'Kim Liên đệ nhất kéo' - Nghệ thuật uốn nắn 'góc con người'
'Kim Liên đệ nhất kéo' Phạm Duy Hào từ lâu được biết đến với tài năng cắt tóc đạt đến độ nghệ nhân. Trải qua hơn ba thập kỷ thăng trầm gắn bó với nghề, ông vinh dự nhận được nhiều phần thưởng cao quý như: Kỷ lục Guinness năm 2020; Nhà sư phạm ưu tú ngành tạo mẫu tóc năm 2017; Giải thưởng cống hiến vì sự nghiệp phát triển ngành tóc Việt Nam. Ở độ tuổi tứ tuần, người nghệ nhân với 'đôi bàn tay vàng' vẫn còn nhiều tâm sự với nghề cầm kéo.
Phóng viên: - Nhắc đến nghệ nhân cắt tóc Phạm Duy Hào là nhắc đến danh xưng “Kim Liên đệ nhất kéo”. Từ đâu mà ông nhận được 5 chữ cao quý này?
Nghệ nhân Phạm Duy Hào: Ngày xưa khi tôi mới hành nghề, thanh niên Kim Liên có một cuộc thi cắt tóc phong trào, ai chiến thắng thì được phong danh hiệu “đệ nhất”. Tôi đã thắng cuộc thi và đoạt được danh hiệu này. Dần dần, tay nghề của tôi được biết đến nhiều hơn. Gọi nhiều thành quen, đồng nghiệp, hay báo chí cứ nhớ đến tôi là nhớ đến mấy chữ “Kim Liên đệ nhất kéo”. Sau này, danh hiệu được Trung ương Hội làng nghề Việt Nam công nhận, tôi cũng rất vinh dự khi là một trong hai người nghệ nhân đầu tiên của nghề tóc - nghề làm đẹp cho đời.
Nhiều khi tôi thấy mình may mắn có được danh hiệu này là vì sinh ra trong gia đình “con nhà nòi”. Ông nội tôi chính là cụ Phạm Duy Hiền (tức Đảng) làm nghề tóc, bố tôi cũng theo nghề của ông. Ông nội tôi cũng là người đã mở nghiệp cắt tóc cho làng Kim Liên. Đến đời anh tôi, dòng họ Phạm đã có ba đời sống bằng nghề cắt tóc.
Từ năm 1977, tôi đã biết nghề và tham gia một khóa đào tạo 18 tháng của Nhà nước ở Hàng Trống. Khi học xong, tôi tốt nghiệp “thủ khoa” và được Sở Quản lý Ăn uống và Phục vụ Hà Nội cấp bằng hành nghề. Sau này, tôi bắt đầu làm việc ở các hợp tác xã cắt tóc trên phố Hàng Trống, Hàng Khay,... hay thậm chí ở nước ngoài. Cũng từ đây, tôi có thêm một danh hiệu mới - “Trạng nguyên Làng cắt tóc”.
Phóng viên: Nghề cắt tóc ở đâu cũng có. Nhưng tại sao chỉ vùng đất Kim Liên trứ danh đến mức trở thành một “làng nghề” chuyên cắt tóc?
Nghệ nhân Phạm Duy Hào: Ngày xưa, vùng Kim Liên này là Ô Đồng Lầm, nổi tiếng nhất là nghề cắt tóc của đàn ông, sau đó là nghề nhuộm vải nâu, hái rau muống của đàn bà. Thời đó, các cụ đi đâu cũng đem theo một hòm đựng đồ nghề để cắt tóc “dạo”.
Sự tích làng cắt tóc Kim Liên bắt nguồn từ sự kiện một thầy lang rất giỏi về phong thủy đến ô Đồng Lầm. Ngài nói chuyện cùng các cụ bô lão trong làng và hỏi các cụ muốn làm nghề gì, các cụ mới thưa rằng: “Dân làng chúng tôi muốn làm nghề đè đầu vít cổ thiên hạ". Thế là ngài trấn yểm trong một hòm đá một cây kéo, một cái lược bằng đá và làm một bài thơ rằng:
“Giang sơn một tráp, gương, lược, dao
Chơi ngông gọt gáy khách anh hào
Giầu thánh tướng ai, ta cũng mặc
Vít cổ vua, xoay, chẳng sợ nào”.
Sự tích đó khởi đầu cho sự nghiệp cắt tóc phồn thịnh của làng Kim Liên. Từ đó, dân làng Kim Liên nô nức làm nghề tóc và phát triển nghề. Tất cả đất kinh thành thợ cắt tóc đều là từ làng Kim Liên, có những người vào Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, cũng có người sang Pháp.
Phóng viên: Khách đến tiệm cắt tóc của Phạm Duy Hào, mong muốn lớn nhất, ấy là được ông trực tiếp nắn nót, sửa sang cho cái "góc con người" của mình. Vậy “Trạng nguyên cắt tóc” làng Kim Liên thường sửa sang cái “góc” ấy cho những người như thế nào?
Nghệ nhân Phạm Duy Hào: Khách hàng đến cắt tóc chỗ tôi đều rất đa dạng từ giới tính đến nghề nghiệp, từ doanh chức, lãng tử đến các nghệ sĩ,... Nghệ sĩ Quốc Khánh, Quế Hằng, Võ Hoài Lâm đều là những khách hàng quen thuộc. Đặc biệt “Ngọc Hoàng” Quốc Khánh đã đồng hành với tiệm tôi suốt hơn 40 năm. Nhiều khách hàng khác cũng đã gắn bó từ đời ông, đời bố và đến nay, con cháu họ vẫn tin tưởng để tôi chăm sóc cho mái tóc của họ.
