Kiều bào muốn TP.HCM phát hành trái phiếu để thu hút kiều hối
Kiều bào gợi mở TP.HCM cần phát hành trái phiếu cho các dự án cụ thể để phát huy hiệu quả tối đa nguồn lực kiều hối.
Sáng 11-10, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai đề án “Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP.HCM từ nay đến năm 2030”.
Khuyến khích đầu tư từ kiều hối
Để phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối, TS Lê Thị Thanh Nhàn, giảng viên Đại học Quốc gia Úc, nhấn mạnh cần có chính sách khuyến khích đầu tư kinh doanh, xây dựng các chương trình đầu tư xã hội cho kiều bào và kết nối kiều bào với cơ hội kinh doanh trong nước.
Đặc biệt, bà Nhàn bày tỏ đồng tình với chính sách phát hành trái phiếu 5-10 năm dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng trong đề án “Chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TP.HCM từ nay đến năm 2030”.
Từ nội dung này, bà Nhàn gợi mở thêm cần phát hành trái phiếu cho các dự án cụ thể, với đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp huy động vốn và trả nợ. Bà kiến nghị cần có chính sách miễn hoặc ưu đãi thuế cho các khoản đầu tư của kiều bào nhằm tạo động lực để kiều bào tham gia đầu tư từ xa.
Để tận dụng nguồn kiều hối nhỏ lẻ, bà Nhàn đề xuất các cơ quan chức năng kết hợp với các ngân hàng thương mại có lãi suất ưu đãi cho những khoản kiều hối được giữ trong tài khoản ngân hàng mà không rút ra ngay lập tức.
TS Lê Thị Thanh Nhàn đánh giá kiều bào đang dành nhiều nguồn lực cho các dự án xã hội, giáo dục và y tế. Vì thế, TP cần xây dựng phương án huy động và tiếp cận hiệu quả nguồn lực này.
“Chúng ta có thể kết nối với các kiều bào đã thực hiện các dự xã hội, ghi nhận đóng góp của họ và gợi mở rằng TP có thể giúp các hoạt động này có tính lan tỏa rộng hơn, nhiều hơn. Từ đó, đồng hành cùng kiều bào trong việc mở rộng hơn các dự án đầu tư vào y tế, giáo dục và các dự án cộng đồng” - bà Nhàn gợi ý.
Để các hội, đoàn ở nước sở tại là ‘cánh tay nối dài’ của TP.HCM
Bà Lê Minh Châu, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Úc, nhìn nhận nhờ các chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài mà số lượng hội, đoàn, doanh nhân, trí thức, kiều bào có mong muốn đóng góp cho đất nước đang ngày càng tăng.
Bà Châu đánh giá số hội đoàn, cá nhân tích cực ngày càng lớn mạnh tại Úc đã trở thành lực lượng nòng cốt, thông tin kịp thời trong cộng đồng về những lợi ích thiết thực của việc đầu tư, kinh doanh ở trong nước.
Bà Châu đề nghị TP.HCM thông tin đầy đủ, kịp thời về quá trình triển khai đề án, lợi ích của chính sách thu hút kiều hối tới tổ chức hội đoàn để thông tin rộng rãi trong cộng đồng kiều bào và thúc đẩy khả năng mở rộng hợp tác với TP.
“Ở góc độ là cơ quan đại diện tại Úc, chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy sự hợp tác, gắn kết giữa các hội đoàn, tiến tới hình thành một mạng lưới liên kết và xây dựng kênh kết nối hiệu quả đối với những chính sách thu hút nguồn lực, tăng trưởng kiều hối của TP” - bà Châu cam kết.
Ngoài ra, bà Châu gợi mở TP.HCM tạo điều kiện gắn kết hơn nữa quan hệ giữa các hội đoàn kiều bào với các tổ chức, địa phương, doanh nghiệp của TP.HCM để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, hợp tác khoa học công nghệ.
Cùng quan điểm này, TS Trần Hải Linh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc, cho rằng TP.HCM cần có giải pháp hợp tác mạnh mẽ hơn để các hội, đoàn tại các nước sở tại sẽ trở thành ‘cánh tay nối dài’ thông tin kịp thời các chủ trương, chính sách đến cộng động kiều bào.
“Phải để lực lượng này trở thành cánh tay nối dài của TP.HCM, tăng cường tính chủ động, tương tác với cơ quan chức năng trong nước để kịp thời góp ý đề xuất các chủ trương sát với thực tiễn, đồng thời là cầu nối thông tin cho các kiều bào tại nước sở tại” - ông Linh gợi mở.
TP.HCM đang đứng trước cơ hội lớn để huy động sức mạnh kiều bào
Phát biểu tại hội nghị, bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, đánh giá kiều hối là nguồn lực nội tại có sẵn và có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM.
Theo bà Mai, việc phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối không chỉ là một nhiệm vụ chiến lược của TP.HCM mà còn là sự kỳ vọng và trách nhiệm của toàn thể người Việt Nam ở nước ngoài.
“Với sự phê duyệt đề án, chúng ta đang đứng trước một cơ hội lớn để tận dụng tối đa sức mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho TP.HCM và cả nước” - bà Mai nói.
Bà Mai cho biết trong giai đoạn tới Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM sẽ tập trung vào sáu nhóm giải pháp để phát huy nguồn lực kiều hối.
Trong đó, về các giải pháp về cơ chế, chính sách để thu hút kiều hối, TP dự kiến phát hành trái phiếu TP để thu hút kiều hối đầu tư vào các công trình hạ tầng; hình thành các quỹ sản xuất từ dòng kiều hối; tăng nguồn chất lượng xuất khẩu lao động, đẩy mạnh cải cách hành chính,…
TP cũng sẽ có giải pháp đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về chính sách kiều hối; cải thiện môi trường đầu tư; phát triển văn hóa, thể thao, du lịch cho kiều bào; đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước.