Nhân lực cho đường sắt Tốc độ cao Bắc - Nam: Trường đại học trở tay không kịp

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khi triển khai sẽ cần số lượng lớn nguồn nhân lực. Nhưng hiện nay, các trường đại học trong nước khó có thể đào tạo kịp với nhu cầu thực tế.

Thí sinh chưa thấy sự hấp dẫn của ngành vận tải đường sắt. Ảnh: NGHIÊM HUÊ

Thí sinh chưa thấy sự hấp dẫn của ngành vận tải đường sắt. Ảnh: NGHIÊM HUÊ

Cần hàng trăm nghìn nhân lực

Theo dự báo của ngành giao thông, với Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, nguồn nhân lực xây dựng, vận hành có thể chia thành 4 khối có nhu cầu phát sinh lớn gồm: nhân lực quản lí dự án; tư vấn; thầu xây dựng và khai thác vận hành.

Ngành giao thông cho rằng, nhân lực xây dựng, vận hành đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được tính toán căn cứ trên phương án và tiến độ triển khai đầu tư xây dựng, khai thác gồm nhu cầu nhân lực quản lí dự án giai đoạn 2025-2027, sẽ cần khoảng 300-500 nhân lực; cao điểm nhất giai đoạn 2028 - 2032 khi triển khai đồng thời cả 3 đoạn tuyến của dự án với số lượng khoảng 700 - 900 nhân sự và giai đoạn 2032-2035 sẽ giảm về 300-500 nhân lực. Nhu cầu nhân lực tư vấn khảo sát, thiết kế và giám sát thi công được huy động theo tiến độ dự án và cao điểm nhất vào năm 2026 - 2028, giai đoạn triển khai thiết kế tổng thể kĩ thuật với số lượng khoảng 1.100 - 1.300 nhân sự. Tư vấn là nhóm nhân lực có yêu cầu cao nhất về trình độ và chuyên ngành (100% nhân sự có trình độ đại học trở lên). Theo kinh nghiệm quốc tế, lực lượng tư vấn nên có khoảng 3-5% nhân lực có trình độ tiến sĩ chuyên ngành hạ tầng, đoàn tàu, cấp điện, thông tin tín hiệu, công nghệ thông tin đường sắt tốc độ cao. Khoảng 90% nhân lực tư vấn yêu cầu các chuyên ngành kĩ thuật, 10% chuyên môn kinh tế, tài chính, thể chế, môi trường, xã hội. Trong đó, 2 chuyên ngành yêu cầu số lượng lao động lớn nhất là xây dựng (36%) và quản lí xây dựng (26%). Yêu cầu tư vấn chuyên môn chuyên ngành đường sắt chiếm khoảng 35 - 40% tổng số nhân lực, trong đó, có khoảng 3-5% nhân sự thuộc các chuyên môn rất đặc thù như: công nghiệp đường sắt tốc độ cao, vật liệu...

Nhu cầu nhân lực xây dựng là nhóm có nhu cầu lớn nhất trong suốt quá trình triển khai đầu tư xây dựng, khai thác vận hành dự án với nhu cầu lúc cao điểm lên đến khoảng 180.000 - 240.000 nhân sự. Khoảng 90- 95% nhân lực xây dựng là công nhân kĩ thuật và phần lớn thuộc các nhóm nghề phổ thông, đang được đào tạo rộng rãi như xây dựng, nề, bê tông, điện... Số lượng công nhân kĩ thuật yêu cầu chuyên môn chuyên ngành đường sắt và đường sắt tốc độ cao chỉ khoảng 3 - 5% như hàn, kết cấu thép... Thời kì cao điểm cần huy động tới 15.000 - 20.000 kĩ sư (chủ yếu là kĩ sư xây dựng, làm việc trên các công trường dự án, trong đó khoảng 20-30% kĩ sư chuyên ngành đường sắt và đường sắt tốc độ cao).

