Kim chỉ nam cho thương hiệu Việt trên sân chơi toàn cầu

Dẫn dắt người tiêu dùng đồng hành cùng phát triển bền vững chính là kim chỉ nam cho các thương hiệu Việt tạo sự khác biệt và nâng tầm trên sân chơi toàn cầu.

Dành trọn sự nghiệp cho khát vọng nâng tầm thương hiệu quốc gia Việt Nam, bà Trần Tuệ Tri, đồng sáng lập kiêm cố vấn cấp cao Vietnam Brand Purpose tin tưởng rằng một ngày nào đó, thế giới sẽ ghi danh những thương hiệu Việt Nam trong nhóm 500 thương hiệu mạnh nhất thế giới.

Bà Trần Tuệ Tri, đồng sáng lập kiêm cố vấn cấp cao Vietnam Brand Purpose

Bà Trần Tuệ Tri, đồng sáng lập kiêm cố vấn cấp cao Vietnam Brand Purpose

Theo bà Tri, phát triển bền vững chính là chìa khóa để các thương hiệu Việt tạo sự khác biệt trên sân chơi toàn cầu.

Để đạt được điều này, các thương hiệu cần tập trung vào người tiêu dùng, hướng họ đến hành vi tiêu dùng bền vững. Chỉ khi người tiêu dùng thật sự có nhu cầu về sản phẩm bền vững, doanh nghiệp mới có thể phát triển bền vững quy mô lớn và thu hẹp khoảng cách giữa mong muốn và thực tế.

"Khi thương hiệu truyền tải thông điệp đúng, người tiêu dùng sẽ hành động đúng. Do đó, thương hiệu cần biến vấn đề của doanh nghiệp thành vấn đề mà người tiêu dùng muốn giải quyết, từ đó góp phần đưa ra các giải pháp bền vững", bà Tri nhấn mạnh trong diễn đàn “Thương hiệu dẫn dắt bền vững” do Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (Huba) và Vietnam Brand Purpose phối hợp tổ chức mới đây.

Ông Lý Huy Sáng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Long cho biết, nhóm khách hàng quan tâm đến tính bền vững của doanh nghiệp này đang ngày càng trẻ hóa. Vì vậy, Minh Long tập trung tương tác và giáo dục học sinh về các sản phẩm và hành động tích cực đối với môi trường. Những người trẻ này sẽ lan tỏa nhận thức mới đến gia đình, góp phần tạo ra thế hệ tiêu dùng thông thái.

Minh Long cũng đã chuyển từ sử dụng than gỗ sang sử dụng điện, giúp giảm 60% lượng phát thải khí nhà kính, đồng thời tái chế nguyên liệu phụ phẩm để tiết kiệm tài nguyên. Một ví dụ điển hình là sản phẩm chai sứ tái sử dụng của Minh Long, không chỉ giúp giảm rác thải nhựa mà còn tôn vinh văn hóa Việt Nam.

Công ty CP Tập đoàn Thiên Long, dưới sự dẫn dắt của CEO Trần Phương Nga, đã chọn cách tiếp cận đa dạng để xây dựng thương hiệu bền vững. Bà Nga cho rằng để duy trì vị trí của mình, doanh nghiệp cần có tinh thần hội nhập và đa dạng hóa. Thiên Long đã phát triển năm nhóm sản phẩm gồm bút viết, dụng cụ mỹ thuật, dụng cụ học sinh, văn phòng phẩm và dòng cao cấp.

Công ty cũng tập trung vào việc cải thiện tính bền vững trong quá trình sản xuất, như sử dụng nhựa tái chế cho các sản phẩm như tấm bảng đen và bút bi. Tuy nhiên, việc sản xuất các sản phẩm xanh này đã không ít lần gặp khó khăn về chi phí và chất lượng, đòi hỏi sự kiên trì và điều chỉnh liên tục từ doanh nghiệp. Thiên Long cũng đầu tư mạnh vào thương mại điện tử để giúp tiếp cận người tiêu dùng thuận lợi hơn.

Trong khi đó, Nestlé Waters, với sản phẩm Lavie, đã tập trung vào việc truyền thông về lợi ích của nước khoáng tự nhiên để thúc đẩy người tiêu dùng thay đổi thói quen.

Bà Lê Thanh Tú, Giám đốc Tiếp thị và phát triển bền vững của Nestlé Waters cho biết, sau đại dịch, xu hướng tiêu dùng bền vững đã trở nên rõ ràng hơn. Doanh nghiệp này còn khuyến khích việc sử dụng bền vững thông qua các sáng kiến như bao bì tái chế và chương trình thu gom, tái chế chai nhựa.

Người tiêu dùng sẵn sàng chi tiền cho thương hiệu bền vững

Theo một khảo sát mới nhất với người tiêu dùng Việt, ông Phil Worthington, Giám đốc Khách hàng cấp cao của MetrixLab, cho biết 81% khách hàng cho rằng nỗ lực bền vững của thương hiệu đóng vai trò quan trọng trong quyết định mua hàng. Khoảng 82% người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm cho các sản phẩm bền vững và 72% sẵn sàng trả thêm 10% hoặc cao hơn.

