Kim Động: Nhân lên sức mạnh tổng hợp từ dân vận khéo

Thực tiễn cho thấy, để Nhân dân hiểu, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thì cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động. Với nhận thức đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ban Thường vụ Huyện ủy Kim Động đã xác định nâng cao hiệu quả công tác dân vận là 1 trong 6 nhiệm vụ quan trọng cùng với 6 chương trình, 7 đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đến nay, huyện đã kiện toàn, duy trì hiệu quả hoạt động 17 khối dân vận xã, thị trấn và 73 tổ dân vận thôn do đồng chí bí thư cấp ủy là trưởng khối, tổ trưởng.

Nhân dân xã Toàn Thắng (Kim Động) dọn vệ sinh, làm đẹp cảnh quan nông thôn

Nhân dân xã Toàn Thắng (Kim Động) dọn vệ sinh, làm đẹp cảnh quan nông thôn

Xác định dân vận khéo là “chìa khóa” tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đại hội Đảng các cấp đề ra, Ban Thường vụ Huyện ủy chú trọng quán triệt, triển khai Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” gắn với vận dụng tư tưởng, phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam huyện và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Căn cứ đặc điểm, tình hình cụ thể của từng địa phương, đơn vị, các cấp ủy, tổ chức đảng lựa chọn, xác định nội dung phù hợp để vận động, phát huy sức mạnh của Nhân dân, thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chăm lo lợi ích chính đáng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.

Trong số 94 mô hình Dân vận khéo của huyện có một số mô hình tiêu biểu, như: Mô hình tuyên truyền, vận động Nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao của Hội Nông dân xã Hiệp Cường; mô hình đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế và nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân của Đảng bộ Trung tâm Y tế huyện; mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu của khối dân vận Đảng ủy xã Phú Thịnh... Đặc biệt, trước yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp, từ tháng 3/2024, mô hình dân vận khéo “Chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp” được triển khai thí điểm tại xã Phạm Ngũ Lão. Sau 5 tháng hoạt động theo mô hình mới, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức cũng như quy trình giải quyết thủ tục hành chính của xã thay đổi tích cực. 100% số hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết đúng và trước hạn.

Nhờ làm tốt công tác dân vận và triển khai sâu rộng phong trào “Dân vận khéo”, đến nay, nhận thức, trách nhiệm về công tác dân vận của các cấp ủy đảng trong huyện được nâng lên; các mô hình được cán bộ, đảng viên, Nhân dân hưởng ứng tích cực, đặc biệt là phong trào hiến đất làm đường giao thông; thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Điển hình như việc vận động Nhân dân hiến đất làm đường ở các xã: Chính Nghĩa, Đức Hợp, Vũ Xá; phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở các xã Phạm Ngũ Lão, Hiệp Cường; mô hình vận động cán bộ, đảng viên, Nhân dân làm tốt công tác an sinh xã hội ở xã Ngọc Thanh, thị trấn Lương Bằng...

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác dân vận ở huyện Kim Động còn những hạn chế như: Một số cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, trong đó có vai trò người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác dân vận và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”; các điển hình “Dân vận khéo” trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã còn ít; chưa thực sự phát huy được hiệu quả của các mô hình, chưa gắn xây dựng mô hình với nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị...

Để phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục lan tỏa, mang lại hiệu quả cụ thể, thiết thực, đòi hỏi huyện cần xác định rõ phong trào thi đua “Dân vận khéo” là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị. Vì vậy, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về công tác dân vận, về phong trào thi đua “Dân vận khéo” nhằm tạo sự chuyển biến trong quan hệ giữa Đảng với Nhân dân. Tăng cường tuyên truyền, định hướng phong trào gắn với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Xác định nội dung trọng tâm phong trào thi đua “Dân vận khéo” phù hợp với điều kiện từng địa bàn. Phát huy trách nhiệm nêu gương, tinh thần tự giác của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương để Nhân dân tin tưởng, noi theo. Đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức vận động, tập hợp quần chúng với phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”. Kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân điển hình trong phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thẩm định và đánh giá công nhận các điển hình “Dân vận khéo” nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác dân vận.

Lệ Thu

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kim-dong-nhan-len-suc-manh-tong-hop-tu-dan-van-kheo-3175236.html