Kiểu chào của Đức Quốc xã có phải có nguồn gốc từ La Mã?

Theo thợ săn sử bịa Jo Hedwig Teeuwisse, không có bằng chứng lịch sử nào cho thấy kiểu chào của Đức Quốc xã có nguồn gốc từ La Mã.

Có thể bạn đã nghe

Bất cứ khi nào Đức Quốc xã và Phát xít Italy chào nhau, họ sẽ giơ cánh tay phải lên trời với những ngón tay duỗi thẳng. Kiểu chào này bắt nguồn từ thời La Mã cổ đại và được gọi là il saluto romano.

Vạch trần

Đây là một trong những kiến thức lịch sử sai lầm nhưng phổ biến; nó thường được chấp nhận là đúng trong một thời gian dài, đến nỗi suy nghĩ cho rằng điều đó là vô lý, sẽ khiến cho tâm trí ta có chút bối rối khi lần đầu tiên nghe thấy.

Rồi tiếp theo là gì nữa? Động tác giơ ngón tay cái lên không liên quan đến việc người ta quyết định cuộc đời của một đấu sĩ hay sao?

Chà… tôi sẽ nói về việc này trong một chương khác. Ít nhất là một lần, chúng ta không thể đổ lỗi cho Đức Quốc xã nói riêng hay phe Phát xít nói chung về loại tin đồn này.

Ta có thể đổ lỗi cho đám đông vì đã không nghiên cứu kỹ lưỡng, nhưng không có gì đáng ngạc nhiên khi họ không quan tâm đến sự thật, thích bỏ qua hoặc thay đổi lịch sử nếu nó không phù hợp với câu chuyện mà họ muốn kể.

Đây là một ví dụ điển hình về việc mọi người chọn tin vào phiên bản lịch sử giả tưởng hơn là thực tế, vì nó rất phù hợp với góc nhìn của họ. Tất nhiên, những kẻ Phát xít - đặc biệt là người Italy - rất thích sử dụng lịch sử và các biểu tượng La Mã để khiến phong trào của họ trông đáng tin cậy hơn cũng như có sự truyền thừa từ những vị tổ tiên đã cai trị phần lớn thế giới mà ta đã biết.

 Bức The Oath of the Horatii (Lời thề của Horatii) của Jacques-Louis David vẽ năm 1874. Nguồn: wikipedia.

Bức The Oath of the Horatii (Lời thề của Horatii) của Jacques-Louis David vẽ năm 1874. Nguồn: wikipedia.

Kiểu chào rất quan trọng, đặc biệt trong trường hợp bạn tham gia một câu lạc bộ quân sự, mặc đồng phục, vẫy cờ và diễu hành. Kết quả là người Ý đã rất vui khi tìm ra cách chào mà họ cho rằng có mối liên hệ trực tiếp với các anh hùng của họ, những người La Mã.

Vì vậy, Đảng Quốc gia Phát xít (Partito Nazionale Fascista) của Mussolini đã áp dụng cách chào này, vì nó thường được cho là có nguồn gốc từ La Mã. Còn Đức Quốc xã?

À thì họ chỉ sao chép thành quả của bạn bè mình thôi, dù sau đó tuyên bố động tác này cũng có nguồn gốc từ người Đức cổ… mà đúng là như vậy, có phải không? Thậm chí, ngay cả Mussolini cũng chôm nó từ những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan khác ở Ý, chẳng hạn như Gabriele D’Annunzio.

Nhưng ý tưởng chào kiểu La Mã đến từ đâu? Dù ở Hy Lạp và La Mã cổ đại có cả kiểu chào và động tác đó, nhưng những gì mà chúng ta biết không đủ thuyết phục để nói rằng, “kiểu chào La Mã” là có thật với một ý nghĩa cụ thể.

Tuy nhiên, vào năm 1784, Jacques-Louis David đã vẽ bức The Oath of the Horatii (Lời thề của Horatii), trong đó mô tả một câu chuyện huyền thoại về những người La Mã đã hứa sẽ chiến đấu cho thành phố của mình và tuyên thệ với đôi tay dang rộng, thẳng - đúng vậy, đó là “kiểu chào của người La Mã”.

Bức tranh này đã gây được tiếng vang lớn và tất nhiên, chủ đề này rất hấp dẫn đối với những người theo chủ nghĩa Phát xít cũng như Đức Quốc xã sau này.

Tôi không chắc có ai đã miêu tả kiểu chào của người La Mã trước bức tranh này không, nhưng rõ ràng là sau khi bức tranh được vẽ, thì chúng ta bắt đầu nhìn thấy kiểu chào này ở khắp mọi nơi, rất lâu trước khi bọn Phát xít chạm tay vào nó và có ý định xào xáo.

Nó phù hợp với quan điểm mà mọi người đã có về thời La Mã, hoặc có thể đó chỉ là thứ mà các giám đốc nhà hát, nhà văn, họa sĩ đang tìm kiếm. Đến gần đây, thực tế là không có bằng chứng lịch sử nào cho thấy kiểu chào có nguồn gốc từ La Mã này đã bắt đầu bén rễ và nó ngày càng ít xuất hiện trên phim ảnh cũng như truyền hình. Triển thôi!

Jo Hedwig Teeuwisse / Thái Hà Books - NXB Thế giới

Nguồn Znews: https://znews.vn/kieu-chao-cua-duc-quoc-xa-co-phai-co-nguon-goc-tu-la-ma-post1515150.html