Kim loại tạo lợi thế khổng lồ cho Trung Quốc khi làm xe điện

Việc làm chủ được quy trình tinh luyện quặng nickel của Indonesia mang lại cho Trung Quốc lợi thế rất lớn trong cuộc đua chế tạo pin xe điện.

Từ chỗ là nhà cung cấp nickel cho chế tạo pin xe điện ở quy mô nhỏ vào năm 2017, Indonesia đã trở thành nước cung cấp hàng đầu, chiếm khoảng một nửa nguồn cung toàn cầu vào năm 2022.

Với hơn 14 mỏ đang hoạt động, quốc đảo này đang cung cấp hơn 40% nhu cầu nickel toàn cầu, đóng vai trò then chốt trong cuộc đua chế tạo pin xe điện.

Nếu xu thế khai thác này tiếp tục, quốc gia Đông Nam Á sẽ sản xuất hơn 2/3 nguồn cung nickel toàn cầu vào 2030.

Sự thống trị của Trung Quốc

Sự ra đời của xe điện là một bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi xanh, đánh dấu bước tiến đáng kể trong hành trình chống biến đổi khí hậu và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

"Trái tim" của quá trình chuyển hóa này là pin lithium-ion. Những viên pin này cung cấp năng lượng cho xe điện và cũng là thành phần quan trọng trong nhiều công nghệ hiện đại.

Trong số các thành phần chính của pin lithium-ion, nickel là nổi bật nhất nhờ các đặc tính độc đáo của nó. Mật độ năng lượng và khả năng duy trì dung lượng của kim loại này đã làm cho nó trở thành thứ thiết yếu trong quy trình sản xuất pin xe điện.

 Trong số các thành phần chính của pin lithium-ion, nickel là nổi bật nhất nhờ các đặc tính độc đáo của nó. Ảnh: Al Jazeera.

Trong số các thành phần chính của pin lithium-ion, nickel là nổi bật nhất nhờ các đặc tính độc đáo của nó. Ảnh: Al Jazeera.

Indonesia từ lâu đã được biến đến là quốc gia nắm giữ trữ lượng nickel thuộc nhóm hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, nhiều loại quặng nickel của Indonesia - được gọi là laterite - khó xử lý để dùng cho chế tạo xe điện. Vì thế, trong nhiều thập kỷ trước, nó được tinh luyện chủ yếu để sản xuất thép không gỉ.

Sự tăng trưởng nhanh chóng trong sản xuất nickel tại quốc đảo này chỉ thật sự bùng nổ khi hợp tác với Trung Quốc, nhà sản xuất pin xe điện lớn nhất toàn cầu.

Đất nước tỷ dân đến và mang theo những thứ cần thiết để củng cố năng lực khai thác của Indonesia, tập trung vào việc tinh chế nickel tại địa phương sau lệnh cấm xuất khẩu nickel thô vào năm 2022.

Mấu chốt nằm ở phương pháp HPAL - tách chiết sử dụng axit áp suất cao. Kỹ thuật này đã tồn tại hàng thập kỷ nhưng không được đánh giá cao do phải dùng nhiệt độ cùng áp suất cực lớn, thường làm hỏng thiết bị và phải sửa chữa thường xuyên.

Với HPAL, các công ty Trung Quốc đã tạo ra sự đột phá, biến Quy trình tinh luyện từng rất cồng kềnh trở thành công cụ khai phá trữ lượng khổng lồ tại Indonesia để cung cấp cho ngành công nghiệp xe điện đang “khát” nickel.

Cán cân lệch

Trung Quốc xuất hiện và góp phần lớn khiến sản lượng nickel tăng đột biến ở Indonesia. Như hệ quả tất yếu, điều này đã dẫn đến tình trạng cung vượt cầu và khiến giá nickel toàn cầu sụp đổ.

 Sản lượng khai thác quá mức của Indonesia khiến giá nickel toàn cầu sụp đổ. Ảnh: Bloomberg.

Sản lượng khai thác quá mức của Indonesia khiến giá nickel toàn cầu sụp đổ. Ảnh: Bloomberg.

Từ mức 50.000 USD/tấn từng được ghi nhận năm 2022, giá kim loại này hiện chỉ còn được giao dịch ở mốc gần 16.000 USD/tấn.

Theo Wall Street Journal, đây là bước lùi đối với Mỹ khi Washington cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc của các công ty nước này vào Trung Quốc.

Để đối phó, các công ty của Mỹ như Talon Metals đang ủng hộ chuỗi cung ứng an toàn bằng cách phát triển các nguồn nickel địa phương theo tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt.

Bên cạnh đó, họ còn hợp tác với các nhà sản xuất ô tô như Tesla và thúc đẩy tái chế pin để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trên toàn cầu về xe điện và năng lượng tái tạo.

Năm 2020, CEO Tesla Elon Musk cũng lên tiếng kêu gọi các công ty khai thác tăng cường sản xuất thêm nickel để giảm phụ thuộc vào Indonesia.

“Bất kỳ công ty khai thác nào ngoài kia, hãy khai thác thêm nickel. Tesla sẽ trao cho bạn một hợp đồng khổng lồ trong thời gian dài nếu khai thác nickel hiệu quả và theo cách thân thiện với môi trường. Hy vọng thông điệp này được gửi đến tất cả các công ty khai thác, hãy khai thác nickel”, ông Musk nói.

Tuy nhiên, vấn đề lớn với Mỹ là đất nước này hiện chỉ dựa vào một mỏ nickel đang hoạt động ở Michigan. Số liệu cho thấy Mỹ mới khai thác 17.000 tấn nickel vào năm 2023, trong khi Indonesia đã sản xuất đến 1,8 triệu tấn.

Talon Metals đang nỗ lực mở một mỏ nickel mới ở Minnesota, nhưng theo CNBC, con đường để đạt được sản lượng đầy đủ có thể mất hàng thập kỷ.

 Một cơ sở chế biến nickel do Trung Quốc hậu thuẫn ở Bắc Maluku, Indonesia. Ảnh: Bloomberg.

Một cơ sở chế biến nickel do Trung Quốc hậu thuẫn ở Bắc Maluku, Indonesia. Ảnh: Bloomberg.

Một cách khác đang được các hãng khai khoáng nhắm đến là hướng mũi khoan xuống đáy đại dương - nơi sinh sống của nhóm sinh vật nhạy cảm và có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất hành tinh - để tìm kiếm nguồn kim loại hiếm làm nguyên liệu chế tạo pin ô tô.

Đơn vị khai khoáng The Metals Company cho biết vùng đáy biển nằm giữa Hawaii và Mexico là nơi sở hữu trữ lượng khổng lồ của các hợp chất như nickel sulfate, coban sulfate cùng với đồng và mangan.

Công ty khai khoáng có trụ sở ở Vancouver (Canada) xác nhận chỉ với 60 phút hoạt động, họ có thể thu về 14 tấn đá chứa kim loại từ độ sâu 150 mét.

Một báo cáo do tạp chí Nature công bố vào năm 2020 cho thấy có hơn 250 triệu tấn nickel tồn tại trên diện tích 4,5 triệu km2 của vùng Clarion-Clipperton (CCZ) nằm trên đường đứt gãy chính của Thái Bình Dương.

Trữ lượng nickel tại khu vực này nhiều gấp gần 3 lần so với trên đất liền, chưa kể đến hàm lượng vượt trội của kim loại coban ở nơi đây.

Anh Tuấn

Nguồn Znews: https://znews.vn/kim-loai-tao-loi-the-khong-lo-cho-trung-quoc-khi-lam-xe-dien-post1488854.html