Khảo sát PwC 2024 Voice of the Consumer cũng cho thấy con số tương tự khi người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm 9,7% cho sản phẩm bền vững ngay cả khi chi phí sinh hoạt tăng. Bền vững được coi là quan trọng nhất với nhóm tuổi 18 - 24.

Đối với người tiêu dùng Việt Nam, phần lớn bền vững được gắn với các mối quan tâm về môi trường, sau đó là xã hội, tiếp theo là kinh tế. Nguồn: MetrixLab

Đối với người tiêu dùng Việt Nam, phần lớn bền vững được gắn với các mối quan tâm về môi trường, sau đó là xã hội, tiếp theo là kinh tế. Nguồn: MetrixLab

VinFast và Vinamilk là những ví dụ điển hình về nỗ lực phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt Nam. Theo Brand Finance, VinFast đã tăng giá trị thương hiệu lên 140%, nhờ cam kết đạt mục tiêu net-zero, phát triển xe điện và sử dụng năng lượng tái tạo. Trong khi đó, Vinamilk dẫn đầu bảng xếp hạng ESG nhờ chuyển đổi từ sản phẩm hữu cơ sang sản xuất thực phẩm bền vững, thể hiện cam kết mạnh mẽ với môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.

Điều này phù hợp với xu hướng trên thị trường toàn cầu. Bà Marie-Anne Aymerich, Chủ tịch Ủy ban Phát triển bền vững của Haleon Global khẳng định, nếu làm đúng và thực sự tích hợp vào trung tâm thương hiệu, bền vững sẽ giúp thương hiệu thu hút người tiêu dùng.

Nhờ tập trung vào phát triển bền vững lâu dài, Dove đã tạo nên sức hút mạnh mẽ với giới trẻ, giúp tăng thị phần gần gấp đôi tại các thị trường có chiến dịch bền vững.

Vững bước trên một hành trình gian nan

Việc phát triển theo hướng bền vững đối với các doanh nghiệp là một hành trình đầy thử thách. Một trong những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp khi xây dựng thương hiệu bền vững là việc cân đối giữa chi phí và lợi nhuận, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ phải đối mặt với áp lực từ cả thị trường và người tiêu dùng trong khi vẫn phải đầu tư mạnh mẽ vào các giải pháp bền vững.

Bà Nga cho biết, xây dựng thương hiệu bền vững là một chặng đường dài, và với các doanh nghiệp nhỏ, đây là một thách thức lớn vì cần nguồn lực tài chính vững mạnh.

Cách đây hơn 10 năm, Thiên Long đã sản xuất các sản phẩm như tấm bảng đen, bút bi, các tấm pallet dùng trong nhà máy từ nhựa tái chế. Tuy nhiên, công ty đã phải 'trả giá' khi nhiều lần sản phẩm không đạt như mong đợi, chất lượng không như ý và chi phí đầu tư cao. Bà Nga nhấn mạnh rằng để thành công, cần giảm chi phí, cải thiện mẫu mã và truyền tải thông điệp rõ ràng đến người tiêu dùng.

Gần đây, sự cạnh tranh khốc liệt từ hàng Trung Quốc giá rẻ cùng sự phát triển của thương mại điện tử đã khiến Thiên Long gặp khó khăn, thêm vào đó là tình trạng hàng giả tràn lan.

Trong khi đó, lãnh đạo thương hiệu Gốm Minh Long cho biết doanh nghiệp gặp không ít thách thức trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Ông Sáng cho biết, phải mất tới 10 năm để thương hiệu cho ra đời bình, ly sứ thiết kế có thể dùng lại với hình ảnh danh lam thắng cảnh các vùng miền để tour du lịch phát cho du khách nhằm giảm thiểu rác thải nhựa. Đặc biệt, tượng ba cô gái Bắc Trung Nam thể hiện văn hóa Việt Nam, quà tặng lưu niệm rất ý nghĩa cho khách du lịch là ý tưởng của Minh Long, có đăng ký bản quyền. Tuy nhiên, các hình ảnh này vẫn bị sử dụng tràn lan trên thị trường.

Gặp nhiều thách thức là vậy nhưng vị CEO Thiên Long vẫn tin tưởng vào con đường bền vững mà doanh nghiệp đang đi, cho rằng điều quan trọng là tư duy lãnh đạo phải xuất phát từ tâm, với mong muốn làm điều tốt cho xã hội để không ngừng nỗ lực.

"Để xây dựng doanh nghiệp dẫn dắt bền vững thì trước hết doanh nghiệp phải có chủ ý tốt, quan tâm tới cộng đồng, lấy người tiêu dùng làm trọng tâm. Chỉ khi được khách hàng tin tưởng và ủng hộ, doanh nghiệp mới phát triển bền vững, trường tồn", lãnh đạo Minh Long khẳng định.

Quỳnh Chi

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/kim-chi-nam-cho-thuong-hieu-viet-tren-san-choi-toan-cau-d38067.html