Nhu cầu nhân lực vận hành, khai thác phụ thuộc rất lớn vào quy trình, công nghệ và công suất khai thác. Nghiên cứu tiền khả thi đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và Đề án Tái cơ cấu Đường sắt Việt Nam đã xây dựng vị trí việc làm, dự kiến nhân lực vận hành, khai thác cho 2 đoạn tuyến Hà Nội - Vinh và TPHCM - Nha Trang năm 2032 - 2033 là gần 6.000 lao động; đoạn Vinh - Nha Trang năm 2035-2036 là gần 8.000 lao động. Như vậy, đến năm 2035, cần hoàn thành đào tạo gần 14.000 nhân sự vận hành, khai thác toàn tuyến.

Về trình độ, 20% nhân lực khai thác, vận hành yêu cầu trình độ đại học trở lên. 80% là lực lượng lao động trực tiếp, chỉ yêu cầu trình độ cao đẳng hoặc trung cấp.

Ông Vũ Hồng Phương, Giám đốc Ban Quản lí dự án Đường sắt cho rằng, cần có ưu đãi để các cơ sở đào tạo trong nước liên danh liên kết với nước ngoài, từ giáo trình, giáo viên, giảng viên để đào tạo trong nước, hoặc đưa ra nước ngoài đào tạo những chuyên ngành đặc thù.

Vừa đào tạo, vừa đổi mới chương trình

Hiện cả nước có 3 trường đại học có truyền thống đào tạo các ngành liên quan đến vận hành, khai thác đường sắt là ĐH Giao thông vận tải, ĐH Giao thông TPHCM và ĐH Công nghệ Giao thông vận tải. TS Nguyễn Quốc Trinh (Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải), cho biết rằng, đang đào tạo trực tiếp cho ngành đường sắt gồm Cầu đường sắt, Đường sắt metro, Đầu máy toa xe, Khai thác vận tải đường sắt; ngoài ra còn các ngành liên quan như Công nghệ thông tin, Cơ điện tử… Tuy nhiên, các ngành học của đường sắt thuộc khối kĩ thuật, sức hút không cao đối với người học. Đây cũng là nhóm ngành có điểm chuẩn thuộc diện thấp nhất của trường và rất khó khăn trong tuyển sinh. Tổng chỉ tiêu các ngành chỉ khoảng 200 nhưng hằng năm tuyển không đủ.

PGS.TS Nguyễn Thanh Chương (Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Giao thông Vận tải) cho hay, nhà trường đào tạo các ngành kĩ thuật xây dựng công trình giao thông liên quan đến hạ tầng đường sắt. Ngành cơ khí về đầu máy toa xe, ngành kĩ thuật điều khiển và tự động hóa liên quan đến điều khiển và thông tin chạy tầu, ngành khai thác vận tải và kinh tế vận tải liên quan đến tổ chức chạy tầu, quản lí vận hành chạy tầu. Số lượng tuyển sinh những ngành này khoảng vài trăm chỉ tiêu.

Đường sắt tốc độ cao tuy dựa trên nền tảng cơ bản của đường sắt nhưng công nghệ, kĩ thuật yêu cầu ở trình độ rất cao, đòi hỏi các trường ĐH phải cập nhật chương trình đào tạo. Ông Chương cho hay, nhà trường đã bổ sung và điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển của ngành đường sắt, đồng thời thêm các kiến thức của đường sắt tốc độ cao, kiến thức học tập của Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Về tuyển sinh hiện nay, nhà trường đang đào tạo cho các công ty, doanh nghiệp tư vấn, xây dựng công trình để họ chuẩn bị cho giai đoạn mới.

Ông Trinh cho biết, thời gian qua, nhà trường đã cử 10 giảng viên đi học tập tại Hàn Quốc; sắp tới sẽ tiếp tục đưa giảng viên đi học tập tại Trung Quốc. Có thể thấy, nhu cầu nhân lực ngành đường sắt rất lớn, nhưng hiện nay, chỉ tiêu đào tạo của những ngành này không cao do không thu hút được người học. Ông Trinh đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ người học khi lựa chọn những ngành này để phục vụ nhu cầu của đất nước.

NGHIÊM HUÊ

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nhan-luc-cho-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-truong-dai-hoc-tro-tay-khong-kip-post1694455.tpo