Kim chỉ nam xây dựng nền văn hóa mới

Ra đời trong tình thế nước sôi lửa bỏng của cuộc cách mạng sinh tử giải phóng dân tộc, Đề cương văn hóa Việt Nam (1943) không chỉ giải quyết tình thế cấp bách khi đó, mà còn là 'sợi chỉ đỏ' xuyên suốt các văn kiện sau này của Đảng về văn hóa, văn nghệ, góp phần định hướng và dẫn đạo nền văn hóa Việt Nam trong 80 năm qua và cả giai đoạn hiện nay.

Tiên phong mở đường

Ra đời tháng 2.1943, Đề cương văn hóa Việt Nam đã thể hiện một tầm nhìn xa, tư duy lý luận sắc bén, sự đúc kết thực tiễn sâu sát của một Đảng non trẻ mới có 13 năm kinh nghiệm lãnh đạo cách mạng. Theo GS.TS. Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Đề cương đã đặt nền móng lý luận căn bản cho nhiều vấn đề văn hóa Việt Nam, từ đó góp phần thống nhất nhận thức, tư tưởng trong toàn Đảng, định hướng học thuật cho những người làm văn hóa nghệ thuật. Đó trước hết là những vấn đề căn cốt như: quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị; vai trò của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng; chức năng của văn hóa nghệ thuật (nghệ thuật vị nhân sinh); sự ưu thắng của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử; nguyên tắc và cách thức đấu tranh cho một nền văn hóa độc lập, tự chủ, khoa học, đại chúng, tiến bộ...

Tinh thần, nội dung cốt lõi của Đề cương văn hóa Việt Nam còn nguyên giá trị. Nguồn: tuyengiao.vn

Tinh thần, nội dung cốt lõi của Đề cương văn hóa Việt Nam còn nguyên giá trị. Nguồn: tuyengiao.vn

Bên cạnh đó, Đề cương có giá trị thực tiễn quan trọng ở chỗ đã xác lập đúng đắn ba nguyên tắc cơ bản của cuộc vận động văn hóa Việt Nam là: dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Thực tế đã chứng minh, ba nguyên tắc trên có tác dụng to lớn biến nền văn hóa Việt Nam từ một nền văn hóa chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa phong kiến, thực dân, nô dịch trở thành một nền văn hóa độc lập, tự cường, vừa tiên tiến, vừa đậm đà bản sắc dân tộc.

“Cho đến hôm nay, không ai có thể phủ nhận giá trị lịch sử to lớn của bản Đề cương cũng như vai trò tiên phong mở đường, đặt nền móng lý luận cho công cuộc phát triển văn hóa Việt Nam” - GS.TS. Từ Thị Loan khẳng định.

Trong suốt 80 qua, Đảng ta luôn quán triệt tinh thần chính của bản Đề cương, đồng thời có sự điều chỉnh, bổ sung, vận dụng sáng tạo phù hợp với tình hình thực tiễn của từng giai đoạn cách mạng. Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Thanh Sơn cho rằng: từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ I (11.1946) đến Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ II (7.1948) cho đến Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, tinh thần, giá trị của Đề cương văn hóa Việt Nam luôn hiện hữu, chi phối nội dung các tham luận trung tâm và kết luận quan trọng.

Sau khi Đề cương văn hóa Việt Nam ra đời, tùy tình hình thực tiễn đặt ra Đảng ta đã ban hành các văn kiện có tính chuyên biệt về văn hóa. Trong đó, từ quan điểm, mục tiêu đến nhiệm vụ, giải pháp đều toát lên tinh thần 3 nguyên tắc: dân tộc, đại chúng, khoa học. Những nội dung văn kiện trên đã được các cơ quan của Nhà nước thể chế hóa kịp thời, phù hợp với điều kiện thực tiễn góp phần vào công cuộc kháng chiến, thống nhất đất nước, xây dựng Tổ quốc.

Tiếp nối ngọn nguồn

80 năm là quãng thời gian đủ dài để đo đếm tính phù hợp của lý luận, đủ dài để thấm, ngấm lý luận vào cuộc sống. Đất nước ta đã có nhiều thay đổi vượt bậc, nhưng tinh thần và những nội dung cốt lõi của Đề cương văn hóa Việt Nam vẫn còn giá trị. Theo PGS.TS. Phạm Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, ba nguyên tắc, ba tính chất cơ bản của nền văn hóa Việt Nam được khẳng định trong bản Đề cương vẫn mang tính thời sự và là mục tiêu đặt ra để xây dựng, phát triển văn hóa theo hướng bền vững, dù hiện nay quan niệm về 3 tính chất ấy đã được mở rộng cho phù hợp với thực tiễn.

Nếu ở giai đoạn trước, đưa ra nguyên tắc Dân tộc hóa là để văn hóa Việt Nam có thể phát triển độc lập, thoát khỏi sự phụ thuộc của văn hóa phát xít, thực dân… thì ngày nay, tính dân tộc được hiểu là việc bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong dòng hợp lưu văn hóa đang chảy vô cùng mạnh mẽ. Trong bối cảnh đó, bản sắc văn hóa dân tộc chính là vũ khí để bảo vệ sự độc lập của văn hóa Việt Nam, dân tộc Việt Nam; do đó, cần tăng cường khả năng tự vệ, khả năng đề kháng của văn hóa dân tộc để bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Bảo vệ và đề cao văn hóa dân tộc là việc làm vô cùng cần thiết nhưng không có nghĩa là cố giữ những yếu tố không còn phù hợp với sự phát triển hay đóng cửa với các giá trị văn hóa bên ngoài, với những tiến bộ của nhân loại. Chính vì vậy, nguyên tắc khoa học hóa ngày nay không chỉ còn là chống lại những cái lạc hậu, phản khoa học, phản tiến bộ mà còn phải tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, tiếp thu những thành tựu khoa học mới để sử dụng và ứng dụng trong hoạt động văn hóa, bởi không có một lĩnh vực nào của văn hóa hiện nay có thể đứng ngoài mà không cần đến các thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ để phát triển, từ bảo tồn di sản văn hóa đến điện ảnh, quảng cáo, nghệ thuật trình diễn, mỹ thuật…

Tương tự như vậy, tính đại chúng của văn hóa ngày nay được mở rộng hơn, đó là quần chúng phải là nguồn cảm hứng cho các sáng tạo văn hóa, là người sáng tạo và cũng là người thụ hưởng những sáng tạo đó. Hơn thế nữa, văn hóa không chỉ phục vụ cộng đồng các dân tộc Việt Nam mà còn phải được người dân các nước trên thế giới hiểu biết và yêu thích, thông qua các hoạt động trao đổi và giao lưu văn hóa...

Nhận diện dòng chảy chưa bao giờ đứt đoạn từ các khái niệm “dân tộc - khoa học - đại chúng” tới quan điểm “văn hóa như một nguồn lực nội sinh phát triển bền vững đất nước” cũng chính là khẳng định sức sống của Đề cương văn hóa Việt Nam trong bối cảnh đương đại. PGS.TS. Trần Thị An, Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: “Dường như có một sự tương đồng giữa tính chất của thời điểm biên soạn Đề cương và bối cảnh hiện nay: đất nước đang đứng trước những vận hội mới; vận hội đó đang một lần nữa yêu cầu nhận chân vai trò của văn hóa và đòi hỏi các nhà quản lý văn hóa thực hiện trọng trách của mình đối với sự phát triển của đất nước”.

Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/kim-chi-nam-xay-dung-nen-van-hoa-moi-i317234/