Kiều bào mong có quốc tịch Việt Nam để đóng góp, phát triển đất nước
Ngày 22/4, trao đổi tại tọa đàm 'Kiều bào hiến kế phát triển TPHCM' do báo Pháp Luật TPHCM tổ chức, nhiều kiều bào bày tỏ mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục có những chính sách cởi mở để kiều bào có thêm cơ hội cống hiến cho đất nước.
TS.Ngô Phẩm Trân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam – Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, bà phấn khởi khi đất nước có chính sách cấp quốc tịch cho các kiều bào có cống hiến. Tuy nhiên, bà cũng cho rằng việc thực hiện chính sách này còn gặp khó khăn.

TS.Ngô Phẩm Trân trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: Nguyệt Nhi
Theo bà Trân, nếu muốn được nhập quốc tịch thì phải từ bỏ quốc tịch nước ngoài, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt kiều phải tự mình rút ra khỏi cộng đồng doanh nghiệp nước đó và vô hình trung sẽ đánh mất vị thế, cơ hội để kết nối và cống hiến nhiều hơn cho đất nước.
Bà Trân cho biết, kiều bào có quốc tịch nước sở tại sẽ dễ dàng hơn trong việc kết nối các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, có thể cống hiến cho TPHCM từ xa, mở rộng quan hệ kết nối.
“Bản thân tôi một tháng về nước hai, ba lần để đưa các doanh nghiệp nước ngoài vào TPHCM tìm hiểu môi trường đầu tư nhưng chỉ có thể dùng visa nên gặp nhiều hạn chế. Chúng tôi rất mong Nhà nước có chính sách cởi mở, tạo điều kiện hơn cho kiều bào trong việc cấp quốc tịch, đặc biệt là những kiều bào có đóng góp cho sự phát triển của đất nước”, vị này bày tỏ.
Theo TS Cao Vũ Minh, Trưởng bộ môn Luật Hành chính – Nhà nước, Trường đại học Kinh tế – Luật (Đại học Quốc gia TPHCM), ông nhận thấy rất nhiều kiều bào có mong muốn trở về quê hương. "Người Việt định cư ở nước ngoài quay về Việt Nam thường rất thành đạt, mạnh về tài chính nhưng lại không có “danh”, tức là quốc tịch", ông Minh nói.

TS Cao Vũ Minh.
Theo TS. Minh, Luật Quốc tịch 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định 3 trường hợp (Điều 19 Luật Quốc tịch): “Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam; có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam; có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Với trường hợp “là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam” thì đã rõ. Nhưng 2 trường hợp còn lại thì không có định nghĩa cụ thể. Việc này dẫn tới tình trạng có trường hợp dù 10 bằng khen nhưng không rõ có được xác định là đã đóng góp to lớn hay không. Việc này chỉ có cơ quan nhà nước mới dám công nhận nhưng họ cũng rất e dè.
“Nếu phải thôi quốc tịch nước ngoài thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ mất đi các chế độ, chính sách, ưu đãi… ở nước ngoài. Khi đó sẽ khó có thể đóng góp, hỗ trợ tối đa nguồn lực vào trong nước”, TS.Minh nhìn nhận.
Cũng theo TS.Minh, bên cạnh quy chế song tịch, kiều bào cũng cần sự thừa nhận thông qua vấn đề chức danh. Đối với viên chức, Luật Viên chức cho phép có 2 quốc tịch nhưng có điều kiện “phải cư trú tại Việt Nam”.
Bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM cho biết, TPHCM đang đứng trước thời cơ và vận hội chưa từng có khi hợp nhất với hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu để tạo thành một siêu đô thị. Đây là lúc thành phố rất cần các hiến kế của tri thức kiều bào, đặc biệt là về đào tạo nguồn nhân lực, cải cách hành chính, cải thiện môi trường cho siêu đô thị TPHCM.
“TPHCM đã có các chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học quay về với mức lương hấp dẫn. Trong bối cảnh mới, thành phố cũng mong muốn thu hút kiều bào về đóng góp dài hạn, tư vấn cho các dự án trọng điểm”, bà Mai nói.