Phóng viên:Một nghệ sĩ cắt tóc khoáng đạt, phiêu lưu như ông Phạm Duy Hào, vì lý do gì mà trở thành người thầy dạy nghề - công việc đòi hỏi sự đĩnh đạc, khuôn phép?
Nghệ nhân Phạm Duy Hào: Ngày xưa, khi làm việc tại phố Quang Trung, tôi thường bắt gặp những cháu nhỏ mồ côi từ “Tổ bán báo xa mẹ” tụ tập trong công viên. Động lòng thương, tôi đã gọi tất cả các em, các cháu và hỏi có muốn theo nghề cắt tóc không, nếu muốn tôi sẽ dạy nghề. Cứ thế, tôi cho các cháu ăn ngủ ở cửa hàng và đào tạo cho nghề cắt tóc.
Tôi không có tiêu chuẩn để nhận học trò. Quan trọng nhất đối với tôi là họ có một tâm hồn sáng tạo, “lãng tử” và tâm huyết với nghề. Bởi việc học nghề tóc không phải lúc nào cũng dễ dàng, gian nan mà dễ nản, không như một số người hay nói học 1-2 tháng là cắt tóc được. Bởi chừng đó thời gian cầm con dao, cái kéo còn chưa vững. Nên với lứa học trò thực sự có đam mê, lại được tôi chỉ dạy, chắc chắn rằng họ sẽ là những nghệ nhân xuất sắc kế tiếp, tận tụy và sáng tạo ra những mái tóc đẹp nhất cho đời.
Là một người thầy, phần thưởng lớn nhất với tôi là khi những học trò tôi đào tạo phát triển và đạt được thành công, có cuộc sống sung túc. Bây giờ, nhiều học trò của tôi đã trưởng thành và thành đạt. Các bạn cũng rất tình cảm và thường nhớ đến thầy.
Phóng viên: Ở độ tuổi chín với nghề, chạm tới đỉnh cao của sự nghiệp cầm kéo, còn thách thức gì mà ông băn khoăn cần vượt qua?
Nghệ nhân Phạm Duy Hào: Bao nhiêu năm cầm kéo là bấy nhiêu năm thách thức. Trong giai đoạn học nghề, tôi hay mất tập trung khi tập đánh kéo khiến kéo đâm vào tay chảy máu. Những ai mới bắt đầu học nghề cắt tóc đều từng trải qua những khoảnh khắc này. Tôi luôn nhấn mạnh về việc giảm tối thiểu các tai nạn với học trò, dù là nhỏ nhất. Tai nạn ở đây không chỉ là của bản thân người thợ cắt tóc mà còn là tai nạn với khách hàng. Chẳng hạn, mái tóc cắt ngắn đi không còn cách nào mọc dài lại được, có sửa để giúp dễ nhìn hơn hay nối tóc cũng chỉ là giải pháp cấp thời. Bởi vậy, nghề này yêu cầu sự chuẩn chỉnh và tỉ mỉ vô cùng cao.
Bên cạnh đó, dù tôi đã có tay nghề giỏi, nhưng việc liên tục cập nhật những trào lưu, xu hướng mới vẫn rất quan trọng. Thời trang là một ngành sáng tạo và liên tục thay đổi. Làm nghề này không thể đi ngược thời thế được. Điều này đặt ra một thách thức không nhỏ, đòi hỏi sự linh hoạt và sẵn sàng học hỏi để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và thời đại. Tôi đôi khi cũng tham gia gặp gỡ, giao lưu với các nhà tạo mẫu tóc ở Hàn Quốc, Italia,... để cùng trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và bổ khuyết cho nhau.
Phóng viên:Với cương vị là Chủ tịch Hội làng nghề cắt tóc truyền thống Kim Liên, ông đã có kế hoạch gì trong việc “truyền lửa" cho thế hệ tiếp theo?
Nghệ nhân Phạm Duy Hào: Tôi luôn hết lòng truyền đạt và duy trì giá trị truyền thống của làng nghề. Hằng năm, vào ngày 15 tháng 3 âm lịch, tôi vẫn chủ trì tổ chức giỗ tổ nghề tại bàn thờ tổ ở đình Kim Liên. Trong dịp này, chúng tôi rước kiệu và mời tất cả các thợ làm tóc trên cả nước về biểu diễn cắt tóc để dâng hương tri ân nghề. Đây là một cơ hội quý báu để các thợ cắt tóc chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm và gắn kết với những giá trị truyền thống của làng.
Ngoài ra, tôi cũng tạo điều kiện dạy nghề miễn phí cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn yêu thích nghề. Vào các dịp đặc biệt như Quốc tế Thiếu nhi hay lễ hội, tôi cũng thường tổ chức các sự kiện cắt tóc ở đình, khuyến khích các cháu tham gia và đến xem để truyền cảm hứng cho các cháu về nghề. Điều này giúp động viên, khích lệ những người trẻ đam mê nghề làm tóc có cơ hội học hỏi và phát triển. Đây cũng là một cách gìn giữ và tiếp nối nghề truyền thống của làng đến các thế hệ sau.