lớp, họ còn mang về những kiến thức mới, phương pháp giáo dục hiện đại và kết nối quốc tế cho thế hệ trẻ.
Bà VŨ THỊ HUỲNH MAI, Chủ nhiệm Ủy ban Về người VN ở nước ngoài TP.HCM:
Kiều bào lan tỏa bản sắc Việt khắp năm châu
Tôi xin gửi lời cảm ơn cộng đồng kiều bào vẫn luôn bền bỉ giữ gìn và lan tỏa tiếng nói, bản sắc Việt ở khắp năm châu.
Có lần đi thăm kiều bào ở nước ngoài, tôi gặp một cô giáo sáng mở quán ăn, sau giờ làm lại lặng lẽ tổ chức lớp dạy tiếng Việt cho kiều bào thế hệ thứ ba, thứ tư với mong muốn giữ gìn nguồn cội, tiếng nói của mình. Khi gặp gỡ bà con kiều bào, dù ở đâu, tôi cũng cảm nhận được sự ấm áp và mong muốn cống hiến mãnh liệt của họ với TP và đất nước.
...................................................
TS LÊ VÕ PHƯƠNG NGA, Giám đốc Tài chính và đối tác AVSE Global:
Vì TP.HCM hào sảng, nghĩa tình
Sự gắn bó của kiều bào với TP.HCM không chỉ đến từ tình cảm của một người con xa quê mà còn vì sự hào sảng, nghĩa tình của TP.HCM. Sự hào sảng, nghĩa tình đó khiến cho ai, dù đi đâu, về đâu đều cảm thấy yêu TP này.
Như bản thân tôi dù đã đi nước ngoài gần 25 năm nhưng gần như không có sự chia cắt về địa lý hay tinh thần với nơi đây. Sợi dây gắn kết với TP.HCM đã thúc đẩy tôi cần có những hành động cụ thể vì sự phát triển của TP. Đó cũng là lý do mà nhiều kiều bào hàng chục năm qua vẫn miệt mài cống hiến.
Kiều bào cũng thường xuyên tham gia các hội thảo, đóng góp ý kiến cho những chính sách lớn của TP, nhất là các chính sách lớn của TP.HCM như Nghị quyết 98, định hướng quy hoạch phát triển đô thị, kinh tế để xây dựng, kiến tạo TP ngày càng phát triển hơn.
Bà Mai cũng bày tỏ sự cảm kích vì kiều bào đã đồng hành cùng TP.HCM vượt qua những lúc khó khăn nhất như giai đoạn đại dịch COVID-19, với vật tư, trang thiết bị y tế, lương thực, thuốc men… Các chuyên gia y tế là kiều bào cũng sẵn sàng góp ý kiến, hiến kế cho lãnh đạo TP tìm ra hướng đi phù hợp để phòng, chống dịch. Điều đó giúp TP.HCM vượt qua giai đoạn đầy cam go, trở lại giai đoạn “bình thường mới” như hiện nay.
“Hay như mỗi khi đất nước gặp thiên tai, bão lũ; khi người nghèo cần được sẻ chia; khi trẻ em, phụ nữ khó khăn cần được nâng đỡ… thì kiều bào luôn có mặt, là “cánh tay nối dài” của các chính sách từ Nhà nước. Điển hình như đợt bão Yagi hồi năm ngoái, kiều bào đã đóng góp hơn 16 tỉ đồng để hỗ trợ đồng bào khắc phục hậu quả thiên tai” - bà Mai cho biết.
Tri ân kiều bào bằng hành động thiết thực
Không chỉ tri ân kiều bào bằng lời nói, bà Vũ Thị Huỳnh Mai khẳng định TP.HCM luôn tìm nhiều giải pháp để tìm đến, lắng nghe, chia sẻ, hành động, kết nối sức mạnh từ kiều bào từ khắp năm châu. Lãnh đạo, chính quyền TP luôn chủ động tổ chức chương trình họp mặt kiều bào hằng năm; thường xuyên tổ chức những hội nghị gặp gỡ kiều bào. Đây không chỉ là dịp để lắng nghe những sáng kiến hay, những gợi ý tích cực, mà còn là cơ hội để khơi gợi niềm tin, sự gắn bó và mong muốn tiếp tục cống hiến của kiều bào với TP.
Ngoài ra, TP còn cụ thể hóa sự trân trọng đó bằng những đề án, chính sách bài bản, mang tính chiến lược và lâu dài. Cụ thể, TP.HCM đã ban hành Đề án “Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP.HCM từ nay đến năm 2030”. Đây là đề án trọng điểm, nhằm “nắn dòng” kiều hối phục vụ cho các dự án, công trình đầu tư công quan trọng.
Bà Mai cho biết từ đề án này, TP.HCM sẽ thành lập Hiệp hội các công ty kiều hối, hình thành tổ tư vấn kiều hối và phát hành trái phiếu kiều hối nhằm khai thác hiệu quả nguồn lực này. Trong giai đoạn tới, Ủy ban Về người VN ở nước ngoài TP.HCM sẽ tham mưu lãnh đạo đưa những ý kiến, hiến kế của kiều bào vào các chương trình, kế hoạch phát triển của TP.
