Kim Bảng chuyển dịch lao động nông nghiệp sang dịch vụ, du lịch
Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, chuyển dịch lao động nông nghiệp sang dịch vụ, du lịch, công nghiệp là một chủ trương của Huyện ủy Kim Bảng nhằm đáp ứng nguồn nhân lực trước mắt cho Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao, KCN Đồng Văn IV và từng bước phục vụ cho mục tiêu hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và trở thành thị xã Kim Bảng.
Vệ sinh sản phẩm trước khi nung, tại cơ sở gốm Phú Thỏa (thị trấn Quế). Ảnh: Việt Linh
Thực hiện chủ trương này, những năm qua, các cấp chính quyền từ huyện đến cơ sở đã xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm là phát triển và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đối tượng đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, bảo đảm số lao động được sử dụng sau đào tạo đạt tỷ lệ cao nhất.
Hằng năm, UBND huyện triển khai kế hoạch khảo sát nhu cầu học nghề cho lao động nông thôn tại các xã, thị trấn làm cơ sở triển khai kế hoạch đào tạo nghề cho từng năm. Thực tế, việc khảo sát nhu cầu học nghề, tổ chức đào tạo, giới thiệu việc làm (danh sách lao động sau đào tạo được đăng tải trên cổng thông tin, chủ động phối hợp cùng doanh nghiệp để giới thiệu lao động đã qua đào tạo…) đã trở thành nền nếp hằng năm ở địa phương.
Cùng với đó, hoàn thành kế hoạch đào tạo theo chương trình khuyến công và chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó ưu tiên đào tạo cho lao động bị thu hồi đất nông nghiệp có việc làm, thu nhập ổn định. Huyện cũng chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các ngành, đoàn thể, Đài truyền thanh huyện, các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tuyên truyền chủ trương, chính sách về đào tạo nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động, thực hiện quy hoạch phát triển công nghiệp, du lịch theo nội dung của chủ trương nâng cao chất lượng đào tạo nghề, chuyển dịch lao động nông nghiệp sang dịch vụ, du lịch, công nghiệp. Chú trọng dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với nâng cao kỹ năng nghề, tác phong công nghiệp, an toàn vệ sinh lao động.
Phối hợp với các doanh nghiệp trong việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn và cam kết sử dụng lao động sau đào tạo để tổ chức sản xuất kinh doanh; phối hợp với các doanh nghiệp, các xã, thị trấn tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề vào quý I hằng năm. Đồng thời phối hợp với các trung tâm dịch vụ việc làm, các doanh nghiệp trong và ngoài huyện, các xã, thị trấn mở các phiên giao dịch, tư vấn, giới thiệu việc làm. Như vậy, trong thực hiện công tác đào tạo, giải quyết việc làm…, huyện luôn có sự phân công rõ trách nhiệm đối với các xã, thị trấn cũng như cơ sở đào tạo và cơ quan quản lý nhà nước.
Thực tế các năm cho thấy, số lao động qua khảo sát có nhu cầu học nghề trên địa bàn huyện khoảng từ 1.200 - trên 1.700 lao động, trong đó nhu cầu học các nghề phi nông nghiệp (thêu ren, điện, may công nghiệp, lái xe, hướng dẫn viên du lịch, chế biến món ăn…) chiếm tỷ lệ cao. Công tác đào tạo nghề của huyện tập trung ưu tiên đối tượng học nghề thuộc hộ nghèo, hộ chính sách, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp và người khuyết tật. Các đối tượng được đào tạo nghề là những lao động trong độ tuổi từ đủ 15-60 tuổi đối với nam; từ đủ 15-55 tuổi đối với nữ). Thực tế, tỷ lệ lao động nữ tham gia học nghề ở địa phương chiếm hơn 85%.
Điều đáng ghi nhận trong quá trình thực hiện nâng cao chất lượng đào tạo nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động ở Kim Bảng đó là đã phát huy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vai trò của cấp ủy, đặc biệt là người đứng đầu. Gắn đào tạo nghề với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Xác định vùng trọng điểm để đào tạo nghề trên cơ sở khảo sát nhu cầu học nghề (tập trung cho các địa phương có lao động bị thu hồi đất và chuyển dịch lao động nông nghiệp sang dịch vụ, du lịch, công nghiệp trọng tâm đáp ứng nguồn nhân lực Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao, KCN Đồng Văn IV). Thay đổi cơ chế, ngành, nghề đào tạo, bước đầu đã lấy nhu cầu thị trường làm mục tiêu đào tạo và giải quyết việc làm, từng bước gắn với doanh nghiệp có sử dụng lao động. Cùng với phát triển nhiều mô hình đào tạo nghề, khuyến khích việc truyền nghề, quan tâm hỗ trợ việc phát triển truyền nghề ở các làng nghề…
Nhờ những nỗ lực đó, kết quả giai đoạn 2016-2020, toàn huyện đã đào tạo nghề cho 12.012/12.000 lao động, đạt 100,1% kế hoạch đề ra. 85% lao động sau đào tạo có việc làm. Số lao động được giải quyết việc làm mới bình quân 3.568/3.500 lao động/năm, đạt 101,94% kế hoạch. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 đạt 65%, bằng 100% kế hoạch; có chứng chỉ bằng cấp 51,4%. Tỷ lệ lao động nông nghiệp trên địa bàn huyện còn 29,5% so với tổng lao động xã hội, giảm 5,5% so với năm 2018. Con số này cho thấy, kết quả chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ của huyện đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang dịch vụ, công nghiệp, du lịch, đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ cho khu du lịch, khu công nghiệp và xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu, tiến tới mục tiêu trở thành thị xã Kim Bảng, huyện tập trung xây dựng chương trình đào tạo nghề để hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra. Tăng cường công tác tuyên truyền về hiệu quả đào tạo nghề để người lao động nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng có tính bền vững trong việc học nghề. Nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện.
Đặc biệt chú trọng đào tạo nghề theo nhu cầu và gắn với việc làm ổn định; tiếp tục tập trung đào tạo lao động tại các địa phương bị thu hồi đất. Quan tâm tuyển dụng và đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên và người làm công tác quản lý; không ngừng đổi mới nội dung, chương trình đào tạo phù hợp nhu cầu học nghề; phối hợp các hình thức liên kết đào tạo có chất lượng, bảo đảm cơ hội tìm kiếm việc làm sau đào tạo theo hướng chuyển dịch lao động nông nghiệp sang dịch vụ, du lịch, công nghiệp. Ngoài ra, huyện cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác dạy nghề một cách toàn diện từ khâu khảo sát, tuyển sinh, quá trình đào tạo, cấp phát bằng, chứng chỉ nghề.
Thu Thảo
Thu Thảo, Bùi Tuấn