“Chúng tôi cũng sẽ rà soát lại toàn bộ các chính sách thu hút chuyên gia, trí thức VN ở nước ngoài và để từ đó làm cơ sở xây dựng những cơ chế thật sự hấp dẫn, tạo động lực mạnh mẽ để kiều bào tiếp tục hào hứng quay về đóng góp cho TP, cho đất nước” - bà Mai nhấn mạnh.

Bà Vũ Thị Huỳnh Mai cùng kiều bào tham quan địa đạo Củ Chi. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
Ngoài ra, Ủy ban Về người VN ở nước ngoài TP.HCM dự kiến xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu người VN ở nước ngoài. Qua đó, giúp TP.HCM nắm rõ được năng lực chuyên môn của từng nhóm kiều bào trong các lĩnh vực khác nhau và khi TP cần tham vấn, nghiên cứu hay mời gọi đầu tư, có thể kết nối đúng người, đúng việc.

Lãnh đạo Ủy ban về người VN ở nước ngoài TP.HCM cùng kiều bào dâng hương tại bảo tàng Tôn Đức Thắng, quận 1. Ảnh: BẢO PHƯƠNG
“Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với các sở, ngành để lựa chọn khoảng năm dự án trọng điểm hằng năm để làm công tác truyền thông có trọng tâm, tạo niềm tin và động lực đầu tư rõ ràng để thu hút kiều bào. Như câu nói “muốn đi nhanh thì đi một mình nhưng muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”, TP.HCM luôn luôn trân trọng từng bước đồng hành của kiều bào trên chặng đường phát triển của mình” - bà Mai khẳng định.•
Ngày mai (22-4), báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức Tọa đàm “Kiều bào hiến kế phát triển TP.HCM”
Vào lúc 8 giờ ngày 22-4, báo Pháp Luật TP.HCM sẽ tổ chức Tọa đàm “Kiều bào hiến kế phát triển TP.HCM” nhằm lắng nghe góp ý của kiều bào giúp TP.HCM bước vào kỷ nguyên mới.
Suốt hành trình phát triển của đất nước, kiều bào ta là một phần máu thịt không thể tách rời của dân tộc Việt Nam và đã có những đóng góp tích cực, thúc đẩy sự phát triển của TP.HCM. Tại TP.HCM đang có khoảng 500 chuyên gia, trí thức người Việt Nam từ nhiều quốc gia trở về hợp tác, làm việc dài hạn. Hơn 3.000 doanh nghiệp do kiều bào đầu tư đang hoạt động với tổng số vốn vượt 45.000 tỉ đồng.
Từ năm 2012 đến 2024, kiều hối chuyển về TP.HCM qua các kênh chính thức đạt hơn 77 tỉ USD. Riêng năm 2024, con số này là 10,03 tỉ USD (tương đương khoảng 260.000 tỉ đồng). Thực tế cho thấy cộng đồng kiều bào không chỉ đóng góp về tài chính, đầu tư, chuyên môn… mà còn là nguồn lực quý giá với nhiều sáng kiến, kinh nghiệm thực tiễn, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển bền vững của TP.HCM.
TP.HCM - với vị thế là đầu tàu kinh tế của cả nước, đang bước vào giai đoạn phát triển mới, cũng đang hướng đến phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng xanh, bền vững, nhằm trở thành trung tâm tài chính, khoa học và đổi mới sáng tạo hàng đầu trong khu vực.
Đáng chú ý, theo định hướng chung của Đảng và Nhà nước, cùng với kỳ vọng của nhân dân, TP.HCM đang mở rộng không gian phát triển, kết nối với Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong tiến trình này, vai trò và đóng góp, hiến kế của kiều bào sẽ càng trở nên thiết yếu.
Từ nhu cầu thực tiễn đó, Tọa đàm “Kiều bào hiến kế phát triển TP.HCM” do báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức sẽ là dịp để lắng nghe những hiến kế mang tính chiến lược và hành động từ các chuyên gia kiều bào. Đây cũng là hoạt động thiết thực nhân kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong dịp này, báo Pháp Luật TP.HCM sẽ ra mắt chuyên mục mới “Pháp lý cho kiều bào” nhằm giúp giải đáp các thắc mắc pháp luật của kiều bào đối với các vấn đề về kinh doanh, hành chính, tư pháp, hộ tịch, dân sự, hình sự…
Tọa đàm “Kiều bào hiến kế phát triển TP.HCM” sẽ được tổ chức tại trụ sở báo Pháp Luật TP.HCM, số 34 Hoàng Việt, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM.
Nguồn PLO: https://plo.vn/video/kieu-bao-cong-hien-rat-lon-cho-tphcm-va-ca-nuoc-post845536.html